Sử dụng thực phẩm đúng cách trong mùa nắng nóng

Thời tiết nắng nóng như hiện nay dễ sinh sôi các loại vi khuẩn, nấm mốc làm cho các loại thực phẩm, thức ăn dễ bị ôi thiu, gây mất an toàn thực phẩm (ATTP) nếu không được bảo quản cẩn thận. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bị ngộ độc thực phẩm hoặc rối loạn tiêu hóa. Do đó, việc lựa chọn, bảo quản và sử dụng thực phẩm đúng cách để bảo vệ sức khỏe đang được nhiều người quan tâm.

Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao là thời điểm dễ bùng phát các bệnh về đường tiêu hóa

Nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi trùng phát tán, nhất là trên thực phẩm tươi sống như thịt, cá, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đã sơ chế nhưng không được bảo quản ở nhiệt độ đủ an toàn hoặc phơi dưới nắng nóng. Bên cạnh đó, các loại thức ăn đường phố, điểm ăn uống tạm bợ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP do thiếu điều kiện bảo quản, quá trình chế biến không bảo đảm ATTP, để thực phẩm sống, chín lẫn lộn dẫn đến nhiễm khuẩn chéo,…

Thời gian qua, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các tỉnh, thành phố trong nước khiến nhiều người phải nhập viện điều trị. Nguyên nhân chính do thời tiết nắng nóng, vi khuẩn, nấm mốc dễ sinh sôi; quá trình chế biến và bảo quản nguyên liệu, thực phẩm chưa đúng cách; ý thức chấp hành quy định pháp luật về điều kiện ATTP của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa cao;...

Chị Lê Thị Thanh Hiếu (xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An) chia sẻ: “Mùa nắng nóng, thức ăn dễ thiu nên tôi nấu vừa đủ dùng cho gia đình trong 1 bữa hoặc có thức ăn dư thì bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Ngoài ra, tôi cũng lựa chọn thực phẩm tươi sống tại siêu thị, cửa hàng uy tín, bảo đảm nguồn gốc, không mua hàng rong, thực phẩm trôi nổi để đề phòng nguy cơ mất ATTP, ảnh hưởng sức khỏe”.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Lan (phường 3, TP.Tân An) đi chợ mua thực phẩm chuẩn bị các bữa ăn trong ngày. Bà Lan cho biết: “Đi chợ sớm vừa ít người, hàng hóa lại nhiều và tươi ngon nên thoải mái lựa chọn. Tuy giá cả có đắt hơn một chút so với giữa hay cuối buổi chợ nhưng tôi có thể mua những thực phẩm ưng ý nhất. Khi đi chợ về, tôi sẽ sơ chế thực phẩm thật kỹ và bảo quản trong tủ lạnh. Theo tôi, có như vậy bữa cơm của gia đình mới đầy đủ chất dinh dưỡng và bảo đảm ATTP”.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, mặc dù thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển, tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa. Đó là, mỗi người cần thực hiện đầy đủ 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm: Chọn thực phẩm tươi, an toàn; nấu chín kỹ trước khi ăn; ăn ngay sau khi nấu; bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín nếu muốn để lâu; thức ăn nấu chín để lâu cần đun kỹ lại trước khi ăn; không để chung thức ăn chín và sống, có dao, thớt riêng cho mỗi loại; rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn; giữ sạch các bề mặt chế biến; che đậy thức ăn để tránh bụi, ruồi nhặng; sử dụng nguồn nước sạch, an toàn.

Cùng với cẩn trọng khi lựa chọn, chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn thì biện pháp hiệu quả để phòng tránh các bệnh trong mùa nắng nóng vẫn là thường xuyên rèn luyện sức khỏe, tăng sức đề kháng cơ thể bằng cách ăn uống đủ dinh dưỡng, uống đủ lượng nước cần thiết, giữ vệ sinh thân thể và nghỉ ngơi đúng giờ./.

Thùy Minh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/su-dung-thuc-pham-dung-cach-trong-mua-nang-nong-a174571.html