Sự điều chỉnh thích hợp với tình hình mới của quan hệ Việt - Nga

Các chuyên gia nhận định tuyên bố chung Việt Nam - Liên bang Nga tái khẳng định quan hệ lịch sử giữa hai nước, đồng thời là sự điều chỉnh trước thời đại mới.

"Ngày hôm nay chúng ta sẽ thông qua một bản tuyên bố. Tôi nghĩ rằng tuyên bố này phản ánh cấp độ, tình trạng quan hệ giữa hai nước chúng ta", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ngày 30/11, sau cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi hai bên cùng thông báo về Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga đến năm 2030.

Trong khi đó, Chủ tịch nước gọi tuyên bố chung Việt - Nga là văn bản "quan trọng, với rất nhiều nội dung sâu sắc, cụ thể, có tầm nhìn không chỉ trước mắt và còn rất lâu dài của chúng ta".

Thích ứng trước thực tiễn mới

Trao đổi với Zing, Andrew Korybko, nhà phân tích chính trị người Mỹ ở Moscow, nói “tuyên bố chung tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mang tính lịch sử giữa Việt Nam và Liên bang Nga, đồng thời điều chỉnh quan hệ ấy cho phù hợp với thực tiễn đang hình thành ngày nay”.

Bà Ekaterina Koldunova, Quyền giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Học viện Ngoại giao Quốc gia Moscow (MGIMO), nói tuyên bố chung là "sự xác thực rõ ràng rằng Nga và Việt Nam coi việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là ưu tiên chính sách đối ngoại của mình".

"Tuyên bố chung được đưa ra trên tinh thần tin cậy chính trị ở mức cao nhất. Văn kiện nhấn mạnh rằng sự tin cậy này đã được kiểm chứng bởi thời gian, và hoàn toàn tương xứng với tiến trình phát triển quan hệ song phương hai nước", bà nói với Zing.

Tiến sĩ Bredikhin Anton Viktorovich, thành viên Hội đồng Khoa học “Các vấn đề chính trị - xã hội của việc hình thành EAEU” thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, lưu ý rằng Nga không có mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện như vậy ngay cả với một số nước thuộc Liên Xô cũ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nga. Ảnh: Sputnik.

Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) nhận định tuyên bố chung là lời tái khẳng định ưu tiên của mối quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.

“Một mặt, tuyên bố chung thể hiện sự tiếp nối quan hệ”, ông Thayer trả lời Zing. “Mặt khác, văn kiện này tạo ra triển vọng tiếp tục phát triển hơn nữa quan hệ song phương nhằm mở rộng tiềm năng của hai nước, đặc biệt là trên lĩnh vực thương mại”.

Nhiều điểm nhấn thực chất

Điểm nhấn hầu hết chuyên gia nhắc đến trong cuộc trao đổi với Zing là việc hợp tác năng lượng.

Ông Korybko cho rằng việc Việt Nam và Nga hợp tác có trách nhiệm trên phương diện năng lượng điện hạt nhân - lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược - thể hiện “sự thân cận và niềm tin sâu sắc” giữa hai nước.

“Thông điệp ở đây là Việt Nam và Nga sẽ phối hợp sát sao nếu Hà Nội quyết định xúc tiến kế hoạch (phát triển năng lượng điện hạt nhân)”, ông Korybko nói. “Nếu trường hợp trên xảy ra, điều này cũng sẽ tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Nga và có thể truyền cảm hứng cho các nước ASEAN khác đề nghị sự hỗ trợ từ Moscow”.

Ông Thayer chỉ ra tuyên bố chung đã nêu cụ thể Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và các công ty Zarubezhneft, Gazprom, Novatek và Rosatom của Nga.

Ông Carl Thayer. Ảnh: AFP.

Điểm nhấn tiếp theo là hợp tác kinh tế, với việc "cải thiện hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu để loại bỏ rào cản thương mại”, ông Thayer nói.

Còn bà Koldunova nói rằng hợp tác kinh tế giữa Nga và Việt Nam đã mang tính khá toàn diện, "tất cả định hướng được nêu trong tuyên bố chung chắc chắn sẽ rất hứa hẹn".

"Đã đến lúc cần phải xem xét kỹ hơn các định hướng và nhu cầu tiêu dùng của người dân hai nước, nhằm xác định các tiềm năng kinh tế mới", bà nói. "Điều này đặc biệt đúng với Việt Nam, vì tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng kéo theo sự giàu có của người dân ngày càng tăng. Theo đó, nhu cầu đối với một số mặt hàng thực phẩm và các mặt hàng khác sẽ thay đổi và mở rộng, điều này được thấy rõ qua ví dụ về ngành công nghiệp sữa".

Chuyên gia này cũng cho rằng các bên không nên chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, vì có nhiều triển vọng tươi sáng cho các dự án đầu tư lẫn nhau, các nhà máy lắp ráp sử dụng công nghệ của Nga có thể nội địa hóa sản xuất tại Việt Nam, các dự án cơ sở hạ tầng - logistic và các dịch vụ thương mại.

Một điểm nhấn khác là việc trong tuyên bố chung, Việt Nam và Nga “tuyên bố không liên minh chống lại nước thứ ba và quan hệ song phương của hai nước cũng không nhằm chống lại bất kỳ bên thứ ba khác”, giáo sư Thayer nhận định.

Cuối cùng, tuyên bố chung đã xác định Nga là đối tác ưu tiên nếu Việt Nam quyết định phát triển ngành năng lượng hạt nhân trong nước. “Trên phương diện này, Nga đã cam kết xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam”, ông Thayer nói.

Ngoài ra, theo ông Korybko, hợp tác trên lĩnh vực quân sự và kỹ thuật quân sự đã được nhắc tới khá sớm trong tuyên bố chung, thể hiện đây sẽ tiếp tục là cơ sở cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước vì điều này có lợi cho đôi bên.

Nhà phân tích Andrew Korybko. Ảnh: Facebook/Andrew Korybko.

“Việt Nam cần khí tài hiện đại từ nhà cung cấp đáng tin cậy để củng cố năng lực quốc phòng, trong khi Nga hy vọng có thể cho khu vực ASEAN thấy sự thành công trong ‘ngoại giao quân sự’ của mình”, ông Korybko nói.

Theo ông, “ngoại giao quân sự” có nghĩa là hoạt động xuất khẩu trang thiết bị quân sự tiên tiến có thể giúp mở lối để Nga mở rộng quan hệ song phương một cách toàn diện ở các lĩnh vực khác, như kinh tế hoặc chính trị.

Ông Bredikhin đồng quan điểm rằng Nga ủng hộ Việt Nam trước hết về mặt an ninh năng lượng và quân sự, và cũng sẵn sàng cho các hoạt động tiếp theo trong lĩnh vực hạt nhân vì mục đích hòa bình.

"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Việt Nam có vị thế nhất định trong hệ thống của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với chủ quyền đất nước, đồng thời giảm thiểu các tình huống xung đột", ông nói, cho rằng đã đến lúc khôi phục việc xây dựng căn cứ hải quân của Nga tại Việt Nam.

"Đây sẽ là tín hiệu cho tất cả quốc gia quan tâm", theo chuyên gia này.

Về phần chuyên gia Koldunova, bà còn đánh giá cao việc một loạt điều khoản của tuyên bố chung thể hiện sự cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế của Nga và Việt Nam, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

"Đây là tuyên bố rõ ràng và dễ hiểu, thể hiện sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước trong các vấn đề hiện hữu liên quan đến các đảo tranh chấp ở Biển Đông, chỉ có thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình", bà nói.

Mối quan hệ bình đẳng

“Tuyên bố chung là tín hiệu cho thấy lãnh đạo hai nước đã nhất trí hợp tác song phương trên một loạt lĩnh vực”, giáo sư Thayer trả lời khi nhận định về tương lai hợp tác Việt - Nga sau khi văn kiện này được đưa ra.

“Tuyên bố chung sẽ bật đèn xanh cho cả hai bên cải thiện hiệu quả hợp tác, cũng như xây dựng những phương diện hợp tác mới”, giáo sư Thayer khẳng định.

Ông Thayer chỉ ra tuyên bố chung có đoạn “trong trường hợp cần thiết, các bên sẽ thiết lập các hình thức hợp tác mới nhằm tạo động lực và đột phá thực chất trong quan hệ song phương”.

Tuyên bố chung còn nhấn mạnh hai nước sẽ tạo điều kiện cung cấp, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và dược phẩm. Ảnh: Vabiotech.

Theo ông Thayer, tuyên bố chung còn kêu gọi Nga và Việt Nam tăng cường hỗ trợ lẫn nhau ở các thể chế đa phương, đặc biệt là các thể chế đa phương do ASEAN dẫn dắt.

Đồng tình, ông Korybko cho rằng sự hiện diện của Nga ở Đông Nam Á còn nhỏ so với các nước khác như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và thậm chí Ấn Độ.

“Nhưng Việt Nam có thể là nền tảng để mở rộng sự hiện diện ấy bằng cách đóng vai trò là ví dụ tích cực về lợi ích đôi bên đạt được khi duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Moscow”, ông Korybko nói.

Vị chuyên gia cũng cho rằng quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga là “ví dụ tuyệt vời cho quan hệ giữa một nước siêu cường và một nước trung cường”.

Tiến sĩ Bredikhin Anton Viktorovich, thành viên Hội đồng Khoa học “Các vấn đề chính trị - xã hội của việc hình thành EAEU” thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Ảnh: NVCC.

“Bất chấp sự chênh lệch tầm vóc, Việt Nam và Nga thực sự đối xử với nhau bằng sự bình đẳng và tôn trọng”, ông Korybko nhấn mạnh. “Không bên nào đưa ra đòi hỏi với bên kia, đặc biệt là trong mối quan hệ với nước thứ ba”.

“Việt Nam và Nga đã đặt ra ví dụ tích cực trong hợp tác siêu cường - trung cường, thông qua những hành động như: Tập trung đơn thuần vào các vấn đề quan trọng với hai bên, tái khẳng định ý định hòa bình cùng lập trường không muốn tác động tiêu cực tới lợi ích của bên thứ ba”, ông Korybko nói.

Ngoài những điều "được nói", ông Bredikhin lưu ý rằng trong cuộc hội đàm, không có bất cứ lời kêu gọi thay đổi thể chế hay hệ tư tưởng nào. "Đây là khác biệt rất lớn trong mối quan hệ Việt - Nga. Và chuyến thăm viếng lăng lãnh tụ V.I. Lenin của lãnh đạo Việt Nam không chỉ mang tính biểu tượng".

"Thập kỷ tới sẽ là thắng lợi của mối quan hệ của chúng ta, sẽ tăng cường mọi lĩnh vực hợp tác có thể, từ cuộc chiến chống Covid-19 đến ổn định kinh tế", ông nói.

Hạnh Vũ - Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-dieu-chinh-thich-hop-voi-tinh-hinh-moi-cua-quan-he-viet-nga-post1281100.html