Sử dụng dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực để phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Hiện nay số người mắc bệnh không lây nhiễm (KLN) trong cộng đồng ngày càng gia tăng, chủ yếu là bệnh tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng các bệnh KLN là do bệnh nhân sử dụng dinh dưỡng không hợp lý và hoạt động thể lực ít.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế tỉnh, người dân cần sử dụng dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực để phòng chống bệnh không lây nhiễm.

Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại huyện Na Rì.

Theo số liệu thống kê của Khoa Phòng chống bệnh KLN, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến cuối tháng 10/2022, toàn tỉnh đang quản lý, điều trị trên 20.000 bệnh nhân mắc bệnh KLN, trong đó bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường chiếm tỷ lệ cao, tương đương lần lượt là trên 15.000 và trên 3.000 người.

Để giúp người dân kịp thời phát hiện bệnh KLN trong cộng đồng, nhiều năm qua, Khoa Phòng chống bệnh KLN đã triển khai chương trình phòng, chống bệnh KLN bằng việc tổ chức các đợt khám sàng lọc ở các xã trên địa bàn, trong đó tập trung vào một số xã có điều kiện kinh tế khó khăn; các đối tượng được khám tại cơ sở có nghi ngờ mắc bệnh mạn tính KLN đều được chuyển đến cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện để chẩn đoán xác định và điều trị. Tổ chức quản lý, điều trị cho người mắc bệnh KLN. Chú trọng các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống bệnh KLN trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách của trung tâm y tế, trạm y tế về hướng dẫn dự phòng, chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh KLN…

Với việc triển khai các hoạt động phòng chống bệnh KLN, đã hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm tại cộng đồng, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc phòng ngừa bệnh KLN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được triển khai hiệu quả. Nguyên nhân chính được cho là người dân chưa thay đổi nhiều về việc sử dụng dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực để phòng chống bệnh không lây nhiễm theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Theo bác sĩ Đoàn Mạnh Thịnh, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh KLN, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tại Bắc Kạn chưa có số liệu phân tích chuyên sâu, nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới, 80% bệnh tim mạch giai đoạn đầu, đột quỵ; đái tháo đường týp 2 và trên 40% ung thư có thể được phòng ngừa được thông qua ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực đều đặn, không hút thuốc lá. Cả thiếu và thừa dinh dưỡng đều tác động tiêu cực tới sự phát triển bệnh và nếu phối hợp cả hai thì thậm chí còn tồi tệ hơn. Do vậy, việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý và an toàn trong suốt chu kỳ vòng đời, từ khi chuẩn bị mang thai, tới giai đoạn phát triển bào thai trong tử cung, đến các giai đoạn tiếp theo của cuộc đời đều là quan trọng để dự phòng mắc các bệnh mạn tính không lây.

Do vậy, để tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người bệnh KLN và các bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh, cùng với tăng cường khám sàng lọc cho các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao và phối hợp khám sức khỏe tại cộng đồng của ngành Y tế tỉnh, bác sĩ Đoàn Mạnh Thịnh khuyến cáo người dân nên sử dụng dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực để phòng chống bệnh không lây nhiễm./.

Việt Bắc

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/y-te-suc-khoe/202210/khoa-giao-su-dung-dinh-duong-hop-ly-tang-cuong-hoat-dong-the-luc-de-phong-chong-benh-khong-lay-nhiem-b8516e0/