Sử dụng phân bón an toàn trong sản xuất nông nghiệp

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trung bình mỗi năm, người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng khoảng 500.000 tấn phân bón các loại cho cây trồng. Tỷ lệ sử dụng phân bón cho lúa chiếm 65%, các cây công nghiệp lâu năm chiếm gần 15%, ngô khoảng 9% và còn lại là các cây trồng khác. Tuy nhiên, lượng phân bón cây trồng hấp thụ được chỉ khoảng 70%. Còn lại số phân bón chưa được cây hấp thụ, một phần còn lại ở trong đất hoặc bị rửa trôi theo nước mặt do mưa, theo các công trình thủy lợi ra các kênh mương. Vấn đề đặt ra là sử dụng phân bón làm sao an toàn, phát huy tối đa hiệu quả trên thực tế.

Nông dân xã Hoằng Cát (Hoằng Hóa) bón phân cho lúa vụ xuân 2023.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại phân bón khác nhau, vì vậy người nông dân cần phải lựa chọn loại phân bón phù hợp nhất với cây trồng, nếu như bón phân không đúng sẽ không phát huy được hiệu quả sử dụng mà ngược lại còn gây ra một số tác động xấu đối với cây trồng. Trong vụ mùa năm 2022, do sử dụng phân bón không đúng cách khiến 2 sào lúa của gia đình bà Lê Thị Vân, thôn 3, xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) kém năng suất. Bà Vân cho biết: “Do tôi không tìm hiểu và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì của nhà sản xuất, sử dụng phân bón theo thói quen, nhiều gấp từ 1,5 đến 2 lần so với liều lượng được khuyến cáo. Vì tôi bón dư thừa đạm nên sau đó, màu lá lúa xanh mướt, nhiều đám chuyển màu xanh đậm. Đến khi lúa trổ bông thì bị lốp, sâu bệnh hại phát triển mạnh và dễ bị đổ ngã làm giảm năng suất. Trong khi các hộ lân cận đạt năng suất khoảng 3 tạ/sào, còn diện tích lúa của gia đình tôi chỉ đạt năng suất gần 2 tạ/sào”.

Để người dân sử dụng phân bón an toàn, hiệu quả, từ năm 2022 đến tháng 2-2023, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức 73 lớp tập huấn về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và phòng chống dịch bệnh cây trồng cho 3.481 lượt người. Qua đó, nông dân nắm vững được phương pháp sử dụng phân bón hiệu quả theo nguyên tắc 5 đúng “đúng chủng loại, đúng lúc, đúng đối tượng cây trồng, đúng thời vụ và đúng cách”. Ngoài ra, người dân có thể tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp để tạo nguồn phân hữu cơ, giúp giảm chi phí và tốt cho đất canh tác.

Ông Cao Văn Hưng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Liên Lộc (Hậu Lộc), chia sẻ: Trong sản sản xuất nông sản, phân bón đóng vai trò rất quan trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây trồng. Nếu bón phân không đúng cách, không chỉ hại cho cây trồng, ảnh hưởng tới chất lượng nông sản, lãng phí tiền của của người dân mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng đất đai, nguồn nước ngầm. Hàng năm, HTX chúng tôi cung ứng cho hội viên khoảng 40 tấn phân bón các loại. Để phát huy tác dụng của phân bón, HTX đã hướng dẫn nông dân sử dụng bón phân hiệu quả, hợp lý. Đơn cử như trên cây lúa, để có được 1 tấn thóc, diện tích trồng lúa cần phải hấp thu 17 đến 21kg đạm, 6 đến 8kg lân, 19 đến 20kg kali. Như vậy, trên 1 ha trồng lúa, cần sử dụng khoảng 300 đến 370kg phân bón các loại. Trong đó, đạm khoảng 120 đến 150kg, lân 45 đến 56kg và kali 135 đến 165kg. Nếu lượng phân bón thấp sẽ không đạt năng suất cao, lượng phân bón cao sẽ gây lãng phí, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đón, chúng ta cần phải chú ý đến đặc tính của cây để lựa chọn loại phân bón cho phù hợp. Nếu như đất trồng bị chua, cần khuyến cáo người dân không sử dụng các loại phân bón có chứa axit, ngược lại nếu đất có tính kiềm thì không chọn loại phân bón có tính kiềm.

Trước tình hình hiện nay giá phân bón tăng cao, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân bón phân theo đúng quy trình và tiết kiệm. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng khuyến khích người dân tận dụng các chất thải, phế phụ phẩm nông nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ.

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/su-dung-phan-bon-an-toan-trong-san-xuat-nong-nghiep/180712.htm