Sống xanh từ bữa ăn gia đình

Chúng ta có thể đóng góp cho những sự thay đổi tốt đẹp của trái đất từ chính những thói quen tốt hằng ngày

Xu hướng sống xanh ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ khắp nơi. Trong đó, việc ăn uống lành mạnh cũng là yếu tố có mối liên quan chặt chẽ, hay có thể nói là một phần của việc sống xanh. Ngày càng nhiều người quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, giữ lối sống thân thiện với tự nhiên... Để góp phần lan tỏa lối sống xanh, sáng 2-11, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Bảo vệ môi trường từ bữa ăn gia đình".

Lời cảnh báo từ rác thải nhựa

Ai cũng biết thói quen ăn uống thuận tự nhiên, thân thiện với môi trường luôn mang lại lợi ích cho sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của mỗi người. Nhưng do đời sống xã hội hiện đại nhiều áp lực đòi hỏi mỗi người phải hướng đến sự tiện lợi, nhanh chóng. Hộp đựng, ly, chén, chai, bao bì nhựa dùng một lần ngày càng phổ biến trong sinh hoạt và trở thành thói quen sử dụng đối với người tiêu dùng. Vấn đề đang đặt ra là xử lý rác thải nhựa này như thế nào?

Theo TS Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP HCM, Việt Nam từng được đánh giá là quốc gia xếp thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra môi sinh mỗi năm. Tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh năm 2022 là 2,9 triệu tấn (gồm 1,6 triệu tấn ở đô thị và 1,3 triệu tấn ở nông thôn). Tốc độ gia tăng khoảng 5%/năm. Tổng lượng rác thải nhựa được thu gom là 2,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, chỉ có 0,9 triệu tấn rác thải nhựa được phân loại cho tái chế và 0,77 triệu tấn rác được tái chế. Tổng thất thoát chất thải nhựa vào môi trường là 0,42 triệu tấn...

"Điều chúng ta quan tâm là bao nhiêu trong số này chưa được xử lý đúng cách. Nếu chúng ta làm phép tính đơn giản, từ con số thu gom 2,4 triệu tấn, phân loại cho tái chế được 0,77 triệu tấn vậy còn lại 1,63 triệu tấn được xử lý. Tuy nhiên, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì lượng rác thải chưa được xử lý thích đáng của Việt Nam là vào khoảng 0,95 triệu tấn, xếp thứ 15 trên thế giới" - TS Đồng trăn trở.

Theo TS Đồng, do những tính chất rất bền vững của bao bì nhựa, không bị tác động bởi các vi sinh vật, ít bị tác động bởi các yếu tố môi trường nên chúng rất khó phân hủy. Nếu xử lý không thích đáng thì chúng chỉ có thể phân rã ra trong môi trường thành các hạt vi nhựa và từ đó tác động đến sức khỏe con người. Các vi nhựa có thể tìm thấy ở khắp nơi: trong không khí, nước ao hồ, sông suối, biển, đất và cả trong cơ thể động vật, trong đó có con người.

Con người có khả năng nhiễm vi hạt nhựa thông qua ăn uống, hô hấp và tiếp xúc với da. Những tác động của vi hạt nhựa này bao gồm stress ôxy hóa, tổn thương DNA dẫn đến các bệnh ung thư, rối loạn chức năng cơ quan, rối loạn chuyển hóa, phản ứng miễn dịch, nhiễm độc thần kinh, cũng như về sinh sản và phát triển. Những điều này sẽ dẫn đến các bệnh mạn tính nghiêm trọng.

TS Phan Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP HCM và bà Nguyễn Phan Bảo Khuyên, chuyên viên Trung tâm Tư vấn pháp luật TP HCM (phải), tham gia tọa đàm với vai trò diễn giả Ảnh: Tấn Thạnh

TS Phan Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP HCM và bà Nguyễn Phan Bảo Khuyên, chuyên viên Trung tâm Tư vấn pháp luật TP HCM (phải), tham gia tọa đàm với vai trò diễn giả Ảnh: Tấn Thạnh

Thực hiện nghiêm phân loại rác tại nguồn

Theo bà Nguyễn Phan Bảo Khuyên, hành động bảo vệ môi trường - trong đó có phân loại, thu gom rác thải tại nguồn ở từng hộ gia đình - đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 45/2022/NĐ-CP. Đã có hàng loạt chiến dịch truyền thông về thu gom và phân loại rác thải diễn ra nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Cụ thể, năm 2015 đã bắt đầu hoạt động thí điểm tại địa bàn quận 12, ban đầu tại một số hộ dân sau đó lan dần, mở rộng các đối tượng học sinh trong trường học, công nhân - lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp (DN).

Kể từ sau thời điểm luật có hiệu lực (ngày 1-1-2022), các hoạt động truyền thông ngày càng được đẩy mạnh và lan tỏa đến các quận, huyện trên địa bàn thành phố, đến các KCX-KCN, các xí nghiệp, nhà máy, trường học; bao trùm các nhóm đối tượng từ người nội trợ, đến học sinh - sinh viên, công nhân - lao động làm việc tại các KCX-KCN và tại các khu nhà trọ với các hình thức như đổi rác lấy quà tặng là cây xanh, làm những thùng rác tặng cho người dân, hội thi vẽ tranh, thi tìm hiểu...đã bước đầu tạo nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường và quan tâm phân loại rác tại nguồn.

Bà Khuyên cũng cho rằng qua ghi nhận từ thực tiễn tại các công ty, DN có gia công, đơn hàng cho các đối tác, khách hàng châu Âu, châu Mỹ có yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường, có yêu cầu về chứng chỉ môi trường, cho thấy công tác truyền thông đến người lao động (NLĐ) làm rất tốt. Ngoài ra, đây còn là tiêu chí xét thi đua, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của NLĐ, tuy nhiên số DN này chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn.

Phần còn lại, việc truyền thông chỉ đang dừng lại ở tính thời điểm, phong trào vì thế chưa hình thành được thói quen hay chưa xây dựng cho NLĐ ý thức tốt về việc phân loại rác thải đúng cách ngay sau khi sử dụng; rất tiếc là số NLĐ này chiếm tỉ lệ không nhỏ hiện nay.

Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP, kể từ năm 2030, Việt Nam sẽ chấm dứt sản xuất các đồ nhựa dùng một lần, túi nhựa khó phân hủy hoặc các sản phẩm có chứa hạt vi nhựa. TS Đồng cho rằng quy định này có thể thực hiện được nếu nâng cao ý thức người tiêu dùng. Khoa học kỹ thuật cùng với công nghệ chế biến thực phẩm cần có những giải pháp thay thế các bao bì và đồ gia dụng plastic bằng những công nghệ mới hoặc sử dụng loại vật liệu thân thiện môi trường.

Để nâng cao ý thức người tiêu dùng, theo TS Phan Thế Đồng, phải thực hiện nghiêm phân loại rác tại nguồn vì không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tham gia vào kinh tế tuần hoàn. Chính quyền TP HCM cần đưa ra giải pháp buộc người tiêu dùng phân loại rác ngay tại hộ gia đình của mình như cung cấp các phương tiện để chứa các loại rác thải, có biện pháp xử phạt nếu vi phạm; không nhận thu gom rác nếu không phân loại...

Rác nhựa thải ra môi trường mỗi ngày Ảnh: Tấn Thạnh

Rác nhựa thải ra môi trường mỗi ngày Ảnh: Tấn Thạnh

Không ngừng lan tỏa

Bà Nguyễn Phan Bảo Khuyên cho hay chúng ta không thể phủ nhận giá trị sử dụng của vật dụng nhựa trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta đang quá phụ thuộc vào vật dụng nhựa dùng một lần, từ đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường. Do đó, chúng ta rất cần có những cách làm hay, thiết thực, sáng tạo để có thể tái sử dụng những sản phẩm từ nhựa vào cuộc sống của mỗi người với các công dụng khác nhau như trồng cây, trang trí, làm đồ chơi, dụng cụ học tập... cùng với việc phát động chiến dịch "Vì môi trường Xanh"...

Để hạn chế rác thải nhựa, chúng ta cần sử dụng các sản phẩm thay thế nhựa. Thay vì sử dụng sản phẩm nhựa, hãy sử dụng các sản phẩm thay thế như bao bì giấy, ly giấy hoặc các sản phẩm dùng nhiều lần để giảm thiểu lượng rác thải nhựa... Để số đông người tiêu dùng có ý thức, hình thành thói quen phân loại rác thải đúng cách, chúng ta cần phải có hệ thống giải pháp, thực hiện thường xuyên và lâu dài.

"Thành phố nên làm tốt công tác truyền thông, trên các mặt, các lĩnh vực của đời sống, trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, lan tỏa trên các mạng xã hội. Việc truyền thông lặp đi lặp lại, làm thường xuyên. Các cơ quan, đoàn thể nên kết hợp tuyên dương khen thưởng, khích lệ bằng nhiều hình thức như đổi rác lấy quà...; đồng thời có biện pháp chế tài, gắn với tiêu chí thi đua, đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ" - bà Khuyên đề xuất.

HỒNG ĐÀO

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/song-xanh-tu-bua-an-gia-dinh-20231102205945377.htm