Su-57 và K-77M là chìa khóa để không quân Nga 'phục hưng'

Khi được trang bị tên lửa K-77M, sức mạnh của Su-57 sẽ tăng lên rất nhiều và điều này sẽ khiến có thêm nhiều quốc gia muốn mua máy bay chiến đấu Nga.

Su-57 hiện được coi là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và thử nghiệm nhiều công nghệ của thế hệ thứ sáu, bao gồm tên lửa siêu thanh, các dạng trí tuệ nhân tạo tiên tiến, tích hợp các khả năng cho chuyến bay không người lái và điều khiển máy bay không người lái hộ tống.

Su-57 được thiết kế để có thể trang bị động cơ Saturn-30 mới từ năm 2022, nó sẽ cải thiện đáng kể hiệu suất bay cũng như độ bền của máy bay. Saturn-30 được đánh giá là động cơ máy bay tốt nhất thế giới và rất thích hợp cho các hoạt động tấn công vượt xa không phận Nga.

Hầu hết các máy bay chiến đấu của Nga, bao gồm phần lớn phi đội máy bay Su-35, được trang bị các loại tên lửa phiên bản hiện đại hóa của tên lửa R-27, đây là tên lửa không đối không tiên tiến hàng đầu thế giới dựa trên radar bán chủ động.

Tuy nhiên, khả năng bay của R-27 lại bị đánh giá là kém hơn so với các tên lửa hiện đại sử dụng radar chủ động dẫn đường như R-77 của Nga hay AIM-120C/D của Mỹ.

Do đó, Nga đã phát triển một loại tên lửa không đối không tầm xa chuyên dụng mới, đó là tên lửa K-77M. Được phát triển dành riêng cho Su-57 và được thiết kế để mang lại lợi thế không chiến cho máy bay so với các đối thủ cạnh tranh như F-22, F-35.

Với tầm bắn trên 190km, K-77M vẫn chưa phải là loại tên lửa không đối không tầm xa nhất mà Nga đã phát triển, nhưng về nhiều mặt thì nó là loại tên lửa phức tạp nhất.

Đáng chú ý, tên lửa này cũng được thiết kế để sử dụng radar AESA giống như tên lửa PL-15 của Trung Quốc, khiến cho tên lửa khó bị gây nhiễu hơn và cung cấp khả năng khóa mục tiêu tốt hơn trước các dòng máy bay tàng hình.

Trong khi các tên lửa tầm xa hơn của Nga được phát triển chủ yếu để nhắm vào các mục tiêu lớn và khó cơ động linh hoạt như máy bay cảnh báo sớm AWACS, máy bay tiếp dầu trên không, máy bay ném bom và vận tải, thì tên lửa K-77M được tối ưu hóa để có thể tiêu diệt các mục tiêu nhỏ và nhanh nhẹn ở phạm vi cực xa.

Tính năng đáng chú ý nhất là sử dụng mũi gắn hệ thống dẫn đường ăng ten mảng hoạt động theo từng giai đoạn (APAA), đây là chìa khóa để tạo ra độ chính xác cao của tên lửa và hạn chế khả năng né tránh của máy bay chiến đấu đối phương.

Ngoài Su-57, K-77M có thể được sử dụng để trang bị cho các máy bay chiến đấu cấp thấp hơn của Nga như Su-35, Su-30SM2 và Su-27SM3, tất cả đều có các cảm biến tương đối hiện đại phù hợp để dẫn đường cho các tên lửa như vậy.

Tên lửa K-77M sẽ là chìa khóa để khôi phục một phần lợi thế tên lửa mà Nga có được trong những năm Chiến tranh Lạnh và chuẩn bị cho không quân Nga đối đầu với các mối đe dọa thế hệ tiếp theo như tên lửa AIM-260 của Mỹ hiện đang được phát triển.

Việc trang bị tên lửa K-77M cũng sẽ giúp gia tăng đáng kể sự quan tâm của các khách hàng nước ngoài đối với máy bay chiến đấu của Nga, đặc biệt là việc xuất khẩu máy bay thế hệ mới Su-57 cho các quốc gia đang quan tâm.

Không quân Nga hiện đã đưa máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo Su-57 được trang bị tên lửa tiên tiến K-77M vào biên chế và dự kiến sẽ đưa 76 chiếc vào biên chế trong năm 2027.

Thái Hòa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/su-57-va-k-77m-la-chia-khoa-de-khong-quan-nga-phuc-hung-1676328.html