Startup khí hậu của Indonesia và ASEAN thu hút quỹ mạo hiểm toàn cầu

Các startup khí hậu giai đoạn đầu của Indonesia và Đông Nam Á đang thu hút sự chú ý của quỹ mạo hiểm toàn cầu. Dòng vốn mạo hiểm vốn ưu tiên cho các công ty khởi nghiệp công nghệ thực phẩm và nông nghiệp cũng bắt đầu chia bớt cho các startup khí hậu trong khu vực.

Jakarta nổi tiếng về tình trạng ô nhiễm không khí. Nhưng nhiều startup công nghệ khí hậu của Indonesia đang có những giải pháp mói làm sạch môi trường. Ảnh: Reuters

Ba startup khí hậu tiêu biểu của Indonesia

Tháng 11-2023, Bioniqa, một công ty khởi nghiệp chuyên thu giữ carbon có trụ sở tại Jakarta, đã gọi được hai vòng vốn tiền hạt giống và hạt giống từ Bali Investment Club (BIC), theo trang dữ liệu startup Crunchbase.

Nicolo Castiglione, đối tác quản lý tại BIC, nói rằng: “Thời điểm đầu tư vào một công ty như Bioniqa là rất thích hợp. Bởi đây là phản ứng thông thường đối với bầu không khí ô nhiễm ở Jakarta”.

Bioniqa đã phát triển công nghệ thu giữ carbon dựa trên tảo để hấp thụ hiệu quả lượng khí thải CO2 từ khí quyển. Startup này nói thiết bị của họ có thể được tích hợp vào nhiều quy trình công nghiệp khác nhau, giúp các doanh nghiệp giảm phát thải carbon. Castiglione nói một máy Bioniqa tương đương với 80 cây xanh về mặt sản xuất oxy và 20 cây về mặt hấp thụ CO2.

Bioniqa có kế hoạch lắp đặt thêm thiết bị tại các trường học lớn trên khắp Jakarta.

Andre Hutagalung, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Bioniqa, giải thích: “Các lò phản ứng quang sinh học của chúng tôi nuôi tảo trong một môi trường được kiểm soát. Tảo sẽ phát triển mạnh nhờ hấp thụ CO2 và giải phóng oxy. Đây không chỉ là một cỗ máy mà còn là một hệ sinh thái làm sạch không khí mà chúng ta hít thở, giúp bầu không khí các đô thị lớn dễ thở hơn”.

Hutagalung cho biết thêm, vốn từ BIC sẽ được sử dụng để phát triển các trang trại và phòng thí nghiệm tảo hiện đại. Bioniqa có kế hoạch đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, cũng như cải tiến các đơn vị phản ứng quang sinh học hiện có. Startup cũng có thể triển khai các thiết bị của mình trong khu dân cư cao cấp, văn phòng làm việc và không gian bán lẻ.

Sampangan, startup xử lý rác thải bền vững, đang thương lượng với một quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu. Sampangan chuyển đổi chất thải thành sản phẩm hữu ích cho nền kinh tế tuần hoàn. Công nghệ quản lý rác thải của Sampangan bao gồm Hộp ma thuật, giúp phân hủy rác bằng bức xạ nhiệt không cần oxy hay đốt cháy. Sampangan đặt 18 thiết bị loại này ở 7 tỉnh ở Indonesia.

Công ty đầu tư mạo hiểm Beenext có trụ sở tại Singapore và các nhà đầu tư khác đang đàm phán để hỗ trợ BANiQL, startup đã phát triển quy trình tách xuất nickel với tác động tối thiểu đến môi trường.

Với nhu cầu về xe điện và thiết bị điện tử cầm tay ngày càng tăng, nhu cầu nickel có độ tinh khiết cao được sử dụng trong lưu trữ năng lượng cũng tăng lên. Quy trình thông thường sản xuất nickel có độ tinh khiết cao hiện bị chỉ trích là lãng phí, tốn kém và không bền vững.

Startup BANiQL đang chờ cấp phép bằng sáng chế chiết xuất nickel từ quặng với chi phí thấp hơn, an toàn hơn và giảm tác động đến môi trường. Quy trình mói giúp tiết kiệm năng lượng đáng kể, không lãng phí nguồn quặng và giảm 50% nhu cầu về nước. BANiQL có văn phòng tại Jakarta và Silicon Valley.

Cơ hội mới cho startup khí hậu ASEAN

Startup công nghệ khí hậu được định nghĩa là công ty phát triển các sản phẩm và dịch vụ công nghệ có thể giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, bằng cách loại bỏ lượng carbon hiện có khỏi khí quyển, giảm lượng khí thải trong tương lai hoặc bằng cách tăng khả năng chống chọi, hồi phục của con người trước tác động của khí hậu cực đoan.

Trong chừng mực nào đó, các startup ngành công nghệ thực phẩm, nông nghiệp (agfoodtech) có thể nằm chung “một giỏ”, tức là cùng trong lĩnh vực hay tiêu chí của startup biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, Yindi – ứng dụng cho phép người tiêu dùng mua thực phẩm, hay món ăn chưa bán được từ các nhà hàng và cửa hàng với giá rẻ – đang được sử dụng rộng rãi ở Thái Lan. Startup này giúp giảm lượng thực phẩm dư thừa đổ bỏ, giảm ô nhiễm môi trường…

Đầu tư vào các startup agfoodtech ở châu Á-Thái Bình Dương đạt 6,5 tỉ đô la trong năm 2022, giảm 58% so với năm kỷ lục 2021. Con số này tiếp tục giảm 44% trong năm 2023. Bởi ngay cả các startup giao thức ăn hay đặt bàn nhà hàng vốn là niềm tự hào của hệ sinh thái agfoodtech của khu vực cũng không còn hấp dẫn với nhà đầu tư.

Theo dữ liệu sơ bộ từ AgFunder, các startup agfoodtech Indonesia ước tính đã huy động được gần 360 triệu đô la vốn mạo hiểm trong năm 2023, giảm tương xứng xu hướng chung toàn cầu. Đáng chú ý là đầu tư vào công nghệ khí hậu lại vắng mặt trong các vòng vốn mạo hiểm công nghệ nông nghiệp hàng đầu của Indonesia trong năm ngoái. Tức là, dòng vốn mạo hiểm chỉ đổ vào nơi “dễ ăn”, mau mang lại lợi nhuận.

Indonesia là một trong những đất nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Xứ vạn đảo là một trong những nước phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới. Phần lớn lượng khí thải đến từ hoạt động phát quang, đốt rừng và khai thác đất than bùn để sản xuất dầu cọ, bột giấy, khai thác gỗ và khai thác mỏ.

Theo các cam kết với quốc tế, Indonesia cần tăng mục tiêu giảm phát thải hiện nay từ 29% lên 32% vào năm 2025 bằng các nỗ lực riêng của nước này. Trong điều kiện có sự hỗ trợ quốc tế, Indonesia sẽ nâng mục tiêu giảm phát thải hiện từ 41% lên 43% vào năm 2025. Các con số này bao gồm phát thải từ các thay đổi trong sử dụng đất nông nghiệp và lâm nghiệp. Xa hơn là mục tiêu tự thân Indonesia đạt net zero vào năm 2050 và có sự hỗ trợ quốc vào năm 2060.

Điều đó mở ra cơ hội cho các startup về công nghệ khí hậu hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn rừng, hạn chế nạn phá rừng và lưu trữ carbon.

Trong khi đó, các quỹ khí hậu toàn cầu đang chuyển dòng vốn sang ASEAN nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi xanh, giúp các nước trong khu vực hình thành hệ sinh thái công nghệ chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu lượng phát thải.

Aera VC có nguồn gốc từ New Zealand với đợt gây quỹ 50 triệu đô la cuối tháng 11-2023. Hoặc liên doanh Eversource Capital đang chuẩn bị đợt gọi vốn thứ hai trị giá 700 triệu đô la nhằm mở rộng tài trợ cho các dự án chống biến đổi khí hậu.

Có thể kể đến nguồn quỹ khổng lồ 1 tỉ đô la của HSBC cho nhiều dự án khắp thế giới. Hoặc như Radical Fund chỉ gọi 40 triệu đô la ở Thái Lan hay Quỹ tín dụng tư nhân ADM Capital ở Hồng Kông tìm cách gọi 200 triệu đô la cho các dự án chống biến đổi khí hậu ở Indonesia.

Theo DealStreetAsia, AgFunder, Crunchbase

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/startup-khi-hau-cua-indonesia-va-asean-thu-hut-quy-mao-hiem-toan-cau/