Sử dụng hiệu quả Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho KHCN, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất,kinh doanh, nhưng đến nay rất ít doanh nghiệp thành lập quỹ này.

Tập huấn cho doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh chuyển đổi số.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh,địa phương có tổng số doanh nghiệp chiếm gần một phần ba cả nước, nhưng chỉ có 124 doanh nghiệp trích lập quỹ, với tổng số tiền là 4.400 tỷ đồng.

Là một doanh nghiệp lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty thương mại Sài Gòn (SATRA) đã thành lập Quỹ Phát triển KHCN theo quy định nhưng đến nay chưa giải ngân được. Theo ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công nghệ thông tin SATRA, do nhiều nguyên nhân, trong đó có vướng mắc về thành lập hội đồng để thẩm định đề án triển khai khi sử dụng quỹ, hoặc gặp khó thủ tục phê duyệt dự án… “Công ty muốn triển khai một số dự án về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tối ưu hóa nhà máy sản xuất, phát triển dự án khoa học, công nghệ mới. Nhưng không biết quỹ sẽ chi cho các kế hoạch này như thế nào?”, ông Nguyễn Văn Bình băn khoăn.

Vấn đề sử dụng quỹ đúng quy định để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đang là vướng mắc của nhiều doanh nghiệp. Trong tổng số tiền trích lập quỹ 4.400 tỷ đồng của 124 doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, hiện chỉ giải ngân được 1.353 tỷ đồng, chiếm hơn 30% số tiền trích lập quỹ. Trong đó, 59% doanh nghiệp dùng cho đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, chi cho mua sắm thiết bị chiếm tỷ lệ 20%, nghiên cứu và phát triển 9%, các hoạt động khác 12%.

Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, việc thành lập Quỹ Phát triển KHCN của doanh nghiệp đã được thực hiện và đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, trích lập quỹ và sử dụng hiệu quả vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như thủ tục sử dụng quỹ phức tạp, việc giải ngân quỹ thấp, chưa hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đã thành lập quỹ ngay từ những ngày đầu, nhưng đến nay vẫn chưa hiểu rõ các thủ tục pháp lý để có thể vận hành và giải ngân quỹ. “Hầu như các doanh nghiệp không biết quỹ chi vào những hoạt động cụ thể gì”, bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở KHCN Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Trong khi đó, ông Phí Anh Tuấn, Trưởng ban Tư vấn chuyển đổi số mảng doanh nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh (DXCenter) cho biết: Lập quỹ thì không khó nhưng giải trình với cơ quan quản lý thuế để được ghi nhận và trừ thuế thu nhập doanh nghiệp đúng quy định rất quan trọng. Doanh nghiệp còn lúng túng về việc giải trình này nên chưa mạnh dạn thành lập, cũng như sử dụng quỹ.

Một trong những vấn đề đang được doanh nghiệp quan tâm là việc trích Quỹ Phát triển KHCN đầu tư cho việc chuyển đổi số của doanh nghiệp. Theo thống kê, trong hơn 1.353 tỷ đồng chi sử dụng quỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh, số tiền chi quỹ cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin chiếm gần 60%. Đây là phương án phù hợp mục đích sử dụng quỹ, giúp doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, cũng như năng lực cạnh tranh. Thành phố xác định chương trình chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2030. Trong đó, thành phố chú trọng nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp để tạo đột phá về kinh tế.

Bà Chu Vân Hải cho biết thêm: Trước đây, quá trình thực hiện gặp một số vướng mắc như phần chi quỹ cho hoạt động chuyển đổi số chưa được quy định rõ ràng thì Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN của Bộ KHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ Phát triển KHCN đã giải quyết được vướng mắc. Trong đó, có quy định chi cho phần mềm, phần cứng, quá trình đào tạo, huấn luyện… Sở KHCN thành phố đã gửi nhiều công văn đến các đơn vị để triển khai thực hiện Thông tư số 05 đồng thời, tổ chức tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp khi họ vướng mắc trong xây dựng quỹ, cũng như trong quá trình giải ngân quỹ.

Các chuyên gia cho rằng, để việc thành lập và sử dụng Quỹ Phát triển KHCN phát huy hiệu quả, tránh lãng phí, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn về đổi mới công nghệ hay chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Thí dụ các công nghệ bảo đảm an ninh, an toàn mạng và bảo mật thông tin, công nghệ thực tế ảo và điện toán đám mây, công nghệ viễn thám, internet vạn vật... Đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp cần khai thác sử dụng Quỹ Phát triển KHCN để nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các cơ quan thuế và đơn vị liên quan cần tập huấn, hỗ trợ, tư vấn để doanh nghiệp nắm rõ các thủ tục thanh quyết toán tài chính khi sử dụng quỹ.

Bài và ảnh: CAO TÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/su-dung-hieu-qua-quy-phat-trien-khoa-hoc-va-cong-nghe-post722232.html