Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững nguồn năng lượng điện

Hệ thống hóa, phân tích, kiến giải, luận bàn về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả điện năng; lan tỏa các chương trình tiết kiệm điện vào thực tiễn đời sống xã hội; các giải pháp sử dụng hiệu quả, bền vững, tiết kiệm nguồn năng lượng điện...

Đây là những vấn đề được đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia năng lượng và doanh nghiệp là khách hàng sử dụng điện... tham gia giải đáp thấu đáo tại Tọa đàm về “Thực hành tiết kiệm điện - Từ chính sách đến cuộc sống” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều qua, 15.5.

Sử dụng điện tiết kiệm - vấn đề cấp thiết, cấp bách

Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nhất quán quan điểm "phải đảm bảo điện năng trong mọi tình huống" và đã có những chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ; ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo phát động và đẩy mạnh nhiều chương trình hành động sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả. Gần đây nhất là Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8.6.2023 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo với những giải pháp hết sức toàn diện về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Các khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc

Các khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc

Tại tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương Trịnh Quốc Vũ một lần nữa khẳng định: đây thực sự là những giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững ngành điện. Để thực hiện được Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng bộ nhận diện của chương trình tiết kiệm điện và khẩu hiệu của chương trình là "Tiết kiệm điện thành thói quen". Kèm theo đó, Bộ cũng đã ban hành các sổ tay hướng dẫn và các hướng dẫn trên website: tietkiemnangluong.com.vn - trang thông tin điện tử chính thức của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả…

Tại tọa đàm, các đại biểu nhấn mạnh, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả càng trở nên cấp bách và quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay khi nguồn cung điện đang gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu; các nguồn điện mới gặp nhiều khó khăn trong mở rộng đầu tư; còn nguồn điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác vận hành không ổn định. Trên thực tế, tổng thể các khâu, từ cấp phát, điều tiết, phân phối cho tới việc sử dụng điện còn có những bất cập, chưa hợp lý ở một số nơi, dẫn tới những hệ lụy đối với đời sống dân sinh và hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Võ Quang Lâm, về tiết kiệm điện, nước ta là quốc gia có tỉ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả bằng một số nước khác. “So sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000 USD chúng ta cần 376 tấn dầu quy đổi. Trong khi đó, trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn dầu quy đổi, với các nước trong OECD thì con số này khoảng 104 tấn dầu, với Singapore là 99 tấn dầu quy đổi, Nhật Bản là 90 tấn dầu quy đổi. Như vậy, để có 1.000 USD, Việt Nam đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2 - 3 lần các quốc gia khác. Đây là thách thức rất lớn để Việt Nam phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện trong thời gian tới…”, ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh.

Cho rằng, việc sử dụng điện lãng phí, thiếu hiệu quả còn diễn ra, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn cho rằng: Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan; trong đó, nhận thức của một số bộ phận người dân và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm còn hạn chế; phụ tải điện, tiêu thụ điện một số lĩnh vực vẫn tăng cao; công tác kiểm tra và giám sát việc thực thi các quy định về sử dụng tiết kiệm điện còn chưa thường xuyên, chế tài và mức xử phạt chưa đủ mạnh; giá điện vẫn chưa tiệm cận với giá thị trường dẫn tới không khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm…

Tăng cường công tác tuyên truyền

Bàn về giải pháp làm thế nào để sử dụng hiệu quả, bền vững, tiết kiệm nguồn năng lượng điện, các khách mời cho rằng, để bảo đảm điện năng cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, việc thúc đẩy đầu tư cho sản xuất điện, tăng cường năng lực nguồn điện, phát điện vẫn là chưa đủ mà còn một vế đặc biệt quan trọng đó là sử dụng điện một cách hiệu quả, bền vững và tiết kiệm. Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Võ Quang Lâm, thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thựchiện hiệu quả Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo. Đẩy mạnh tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện cho người dân, doanh nghiệp.Ứng dụng nhiều công nghệ để việc tiết kiệm điện hiệu quả hơn. Đặc biệt, là tạo sự tương tác giữa các đơn vị cung cấp điện, người sử dụng điện. Cùng với đó, áp dụng chuyển đổi số để khách hàng sử dụng điện có thể tương tác, xem sản lượng điện của mình. Đồng thời, bám sát nhu cầu sử dụng điện của doanh nghiệp để có thể dự báo phụ tải tốt hơn, lập biểu đồ phụ tải phản ánh đúng của doanh nghiệp, giữa khu vực và toàn quốc để từng bước điều chỉnh các đỉnh của biểu đồ phụ tải phù hợp với khả năng, độ khả dụng của các hệ thống điện; thực hiện kiểm toán năng lượng…

Là doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ lượng điện năng lớn, Phó trưởng Phòng Thiết bị, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam Trần Anh Tuấn chia sẻ, công ty đã triển khai các giải pháp thực hành tiết kiệm điện như tuyên truyền vận động cán bộ công nhân viên tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; duy tu, cải tạo các thiết bị nâng cao hiệu quả sử dụng điện, khuyến khích và đưa ra các ý tưởng tiết kiệm điện tại từng bộ phận sản xuất trong công ty; tiến hành thay thế toàn bộ đèn chiếu sáng trong công ty thành các đèn LED tiết kiệm điện; rà soát tối ưu hóa việc sử dụng khí nén cho sản xuất, phấn đấu tiến tới Net Zero vào năm 2030...

Từ kinh nghiệm thực tiễn của địa phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc Nguyễn Viết Sơn cho rằng, cần sự phối hợp rất chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị phân phối điện và khách hàng sử dụng điện. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, tập trung với khách hàng trọng điểm, cận trọng điểm và tập trung triển khai các mô hình quản lý năng lượng và kiểm toán; phối hợp chặt chẽ với phân phối điện để xác định chính xác và tuân thủ biểu đồ phụ tải. Mặt khác, khách hàng sử dụng điện cũng phải tuân thủ về kiểm toán năng lượng...

Bách Hợp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/su-dung-tiet-kiem-hieu-qua-ben-vung-nguon-nang-luong-dien-i371914/