Steven Spielberg - Người khổng lồ của các bom tấn và kiệt tác điện ảnh

Không chỉ là đạo diễn nổi tiếng nhất của điện ảnh thế giới đương đại, Steven Spielberg còn là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất đối với lịch sử nghệ thuật thứ 7.

Steven Spielberg là một trong không nhiều đạo diễn ở Hollywood thành công rực rỡ trong cả hai lĩnh vực phim thương mại và nghệ thuật. Các tác phẩm của ông mang về tổng doanh thu khoảng 10 tỷ USD, nếu tính cả bom tấn mới nhất Ready Player One. Tính đến đầu năm 2018, ông là một trong vài tỷ phú trong ngành giải trí với tài sản lên đến 3,6 tỷ USD.

Steven Spielberg đồng thời là một nhà làm phim được kính trọng và được giới phê bình đánh giá cao với 18 lần được đề cử Oscar cá nhân và 3 lần đoạt giải. Đã có tới 10 tác phẩm của ông được đề cử Oscar Phim hay nhất. Điều gì làm nên thành công vô tiền khoáng hậu cho vị đạo diễn gốc Do Thái có vóc người nhỏ bé này?

Đạo diễn huyền thoại Steven Spielberg. Ảnh: Hollywood Reporter.

Đạo diễn huyền thoại Steven Spielberg. Ảnh: Hollywood Reporter.

Cha đẻ phim bom tấn

Lịch sử điện ảnh thế giới ghi nhận nhiều đạo diễn thành công và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nhà làm phim hậu bối. Trong thời kỳ “Golden Age” của Hollywood là Frank Capra, John Ford, William Wyler... Những thập niên sau đó là Alfred Hitchcock, Stanley Kubrick, Francis Ford Coppola, Martin Scorsese, Woody Allen, James Cameron...

Nhưng hiếm có một đạo diễn - nhà làm phim nào thành công với cả phim thương mại lẫn nghệ thuật và có sự nghiệp kéo dài gần 5 thập niên và vẫn chưa dừng lại. Steven Spielberg là người “đẻ” ra khái niệm phim bom tấn sau thành công vang dội của bộ phim Jaws (Hàm cá mập - 1975).

Ông còn là người ảnh hưởng và giúp đỡ George Lucas thực hiện siêu phẩm Star Wars (1977). Trong thập niên 80, Steven Spielberg sáng tạo ra một phong cách làm phim riêng biệt, khiến khán giả như “phát rồ” khi mỗi bom tấn của ông ra mắt.

Những năm tháng tuổi thơ, Spielberg bị mê hoặc bởi ánh đèn sân khấu hay không khí kỳ diệu trong những rạp chiếu phim. Ở tuổi vị thành niên, anh chàng nhỏ bé gốc Do Thái này sử dụng chiếc máy quay 8 mm để thực hiện những bộ phim đầu tiên với những người bạn của mình.

Và khi bắt đầu dấn thân vào con đường điện ảnh, Spielberg trở thành thực tập sinh của hãng Universal Studios để học hỏi kinh nghiệm từ các vị tiền bối. Để rồi từ đó, ông trở thành một phần quan trọng của lịch sử điện ảnh thế giới.

Jaws là bom tấn hè đầu tiên trong lịch sử điện ảnh. Ảnh: Universal.

Jaws là bom tấn hè đầu tiên trong lịch sử điện ảnh. Ảnh: Universal.

Tất nhiên, để có được những thành công lớn sau đó, Steven Spielberg phải bắt đầu từ những vị trí rất nhỏ. Đầu tiên, ông đạo diễn một vài phân đoạn của các chương trình truyền hình, rồi sau đó là toàn bộ cả show.

Duel là bộ phim dài thành công đầu tiên. Chỉ được chiếu trên truyền hình nhưng nó cho thấy khả năng làm phim giải trí của Steven Spielberg. Vào năm 1974, bộ phim chiếu rạp đầu tiên The Sugarland Express ra mắt tiếp tục chứng tỏ năng lực kể chuyện đột phá của ông trong lĩnh vực điện ảnh.

Và chỉ chưa đầy một năm sau, Jaws ra đời, lịch sử điện ảnh thế giới bắt đầu được viết lại. Steven Spielberg trở thành nhà làm phim đầu tiên đẻ ra khái niệm “phim bom tấn” mùa hè. Với kinh phí khoảng 7 triệu USD, Jaws thu về khoảng 260 triệu USD tiền vé.

Nếu tính trượt giá ở thời điểm hiện nay, con số này khoảng 1,2 tỷ USD chỉ tính ở khu vực Bắc Mỹ và khoảng hơn 2 tỷ USD toàn cầu. Đó thực sự là một trong những phim có doanh thu cao nhất và sinh lãi nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh. Năm đó, Steven Spielberg mới chỉ là một chàng đạo diễn trẻ 28 tuổi.

Sự nghiệp của ông tiếp tục tỏa sáng với phim khoa học giả tưởng Close Encounters of the Third Kind (1977), mang về cho ông đề cử Oscar đạo diễn đầu tiên ở tuổi 30. Bước vào thập niên 80 - thập niên đột phá của ngành giải trí đại chúng - Steven Spielberg tiếp tục lập những kỷ lục, những cú hit của phòng vé.

Raiders of the Lost Ark (1981) là tập đầu tiên trong loạt phim phiêu lưu Indiana Jones mà ông thực hiện chung với người bạn thân George Lucas. Siêu phẩm E.T (1982), phần nào giống với hiện tượng Jaws, sinh lãi khổng lồ với doanh thu lên đến 435 triệu USD (tính trượt giá hiện tại là 1,3 tỷ USD) chỉ ở khu vực Bắc Mỹ.

E.T xếp thứ 4 trong những bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại, chỉ sau Gone with the Wind (1939), Star Wars (1977) và The Sound of Music (1985).

5 thập niên trên ngai vàng và chưa dừng lại

Ông kết thúc thập niên 80 với 2 phần tiếp theo của Indiana Jones và nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của giới phê bình với phim nghệ thuật The Color Purple (1985). Lấy đề tài phân biệt chủng tộc và thân phận thấp hèn của những phụ nữ da đen, tác phẩm này nhận 11 đề cử Oscar năm 1986, càng cho thấy khả năng làm phim đa dạng về thể loại của ông.

Thập niên 90, ông lại lập hàng loạt các kỷ lục phòng vé với Jurassic Park phần 1 và 2. Sau đó, Steven Spielberg chuyển hướng sang 2 dự án điện ảnh khổng lồ về đề tài Thế chiến 2. Chúng trở thành 2 đỉnh cao của ông trong điện ảnh.

Saving Private Ryan là một trong những phim chiến tranh xuất sắc nhất trong lịch sử điện ảnh. Ảnh: Paramount.

Saving Private Ryan là một trong những phim chiến tranh xuất sắc nhất trong lịch sử điện ảnh. Ảnh: Paramount.

Đó là Schindler’s List (1993) và Saving Private Ryan (1998). Cả 2 phim đều mang về cho ông giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất.

Sang thế kỷ 21, Steven tiếp tục chứng tỏ quyền lực sáng tạo không có điểm dừng của ông với A.I (2001) - tác phẩm ông dùng để tri ân nhà làm phim huyền thoại Stanley Kubrick - và các bom tấn giải trí đa dạng thể loại như Minority Report, Catch Me if You Can (2002) và War of the Worlds (2005).

Ông kết thúc chuỗi thành công ở thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 với phần tiếp theo của Indiana Jones (Kingdom of the Crystal Skull - 2008). Tuy nhiên bộ phim hoạt hình đầu tay The Adventures of Tintin (2008) không thành công như mong đợi.

Với dòng phim nghệ thuật hay chính luận, sau Munich (2005), từ năm 2011 đến nay Steven Spielberg củng cố vị trí đạo diễn hàng đầu với 4 tác phẩm được đề cử Oscar Phim hay nhất là War Horse (2011), Lincoln (2012), Bridge of Spies (2015) và The Post (2017).

Và chỉ vài tháng sau, đầu năm 2018, đạo diễn 71 tuổi lại tiếp tục khiến khán giả phải kinh ngạc trước sức sáng tạo của ông với Ready Player One, bom tấn “sặc mùi giải trí” nhưng lại “tri ân” nhiều tác phẩm lớn của điện ảnh thế giới và đặc biệt là nền văn hóa đại chúng của thập niên 80 - thập niên mà Steven Spielberg có nhiều đóng góp nhất.

Sau thất bại của BFG (2015), giới bình luận từng dự đoán “ngai vua” của Steven Spielberg đã lung lay trước các nhà làm phim trẻ tuổi và thời thượng hơn. Tuy nhiên, thành công của Ready Player One đã đập tan nhận định đầy chủ quan đó. Steven Spielberg vẫn ngự trên ngai vàng, vẫn là ông vua của dòng phim giải trí “popcorn” chất lượng cao.

Và chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ ông xuống sức khi ông đang có trong tay một loạt dự án điện ảnh mà ông dự định đạo diễn và sản xuất đến hết năm 2022.

Kiệt tác Schindler’s List

Nếu E.T, Jaws, Indiana JonesJurassic Park là “bộ tứ” đỉnh cao của dòng phim giải trí thì Schindler’s List là kiệt tác vĩ đại nhất của Steven Spielberg trong dòng phim nghệ thuật.

Trong hai cuộc bình chọn năm 2006 và 2007, Schindler’s List được Viện Phim Mỹ (American Film Institute) xếp hạng 3 trong số 100 phim truyền cảm hứng nhất và xếp hạng 8 trong 100 phim vĩ đại nhất mọi thời đại.

Schindler’s List là đỉnh cao trong sự nghiệp điện ảnh của Steven Spielberg. Ảnh: Universal.

Schindler’s List là đỉnh cao trong sự nghiệp điện ảnh của Steven Spielberg. Ảnh: Universal.

Không chỉ với giới hàn lâm, khán giả đại chúng cũng yêu thích bộ phim này. Bằng chứng là Schindler’s List xếp thứ 6 trong 250 phim hay nhất do khán giả của IMDb bình chọn với số điểm 8,9/10. Nó cũng được xem là một trong những “đỉnh núi” cao nhất của điện ảnh bên cạnh Citizen Kane hay The Godfather.

Bố mẹ của Steven Spielberg là một cặp vợ chồng người Nga gốc Do Thái nhập cư, nên ngay từ bé ông đã được nghe kể nhiều câu chuyện về thảm kịch của người Do Thái trong những trại tập trung của Đức Quốc xã.

Tuy nhiên, dù đã có một sự nghiệp điện ảnh thành công trong hai thập niên 70 và 80, Spielberg vẫn chưa dám đụng đến đề tài lớn này dù ông đã có kịch bản Schindler’s List trong tay từ năm 1983. Ông chỉ thực hiện tác phẩm này năm 37 tuổi, độ tuổi chín muồi.

Schindler’s List mang đến cho tôi một cảm giác nghẹt thở bởi sức nặng của câu chuyện, bởi màu phim đen trắng u ám, bởi những tàn bạo khó tin và cả sự tuyệt vọng đến không tưởng tượng nổi của tình thế con người.

Rất nhiều hình ảnh trong phim gây chấn động cho tôi ở độ tuổi ngoài 20. Hàng nghìn nạn nhân Do Thái, từ người lớn đến trẻ con, trần truồng chạy vòng tròn giữa những bãi bùn lầy để đám sĩ quan SS "tuyển chọn" mang đi tiêu hủy hay giữ lại. Họ bị nhốt trên những toa tàu chật như nêm, bị tống vào phòng hơi ngạt, bị những tia nước lạnh bắn vào người trong mùa đông giá rét.

Tôi nhớ hình ảnh của những đứa trẻ thơ bị kéo ra khỏi vòng tay rệu rã của những người mẹ trong sự tuyệt vọng. Tôi nhớ tên sĩ quan SS rất điển trai thư sinh Amon Goeth (Ralph Fiennes) nhưng tàn ác vô cùng tận với những đòn tra tấn không nương tay.

Và cuối cùng tôi nhớ Oskar Schindler (Liam Neeson), gã doanh nhân người Đức tham lam và hiếu chiến, rất đáng ghét ở phần đầu phim. Nhưng khi chứng kiến hàng triệu người Do Thái bị giết chết thảm thương trong các trại tập trung của phát xít Đức, gã ta đã thay đổi.

Cuộc lột xác của tâm hồn, của một kẻ từ bóng tối bước ra ánh sáng khiến tôi xúc động vô bờ. Oskar Schindler cùng với viên thư ký người Do Thái (Ben Kingsley đóng) lên một danh sách dài, gọi là "Bản danh sách của Schindler", đưa các nạn nhân Do Thái vào nhà máy của mình, che chở cho họ trong những năm tháng tận cùng bi thảm.

Schindler đã cứu được khoảng hơn 1.100 người Do Thái khỏi các trại tập trung ở Auschwitz, và từ 1.100 người Do Thái đó sau chiến tranh phát triển thành một cộng đồng hơn 6.000 người. Họ nhiều năm về sau vẫn xếp đá lên mộ của Oskar Schindler để bày tỏ lòng biết ơn trước một con người chính trực, một con người vĩ đại.

Câu tagline (chủ đề) của bộ phim là: "Whoever saves one life, saves the world entire." Nó giống như câu nói của Đức Mạn Đà La: "Dù xây chín bậc phù đồ. Không bằng làm phúc cứu cho một người".

Oskar Schindler đã cứu hơn 1.100 mạng người và hơn 5.000 con cháu của họ, ông đã xây biết bao nhiêu bậc phù đồ, nhưng ông vẫn không tha thứ cho mình vì không cứu thêm được 2 người nữa chỉ vì chiếc nhẫn cưới mà ông muốn giữ lại làm kỷ vật. Chỉ một chi tiết đó thôi đã nâng Schindler's List lên một tầm cao mới trong những đỉnh núi của điện ảnh.

Steven Spielberg quyết định chọn màu phim đen trắng, bởi với ông, màu phim đại diện cho chủ đề Holocaust. “Cuộc sống hủy diệt dưới thời Holocaust là cuộc sống không có ánh sáng. Với tôi, biểu tượng của cuộc sống là màu sắc, đó là lý do vì sao tôi chọn màu phim đen trắng cho bộ phim này”, ông chia sẻ.

Tuy nhiên, trong phim có một cảnh sử dụng màu sắc tạo sự tương phản mạnh mẽ. Đó là cảnh chiếc áo khoác màu đỏ của một cô bé Do Thái trước những tù nhân khác trong trại tập trung Krakow. Ở cảnh sau đó Schindler nhìn thấy xác chết của cô bé, được nhận diện bởi chiếc áo khoác màu đỏ.

Cảnh kinh điển của Schindler’s List. Ảnh: Universal.

Cảnh kinh điển của Schindler’s List. Ảnh: Universal.

Đó là một trường đoạn ẩn dụ có tính “chìa khóa” trong bộ phim này và được Steven Spielberg đưa nó lên tầm biểu tượng. Ông nói rằng cảnh phim này là một ẩn dụ cho thấy các thành viên cao cấp nhất của chính phủ Mỹ biết nạn diệt chủng Holocaust xảy ra, nhưng vẫn không có một động thái gì để ngăn chặn nó.

Schindler’s List đã mất tới 72 ngày để thực hiện phần quay phim, thời gian dài kỷ lục so với một bộ phim mà Steven Spielberg thực hiện. Trong suốt quá trình sản xuất, bầu không khí của đoàn làm phim vô cùng căng thẳng và buồn thảm.

Đến nỗi mà ông phải xem series truyền hình hài hước Steinfed mỗi tối và “cầu cứu” Robin Williams - diễn viên hài nổi tiếng và là bạn thân của ông - kể một vài câu chuyện cười để khích lệ tinh thần của đoàn làm phim và các diễn viên đóng vai nạn nhân Do Thái.

Schindler’s List được trình chiếu vào cuối năm 1993 và không ai nghĩ nó có thể thành công, đặc biệt là với một đề tài buồn thảm, màu phim đen trắng và độ dài hơn 3 tiếng đồng hồ. Nhưng điều không ai ngờ đến đã xảy ra.

Phim liên tục tạo cơn sốt phòng vé và thu về tới 321 triệu USD khắp toàn cầu (với kinh phí 22 triệu USD). Tại mùa giải Oscar năm 1994, Schindler’s List đoạt 7 giải trên 11 đề cử, trong đó có Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất cho Steven Spielberg.

Từng suýt bỏ nghề đạo diễn vì… Bố già

Rất nổi tiếng và đầy quyền lực ở Hollywood, Steven Spielberg vẫn là một con người khiêm nhường và giản dị. Một trong những lý do khiến ông không ngừng sáng tạo là cảm hứng từ các kiệt tác điện ảnh mà các bậc tiền bối đã tạo ra trong lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy.

Ở giai đoạn khởi nghiệp, ông thiếu tự tin và luôn “run sợ” trước các tác phẩm lớn. Lần đầu tiên xem The Godfather vào năm 1972, Steven từng suýt bỏ nghề đạo diễn bởi ông cho rằng “chẳng có lý do gì để tôi theo đuổi sự nghiệp đạo diễn vì không bao giờ tôi chạm vào được đỉnh cao mà bộ phim này tạo dựng”.

Ready Player One cho thấy ở tuổi 71, Steven Spielberg vẫn dồi dào năng lượng và sức sáng tạo. Ảnh: Warner Bros.

Ready Player One cho thấy ở tuổi 71, Steven Spielberg vẫn dồi dào năng lượng và sức sáng tạo. Ảnh: Warner Bros.

Tuy nhiên, nỗi sợ ấy lại chính là động lực để ông tiến về phía trước. Ngoài The Godfather, 4 phim khác mà ông luôn xem là mẫu mực (và luôn xem lại chúng mỗi lần ông là một phim mới) là Seven Samurai (1954), Lawrence of Arabia (1962), It’s a Wonderful Life (1946) và The Searchers (1956).

Khác với nhiều đạo diễn “tác giả” khác luôn làm phim vì bản sắc cá nhân và không quan tâm đến khán giả, Steven Spielberg là một đạo diễn luôn hướng đến khán giả. Lý do như ông nói, “bởi vì tôi cũng là một khán giả”. Phải chăng đó là bí quyết để ông chinh phục khán giả đương thời với Ready Player One ngay cả khi đã 71 tuổi?

Tất nhiên, khái niệm “khán giả” mà ông đề cập là những “moviegoers”, những khán giả đích thực của điện ảnh mà ông hướng tới. “Với tôi, khán giả là những nhà phê bình khó tính nhất. Một câu chuyện hay với bạn không có nghĩa là hay với khán giả. Vì vậy tôi không ngừng nghiên cứu để cập nhật thị hiếu của người xem và làm tốt nhất có thể trong khả năng của mình”, ông tổng kết.

Bản sắc của Steven Spielberg

Nói như vậy không có nghĩa là Steven Spielberg là một nhà làm phim luôn chạy theo thị hiếu khán giả. Nói chính xác hơn, ông là một nhà làm phim luôn chinh phục khán giả và khiến họ không quên được mình. Bởi ông luôn đặt mình vào vị trí của một khán giả khi thực hiện một tác phẩm mới.

Có rất nhiều “dấu hiệu” đặc trưng để nhận diện một tác phẩm của Steven Spielberg. Phong cách đó thường lặp đi lặp lại trong các tác phẩm của ông và ảnh hưởng tới rất nhiều các bộ phim giải trí sau này.

Dấu hiệu đầu tiên và nổi bật nhất là “The Spielberg Face”. Ông sử dụng nó lần đầu tiên trong Jaws, tạo được hiệu ứng tuyệt vời. Ý tưởng của ông rất đơn giản. Đó là quay cận cảnh gương mặt nhân vật khi họ nhìn thấy một điều gì đó đặc biệt.

Ban đầu, gương mặt của nhân vật biểu lộ sự kinh ngạc và sau đó là sửng sốt như bị thôi miên. Tuy nhiên, thứ mà họ nhìn thấy chưa tiết lộ cho khán giả điều gì cho đến khi họ thể hiện một chuỗi hành động tiếp diễn sau đó.

Cảnh quay khủng long bạo chúa T-rex trong Jurassic Park thể hiện rõ phong cách đặc trưng của Steven Spielberg. Ảnh: Universal.

Cảnh quay khủng long bạo chúa T-rex trong Jurassic Park thể hiện rõ phong cách đặc trưng của Steven Spielberg. Ảnh: Universal.

Với khán giả ngày hôm nay, kỹ thuật làm phim này có vẻ như không có gì đặc biệt. Nhiều đạo diễn khác cũng sử dụng phong cách tương tự trong các bộ phim của họ. Nhưng Steven Spielberg là người đầu tiên sử dụng hiệu ứng đặc biệt này, khiến khán giả cảm giác như mình là người trong cuộc.

“The Spielberg Face” hiện diện trong hầu hết các bộ phim của ông, đặc biệt là trong các bộ phim thời đầu thuộc thể loại kinh dị hay khoa học giả tưởng như Jaws, E.T, Jurassic Park, Close Encounters. Thậm chí ngay cả trong The Color Purple, ông cũng thường xuyên áp dụng thủ pháp này.

Một kỹ thuật làm phim đóng mác “Spielberg” khác là sử dụng các cảnh quay phản chiếu. Các phim của ông thường sử dụng những chuyển động máy và góc quay rất phức tạp. Một trong những góc máy ưa thích của ông là sử dụng gương hay kính chiếu hậu của xe hơi để “bắt” gương mặt các nhân vật một cách trực tiếp và tự nhiên nhất.

Kỹ thuật này giúp ông ghi lại được những biểu hiện trên gương mặt của nhân vật khi máy quay được đặt sau lưng họ. Phong cách này giúp khán giả nhìn thấy được những chi tiết của các cảnh quay hay bối cảnh mà không đánh mất sự kết nối với nhân vật.

Thường thường các nhân vật nhìn thấy một điều gì đó qua gương hay kính chiếu hậu, kéo khán giả nhập cuộc với sự tò mò và phấn kích dần dần tăng lên. Trong Jurassic Park chẳng hạn, Spielberg sử dụng gương chiếu hậu của chiếc xe để thể hiện cảnh khủng long T-Rex đuổi theo xe Jeep, tạo sự phấn khích cao độ cho khán giả.

Ngay cả trong phim hình sự dựa theo sự kiện có thật Munich, ông cũng sử dụng nhiều cảnh quay phức tạp với sự phản chiếu qua gương chiếu hậu trong xe ô tô để cho khán giả biết điều gì đang xảy ra bên trong chiếc xe, đồng thời cũng giúp họ nhìn thấy được những tình tiết đang xảy ra bên ngoài chiếc xe.

Việc sử dụng ánh sáng rực rỡ trong một số cảnh quay cũng tạo hiệu ứng đặc biệt cho những bộ phim của Spielberg. Ông thường đặt nhân vật vào giữa luồng sáng trắng đó. Spielberg được xem là một trong những đạo diễn đầu tiên hoàn thiện kỹ thuật sử dụng ánh sáng để tạo không khí cho những cảnh quay.

Ông cũng thường sử dụng sương mù để khuếch đại hiệu ứng của các dải sáng và sử dụng hiệu ứng trong giai đoạn hậu kỳ để làm tăng hiệu quả của chúng. Hiệu ứng ánh sáng của ông được thể hiện trong các phim khoa học giả tưởng hay phiêu lưu như Jurassic Park, Minority Report, A.I.

Ngay cả phim tiểu sử gần đây là Lincoln, ông cũng đặc biệt quan tâm đến sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng trắng rực rỡ, đặc biệt trong một số cảnh quay thể hiện nội tâm cô độc và nhiều giằng xé của vị tổng thống vĩ đại trong lịch sử nước Mỹ.

Ma lực kỳ diệu

Bên cạnh một vài kỹ thuật do ông sáng tạo, các phim của Steven Spielberg cũng có một vài điểm chung về mặt chủ đề. Một trong những chủ đề mà tôi ưa thích đặc biệt là mối quan hệ xa cách, lạnh lùng giữa nhân vật chính với bố mẹ của họ, đặc biệt là phức cảm giữa người cha và đứa con mang hơi hướm những bi kịch Hy Lạp.

Chủ đề này được thể hiện ngay từ bộ phim dài đầu tiên The Sugarland Express (1974) và tiếp tục được khai thác trong rất nhiều phim sau đó. Close Encounters kể về người cha vô trách nhiệm với đứa con của mình. The Color Purple gây sốc hơn khi người cha là kẻ hãm hiếp con gái của mình trong suốt nhiều năm liền.

Ở tuổi 71, Steven Spielberg vẫn chưa chịu già, vẫn liên tục đạo diễn và sản xuất phim, vẫn tràn đầy năng lượng. Ảnh: IMDB.

Ở tuổi 71, Steven Spielberg vẫn chưa chịu già, vẫn liên tục đạo diễn và sản xuất phim, vẫn tràn đầy năng lượng. Ảnh: IMDB.

Trong loạt phim phiêu lưu Indiana Jones, ta có thể chứng kiến mối quan hệ cha con bất hòa nhiều năm, từ The Last Crusade đến Kingdom of the Crystal Skull. Trong War of the Worlds, nhân vật người cha do Tom Cruise đóng cũng phải trải qua cuộc hành trình trong thảm họa để nỗ lực hàn gắn tình cảm với hai đứa con của anh ta...

Cuối cùng, nói về Steven Spielberg, ta không thể không nhắc đến John Williams, người sáng tạo phần nhạc nền gây ấn tượng đặc biệt cho các bộ phim của ông.

Nếu tính giải trí trong các bộ phim của Spielberg luôn được khán giả ưa thích thì những bản nhạc nền của John Williams đóng một vị trí không hề nhỏ và cũng là “dấu hiệu” nhận biết để khán giả bước vào thế giới sáng tạo của họ.

Trong 51 lần đề cử Oscar và 5 lần đoạt giải của nhà soạn nhạc huyền thoại này, có 3 bộ phim của Spielberg mà John Williams chiến thắng Oscar Nhạc nền xuất sắc: Jaws, E.T Schindler’s List. Ngoại trừ The Color Purple, các phim còn lại của Spielberg đều do Williams soạn nhạc hoặc viết ca khúc chủ đề.

Steven Spieleberg và John Williams đã tạo ra một mối quan hệ hợp tác vô song trong ngành công nghiệp điện ảnh và cả hai đều tạo được thành công vang dội trong sự nghiệp của họ.

Một trong những câu nói nổi tiếng nhất của Steven Spielberg là: “Bất cứ khi nào tôi đến rạp để xem một bộ phim, đó là một ma lực, cho dù là nó kể về điều gì”. Trong hơn 5 thập niên làm phim và vẫn tiếp tục cống hiến, Steven Spielberg đã biến hầu hết phim của ông thành những “ma lực của điện ảnh” có sức cuốn hút kỳ diệu.

Trailer bộ phim 'Đấu trường ảo' Bom tấn "Ready Player One" của đạo diễn Steven Spielberg lấy bối cảnh khi nhân loại đam mê thế giới ảo OASIS mà không biết những âm mưu phía sau nó.

Lê Hồng Lâm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/steven-spielberg-nguoi-khong-lo-cua-cac-bom-tan-va-kiet-tac-dien-anh-post831556.html