Sử dụng mạng xã hội để phòng, chống tội phạm

Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, một số ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại với tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho biết, thời gian qua, người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số liên tục bị các đối tượng tội phạm dùng những thủ đoạn lừa đảo, giả mạo cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng và công chức các cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tiền. Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập các địa chỉ mạng xã hội để lừa tiền người dân đang xảy ra khá phổ biến và ngày càng tinh vi hơn. Đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo tình hình, đổi mới phương thức cảnh báo hành vi, thủ đoạn các loại tội phạm để người dân biết.

Biểu tượng của các nền tảng mạng xã hội trên màn hình điện thoại thông minh. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc sử dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok để đăng tải, cập nhật những thông tin cảnh báo về tội phạm, hành vi, thủ đoạn phạm tội phù hợp với diễn biến tình hình mới được đánh giá là giải pháp tích cực, mang lại tác động lớn bởi hiện nay, lượng người sử dụng thường xuyên các mạng xã hội này rất đông đảo. Thông tin chính thống của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương được truyền tải qua mạng xã hội giúp nhanh chóng đến được với người dân, mở rộng độ bao phủ, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, qua đó nâng cao tinh thần cảnh giác của nhân dân, góp phần đấu tranh với các hoạt động tinh vi của tội phạm mạng. Tuy nhiên, giải pháp này cần được nâng cao hiệu quả hơn nữa, đặc biệt cần truyền thông rộng rãi để người dân biết đến các trang mạng xã hội chính thức của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Thông tin cần được cập nhật thường xuyên, dễ hiểu, dễ nhớ, sát thực, hữu ích, tăng cường tính tương tác, trao đổi. Đồng thời cần ngăn chặn các bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, tin giả, mang tính chất kích động, lan truyền vì mục đích xấu.

Đại biểu Quốc hội bày tỏ mong muốn Bộ Công an và công an các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm tình hình, kịp thời cung cấp đến người dân những thông tin về phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm mạng. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cần được quan tâm hơn, kết hợp giữa truyền thông qua mạng xã hội và các kênh truyền thông đại chúng phổ biến, dành dung lượng, tần suất phù hợp để đăng tải, phát sóng. Qua đó giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, chủ động phòng ngừa và phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật.

MẠNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/su-dung-mang-xa-hoi-de-phong-chong-toi-pham-752584