Sự cố đổi tiền khiến kinh tế Ấn Độ rơi vào hỗn loạn

Một sự kiện rất đáng chú ý trong nền kinh tế thế giới những ngày đầu tiên của tháng 11 nhưng đã bị cuộc bầu cử tổng thống Mỹ che khuất, đó là sự kiện đổi tiền trong nền kinh tế Ấn Độ.

Theo đó, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á đã triển khai một trong những chiến dịch đổi tiền lớn nhất trong lịch sử, khi 2 trong số những đồng tiền có mệnh giá lớn nhất là 500 Rupee và 1.000 Rupee được đưa ra khỏi lưu thông, thay vào đó bằng 2 đồng tiền mới có mệnh giá 500 Rupee và 2.000 Rupee.

Điều đáng nói nhất trong sự kiện này là việc 2 đồng tiền bị rút khỏi lưu thông chiếm tới 86% tổng giá trị tiền mặt được lưu thông trong nền kinh tế Ấn Độ, và Ấn Độ hiện tại vẫn đang là một trong những nền kinh tế chủ yếu sử dụng tiền mặt thay vì các phương tiện thanh toán điện tử. Hơn 1 tuần sau khi việc đổi tiền được triển khai, nền kinh tế Ấn Độ đang có những dấu hiệu rơi vào hỗn loạn một cách trầm trọng nhất.

Lý do khiến chính phủ của thủ tướng Narendra Modi thực hiện động thái đổi tiền một cách bất ngờ và đột ngột này được cho là để chống tham nhũng và kiểm soát dòng tiền ngầm trong nền kinh tế Ấn Độ.

Theo thống kê, nền kinh tế ngầm tại Ấn Độ chiếm khoảng 1/5 GDP của quốc gia này, và ngay khi nhậm chức vào năm 2014 thủ tướng Modi đã cam kết sẽ mạnh tay chống lại nền kinh tế ngầm. Sự kiện đổi tiền một cách bất ngờ này được xem như động thái mạnh mẽ nhất để thực hiện cam kết đó.

2 đồng tiền bị rút ra khỏi lưu thông là đồng 500 Rupee và 1.000 Rupee hiện đang chiếm khoảng 86% tổng giá trị tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế Ấn Độ, người dân muốn đổi tiền phải thực hiện tại các ngân hàng và thời hạn cũng chỉ đến ngày 30.12 mà thôi. Điều này được đánh giá là sẽ khiến các khoản tiền lớn có nguồn gốc từ tham nhũng và nền kinh tế ngầm sẽ bị phanh phui và kiểm soát chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, quy mô việc đổi tiền quá lớn và phức tạp đang tạo ra những hệ lụy dường như vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Ấn Độ và thủ tướng Modi. Vì để đảm bảo tính bất ngờ, các động thái chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc đổi tiền diễn ra suôn sẻ đã không được thực hiện.

Khoảng 200.000 cây rút tiền ATM tại Ấn Độ đã không được cài đặt để người dân rút ra loại tiền mệnh giá mới, trong khi các ngân hàng thì bị chìm trong số lượng vô tận các yêu cầu đổi tiền từ phía người dân và doanh nghiệp. Kết quả là lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế Ấn Độ giảm rất mạnh, do có quá ít lượng tiền mệnh giá mới được đưa vào lưu thông, trong khi 2 đồng tiền cũ bị thu hồi và mất giá trị thì lại chiếm tỷ lệ quá lớn lượng tiền mặt được lưu thông.

Với một quốc gia vẫn đang chủ yếu sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế như Ấn Độ, thì điều này đồng nghĩa với những hậu quả rất nghiêm trọng. Nó khiến nền kinh tế rơi vào hỗn loạn khi dòng tiền bị ngưng trệ.

Theo thống kê, 80% số giao dịch trong nền kinh tế tại các vùng nông thôn Ấn Độ là sử dụng tiền mặt, điều tương tự cũng diễn ra trong các lĩnh vực trọng yếu khác như đánh bắt và chế biến thủy hải sản. Ở thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp đánh bắt tại Ấn Độ đang rơi vào khủng hoảng, còn tại các bang trồng lúa mì chủ lực ở phía Tây Bắc thì người nông dân đã không còn tiền để mua hạt giống.

Bản thân chính phủ Ấn Độ dường như cũng đang có những biện pháp giải quyết không đúng hướng, khi New Delhi tuyên bố đã chuyển cho các ngân hàng nước này khoảng 3.000 tỷ Rupee (tương đương 44 tỉ USD) 2 loại tiền mới để đảm bảo việc quy đổi phục vụ cho nền kinh tế. Nhưng vấn đề quan trọng nhất của việc đổi tiền của Ấn Độ hiện nay không phải là thiếu tiền để đổi, mà là khả năng chuyển đổi tiền quá hạn chế (chỉ được phép đổi trực tiếp tại các ngân hàng) khiến cho có quá ít tiền được lưu thông trong nền kinh tế.

Ngoài ra việc điều chỉnh các cây rút tiền ATM tương thích với loại tiền mới (500 Rupee và 2.000 Rupee) cũng đang kéo dài hơn dự kiến, do phải thực hiện bằng tay tại từng thiết bị một. Dù chính phủ Ấn Độ tìm cách chữa cháy bằng cách nới hạn chế rút tiền mặt trong ngân hàng thì cũng không đến đâu, do năng lực đảm nhận của các ngân hàng có hạn và hiện đang mất quá nhiều thời gian vào việc đổi tiền.

Thủ tướng Modi trong ngày 13.11 đã cam kết rằng: “Khó khăn này chỉ kéo dài 50 ngày. Làm ơn cho tôi 50 ngày thôi. Sau ngày 30.12, tôi hứa với các bạn là Ấn Độ sẽ trở lại như những gì mà các bạn mong muốn”. Nhưng nhiều khả năng, quá trình đổi tiền này sẽ phải mất khoảng 4 tháng để nền kinh tế có thể quay trở lại hoạt động ổn định như trước, đó là chưa kể những thiệt hại trong một loạt các lĩnh vực quan trọng xảy ra trong suốt quá trình đổi tiền. Trong khi đó, kết quả đạt được dường như sẽ khiêm tốn hơn rất nhiều so với cái giá mà kinh tế Ấn Độ phải trả qua vụ đổi tiền này.

Một số nhà kinh tế không thực sự lạc quan về kết quả đạt được trong vấn đề kiểm soát nền kinh tế ngầm và tiền tham nhũng bằng phương pháp đổi tiền này. Nền kinh tế ngầm giống như một loại nấm, chỉ còn một số ít rễ cũng đủ để nó tăng nhanh số lượng như trước khi bị nhổ.

Kể cả trong trường hợp tốt nhất, tức nền kinh tế ngầm bị tác động mạnh và thu hẹp quy mô, nó cũng khiến nền kinh tế Ấn Độ chịu tổn thất không nhỏ.

Theo thống kê, hiện ngành tài chính phi chinh thức (những người cho vay không giấy phép) đang chiếm tới 40% tổng số các vụ cho vay với các doanh nghiệp trong nền kinh tế Ấn Độ. Và khi mà ngành này bị tác động từ vụ đổi tiền, sẽ có không ít doanh nghiệp hoạt động dựa vào các khoản vay ngầm này bị ảnh hưởng mạnh, thậm chí phá sản.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/su-co-doi-tien-khien-kinh-te-an-do-roi-vao-hon-loan-47901.html