Sử dụng mã QR là giải pháp cải cách quản lý về an toàn thực phẩm

VPCP vừa ban hành Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp BCĐ liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP).

Thông báo kết luận nêu rõ, Báo cáo của Bộ Y tế đã tổng hợp tình hình công tác bảo đảm ATTP trong toàn quốc, bám sát các nội dung quản lý nhà nước theo quy định của Luật ATTP, được nhiều bộ, ngành thống nhất. So với các năm trước đây, các mặt công tác về ATTP năm 2023 đã được triển khai khá đồng đều, nhất là triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới. Số vụ việc mất ATTP gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân giảm…

Trong thời gian tới, BCĐ liên ngành Trung ương về ATTP chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thành việc rà soát, tổng kết toàn diện, khoa học, đồng bộ Luật ATTP năm 2010 và các chiến lược, quy hoạch liên quan trong bối cảnh thực tiễn đã phát sinh nhiều vấn đề mới, nhiều phương pháp quản lý hiện đại.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm ATTP tại chợ trên địa bàn - Ảnh: VGP

Trong đó, cần xem xét mô hình quản lý nhà nước theo hướng thống nhất một đầu mối như Ban Bí thư đã chỉ đạo, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Bộ Y tế là cơ quan đầu mối và của từng bộ, ngành liên quan và từng cấp chính quyền, phân cấp triệt để đi đôi với tăng cường các điều kiện thực thi, kỹ thuật, tổ chức bộ máy phù hợp, bảo đảm quản lý ngay từ cơ sở.

Tiếp tục coi truyền thông là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cần được đẩy mạnh với các hình thức, nội dung phong phú, truyền thông trên đa phương tiện; kết hợp truyền thông thường xuyên về kiến thức, chính sách, pháp luật về ATTP và tập trung đẩy mạnh về thực hiện, bảo đảm ATTP trong các dịp cao điểm như Tết, mùa lễ hội...

Các bộ, ngành tiếp tục thực hiện công tác quản lý, bảo đảm ATTP theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, quản lý suốt quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng đối với các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm được phân công quản lý…

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chủ động thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chiến lược, chỉ thị về ATTP; Rà soát, tham mưu về các nhiệm vụ, giải pháp về công nghệ và kỹ thuật, phòng thí nghiệm... giúp nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATTP; Sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về ATTP có kết nối với các bộ, ngành, địa phương để cung cấp nền tảng cho các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý thực phẩm và để doanh nghiệp, người dân đăng ký, công bố sản phẩm thực phẩm của mình theo hướng dẫn của các bộ, ngành.

Bộ Y tế phải coi việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR... là một giải pháp nhằm cải cách quản lý nhà nước về ATTP; Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất Dự án về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về ATTP (Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Y tế thực hiện), báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.

Các Bộ, cơ quan ở Trung ương, UBND tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực (tránh hình thức) bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân năm 2024 theo Kế hoạch số 1540/KH-BCĐTƯATTP ngày 13/12/2023 của Ban chỉ đạo; lưu ý tăng cường việc kiểm tra đột xuất.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường hoạt động kiểm tra ATTP trên thị trường; đẩy mạnh quản lý ATTP kinh doanh thương mại điện tử, đa cấp; quy định rõ các tiêu chuẩn, quy định về bảo đảm ATTP đối với các chợ thuộc lĩnh vực quản lý; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách quản lý thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, phối hợp với Bộ Y tế triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá theo quy định…

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/su-dung-ma-qr-la-giai-phap-cai-cach-quan-ly-ve-an-toan-thuc-pham-169240117180424351.htm