Sóng nhiệt xóa sổ một thị trấn ở Canada

Những chuyến bus chở người dân về thăm thị trấn Lytton, British Columbia sau trận hỏa hoạn trong tuần qua. Mọi người gần như không thể nhận ra nơi họ đã gắn bó từ lâu.

Một điều kỳ lạ đã xảy ra với những cây keo ở Lytton thuộc tỉnh bang British Columbia khi thị trấn nhỏ ở miền Tây Canada này trải qua 3 ngày nắng nóng gay gắt lên đến gần 49,5 độ C hồi cuối tháng 6.

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Lịch sử ở Lytton, Lorna Fandrich nhận ra lá xanh đang rụng từ trên những tán cây xung quanh tòa nhà do không chịu được mức nhiệt cao.

Chỉ vài giờ sau, Lytton bùng cháy. Một ngôi làng không đến 300 dân cư, nằm ẩn mình giữa những dãy núi và có mùa hè nóng nực, đã bị phá hủy khi ngọn lửa thiêu rụi 90% diện tích thị trấn, làm 2 người thiệt mạng và một số nạn nhân khác bị thương.

Những chiếc ôtô và các tòa nhà cháy rụi sau trận hỏa hoạn lớn ở Lytton. Ảnh: AP.

Nắng nóng kỷ lục

Các nhà điều tra đang tìm hiểu xem liệu giao thông đường sắt địa phương có phải là nguyên nhân gây ra đám cháy. Đám cháy nghiêm trọng hơn do nắng nóng bất thường - xuất phát từ sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra.

Các làn sóng nhiệt quét qua phần lớn Tây Bắc Thái Bình Dương hồi cuối tháng 6 đã gây ra cháy rừng trên diện rộng, số người tử vong do nắng nóng tăng đột biến và hàng triệu động vật hoang dã ven biển bị bức tử.

Lytton bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.

"Khu vực các tòa nhà lớn giờ đây chỉ còn trơ mảnh đất bị thiêu rụi", đại diện làng Lytton phát biểu ngày 6/7.

Ngay khi có báo cáo về đám cháy, thị trưởng đã ra lệnh sơ tán hoàn toàn, trong khi các nhân viên cứu hỏa cố gắng chế ngự ngọn lửa trước khi nó xé toạc thị trấn.

Khung cảnh hoang tàn của ngôi làng sau đám cháy. Ảnh: AP.

Vào đỉnh điểm của đợt nắng nóng, hơn 90 nhân viên đã bay đến khu vực British Columbia để trợ giúp trong các đám cháy rừng. 777 đám cháy đã được báo cáo khẩn cấp từ ngày 25/6 đến 1/7, nhiều gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Đợt nắng nóng ở Canada cũng gây thêm mối lo về sức khỏe cộng đồng, vì các nhà chức trách vẫn còn đau đầu với thách thức của Covid-19 và người dân mới bắt đầu tận hưởng một số thú vui của mùa hè khi những lệnh hạn chế được nới lỏng.

Thị trấn bị thiêu rụi

Vào ngày 9/7, khi một con đường được dọn sạch dây điện rơi, gạch và các mảnh vỡ khác, 5 chiếc xe bus đưa người dân trở lại thăm thị trấn. Họ đau lòng khi gần như chẳng thể nhận ra thị trấn của mình.

Những thanh kim loại cong vênh và những thanh gỗ bị biến dạng nhô ra khỏi các tòa nhà bị thiêu rụi. Các bức tường gạch còn sót lại ám đầy vết cháy sém màu đen.

Matilda và Peter Brown bật khóc khi thấy ngôi nhà của họ bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn trơ lại khung bằng kim loại.

"Đó từng là ngôi nhà của chúng tôi", Matilda nói trong nước mắt. "Đó từng là tổ ấm của chúng tôi. Giờ thì chẳng còn gì nữa".

Khung cảnh thị trấn Lytton được chụp từ trên cao sau khi chịu thiệt hại nặng nề từ đám cháy. Ảnh: AP.

Gordon Murray, chủ tịch Chợ Nông sản Two Rivers ở Lytton, nói rằng trên xe bus của ông ngày 9/7 tràn ngập cảm giác đau buồn, khổ sở, tức giận và thất vọng.

Ông và người bạn đời của mình đã sống ở Lytton khoảng một thập kỷ, và họ có thể nhìn thấy ống khói và lò sưởi trắng nhà họ từ trên xe bus. Hai người cũng mất một con mèo trong đám cháy.

"Thật kỳ lạ là thị trấn đã hoàn toàn bị xóa sổ", ông Murry nói.

10 nhân viên bảo vệ động vật đã được phép đi vào thị trấn để giải cứu vật nuôi và gia súc. Bà Lorie Chortyk, phát ngôn viên của Hiệp hội phòng chống tàn ác động vật British Columbia, cho biết 41 con vật đã được cứu và đang được kiểm tra trước khi chúng có thể đoàn tụ với chủ.

Bà Fandrich - chủ sở hữu bảo tàng lịch sử - đã không tham gia chuyến đi ngày 9/7 bởi sợ không thể cầm lòng nổi, bà nói. Bảo tàng của bà - nơi lưu giữ hơn 1.600 hiện vật, sách và tài liệu - đều bị thiêu rụi.

Khung cảnh hoang tàn của ngôi làng sau đám cháy. Ảnh: AP.

Những ngôi nhà gần đó của 2 con trai bà đã bị san bằng. Quán cafe do con gái bà mở cũng bị phá hủy.

Theo một phân tích gần đây, các đám cháy ở Canada những ngày vừa qua xảy ra trong điều kiện nhiệt độ cao hơn các đợt sóng nhiệt trước đó.

Tại một tỉnh ven bờ biển Salish Sea, Christopher Harley - nhà sinh vật học biển và giáo sư Đại học British Columbia - đã khảo sát mức độ ảnh hưởng của sóng nhiệt lên sinh vật biển, ước tính lên đến con số một tỷ.

Trong một chuyến ra biển ngày 9/7, ông cho biết tiếng lạo xạo khi dẫm lên những con sò chết dưới chân đã thể hiện sự tàn phá của sóng nhiệt đối với động vật hoang dã.

Việt Linh Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/song-nhiet-xoa-so-mot-thi-tran-o-canada-post1237595.html