Sông núi thiêng liêng Cao Bằng

Cao Bằng là tỉnh địa đầu nằm ở Đông Bắc nước ta, có đường biên giới hơn 300km với Trung Quốc. Trong lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc, vùng biên cương Cao Bằng luôn là chiến địa ác liệt và bi hùng.

Đỉnh núi Phja Oắc có độ cao 1.931m, được ví như “nóc nhà” phía Tây của tỉnh Cao Bằng.

Con sông Bằng Giang và ngọn núi Phja Oắc cao nhất tỉnh là những địa chỉ lịch sử, văn hóa thiêng liêng, đồng thời còn là bệ phóng cho sự phát triển của Cao Bằng.

Chiến tướng Bằng Giang

Nửa đầu thế kỷ 20, tại vùng đất thiêng Cao Bằng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Đây là nơi đầu tiên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt chân trở về Tổ quốc, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

Đây cũng là nơi khai sinh Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, do danh tướng Võ Nguyên Giáp làm tổng chỉ huy, về sau lớn mạnh xuất hiện nhiều tướng lĩnh người dân tộc thiểu số quê Cao Bằng dạn dày trận mạc và chiến công như Hoàng Đình Giong, Lê Quảng Ba, Vũ Lập, Bằng Giang, Nam Long, Đàm Quang Trung, Đàm Văn Ngụy, Bế Xuân Trường…

Trong số chiến tướng sinh trưởng vùng biên cương, Bằng Giang là người từng giữ các trọng trách như Khu trưởng Khu 10, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Bắc Lào, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân, Tư lệnh Quân khu Tây Bắc, Tư lệnh Quân khu Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc, Phó Tổng Thanh tra Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Bằng Giang tên thật là Nguyễn Văn Cơ sinh năm 1915, người dân tộc Tày, quê ở bản Thắc Tháy, xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Ông tham gia làm liên lạc cho cách mạng từ năm 17 tuổi, đến năm 20 tuổi được kết nạp Đảng Cộng sản, lấy bí danh Nguyễn Bằng Giang.

Ông là người phụ trách dẫn đường đoàn từ phía Việt Nam đi đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước tại cột mốc 108, nay là cột mốc 675 biên giới Việt - Trung ngày 28-1-1941. Ông cũng hay ra vào hang Pác Bó ở Hà Quảng, Cao Bằng để làm liên lạc, mang thực phẩm săn bắt được cho Ông Ké.

Bằng tài năng và hiểu biết về quê hương mình, Bằng Giang nhanh chóng trở thành cán bộ chủ chốt được cử làm Ủy viên Ban Thường vụ liên Tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng phụ trách công tác binh vận, Tỉnh ủy viên phụ trách công tác quân sự tỉnh Cao Bằng. Đến năm 1944, Bằng Giang chính thức gia nhập quân đội.

Với tài năng chỉ huy quân sự, dũng cảm, mưu lược và đặc biệt là am hiểu sâu sắc đất và người Tây Bắc, ông đã có những đóng góp quan trọng trong nhiều chiến dịch lớn trên địa bàn trọng yếu này, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 trên cương vị Khu trưởng Khu 10.

Chuyện rằng, khi quân ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với mật danh Chiến dịch Trần Đình, có lúc gặp rất nhiều khó khăn về hậu cần, nhất là việc tiếp tế lương thực từ đồng bằng. Để kịp thời cho bộ đội “ăn no đánh thắng”, cần phải huy động gấp lương thực tại chỗ.

Khu trưởng Bằng Giang đã đích thân cưỡi ngựa đến “vựa lúa” Tây Bắc tại ngã 3 biên giới Việt - Lào - Trung vận động đồng bào “cho Chính phủ Cụ Hồ vay để đánh Pháp”. Được nhân dân ủng hộ, ông đã thu về ngay gần 7 tấn thóc nhập kho Tổng cục Cung cấp. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã hết lời khen ngợi: Có những người như Bằng Giang, Trần Đình (tức Chiến dịch Điện Biên Phủ) nhất định thắng.

Sông Bằng Giang và núi Phja Oắc thiêng liêng

Được sự hướng dẫn của họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa, chúng tôi lần đầu đi thuyền ngược sông thăm thú. Sông Bằng Giang bắt nguồn từ rừng núi tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc có tên là Thủy Khẩu Hà chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đổ vào nước ta tại cửa khẩu Sóc Giang, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Tiếp tục dòng chảy theo hướng Đông Nam, sông qua các huyện Hà Quảng, Hòa An, thành phố Cao Bằng và kết thúc tại cửa khẩu Tà Lùng, xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa, trước khi đổ ngược trở lại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc để hợp lưu với sông Kỳ Cùng, tạo thành sông Tả Giang, chi lưu phía Nam của Úc Giang.

Với tổng chiều dài khoảng 108km, đoạn sông Bằng Giang chảy trên đất Việt Nam dài khoảng 90km, theo hướng Tây Bắc đến thành phố Cao Bằng, gặp sông Hiến chảy về theo hướng Tây Nam, tạo thành ngã 3 sông Nước Giáp thơ mộng. Nước Giáp cũng trở thành địa danh một khu phố giống như tên sông Bằng, sông Hiến được đặt cho những phường của thành phố này.

Đặc biệt, sông Bằng cùng phụ lưu là sông Hiến ôm lấy thành phố Cao Bằng với núi đá muôn trùng bao bọc xung quanh, tạo thành bức tranh sơn thủy tự nhiên với phố thị hiện đại hết sức độc đáo, như nhà thơ Hoàng Đức Triều người dân tộc Tày từng viết: “Ba mặt tam giang trôi cuồn cuộn/ Bốn bề tứ trụ đứng chon von”.

Giống như nhiều dòng sông vùng cao, thi thoảng sông Bằng xuất hiện những chiếc cọn hình tròn cõng nước tưới cho những cánh đồng trồng lúa hai vụ. Đó là mùa nước cạn trong xanh. Còn mùa lũ nước cuồn cuộn dâng cao đục ngầu tràn bờ sông lại bồi đắp phù sa cho đất đai.

Nhờ vậy những cánh đồng lúa ngô ven hai bên bờ sông luôn tươi tốt. Ngoài nguồn lợi nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc và thủy sản, thủy lợi, Bằng Giang còn có khả năng cung cấp nguồn thủy điện, hay phát triển du lịch sinh thái nhờ phong cảnh tuyệt đẹp, nên thơ. Buổi trưa trên những bến nước sông luôn nhộn nhịp tiếng nói tiếng cười xen lẫn những câu lượn, câu sli thánh thót của những cô gái chàng trai tắm gội, giặt giũ hay chống chèo xuôi ngược trên sóng.

Một trong những nguồn nước quan trọng của Bằng Giang xuất phát từ vùng núi Phja Oắc ở phía Tây thuộc huyện Nguyên Bình, nơi có ngọn núi với độ cao 1.921m, được xem là nóc nhà và “viên ngọc quý” của tỉnh Cao Bằng. Khí hậu vùng núi Phja Oắc mát mẻ quanh năm, nhiệt độ mùa Đông có lúc xuống dưới không độ, tuyết trắng bao phủ, thu hút du khách trong và ngoài nước. Dưới chân núi là thảo nguyên với những đồi chè xanh tươi, càng quyến rũ hơn khi xuất hiện những người đẹp vùng cao chăm chỉ hái chè và miệng nói cười hát hò tươi xinh như hoa rừng.

Trong dân gian, nhiều câu chuyện ly kỳ mang màu sắc tâm linh được truyền tụng về núi Phja Oắc có sức hấp dẫn lạ thường. Đây cũng là vùng rất giàu khoáng sản đa kim loại mà từ khi mới xâm chiếm nước ta thực dân Pháp rồi phát xít Nhật đã tập trung khai thác.

Từ trong di sản, núi Phja Oắc và sông Bằng Giang ngày nay mang lại nhiều nguồn lợi cho tỉnh Cao Bằng về lâm đặc sản, thủy lợi, thủy điện, giao thông, nông nghiệp, du lịch… Riêng sông Bằng Giang còn là điểm tựa quy hoạch xây dựng, phát triển nhiều thị trấn, thị xã, đặc biệt là thành phố Cao Bằng đang đổi mới từng ngày.

PHAN HOÀNG

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/song-nui-thieng-lieng-cao-bang-post105663.html