Sống loay hoay bên kênh rạch (*): Những gợi ý tốt

Ngân sách không phải cây đũa thần. Chính sách khiến nhà đầu tư cảm thấy hấp dẫn mới là cách giải quyết vẹn toàn giữa vẻ đẹp đô thị và sinh kế của người dân sống bên kênh rạch

Nói về vấn đề nhà ven và trên kênh rạch, KTS Trương Nam Thuận (Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thiên Nam Anh) cho rằng việc chọn mục tiêu rất quan trọng.

Sự đặc sắc đang chờ

Theo KTS Trương Nam Thuận, một trong những yếu tố tạo nên bản sắc của TP HCM là thành phố có vẻ đẹp của đô thị ven sông với những dòng kênh uốn lượn trong lòng. Những khu vực ven kênh tiềm ẩn giá trị rất cao về cảnh quan, kinh tế, môi trường...

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thay da đổi thịt, người dân đôi bờ thụ hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn (trình diễn flyboard và ca nô nước trên kênh) .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nếu chỉ chú trọng việc làm đẹp cảnh quan để dứt khoát giải tỏa nhà ven/trên kênh thì chưa hợp lý, chưa thể hiện sự quan tâm đúng mức những cộng đồng bị di dời. Đồng thời, không tốt cho việc xây dựng ký ức đô thị khi sự gắn bó của mỗi cá nhân với nơi họ sinh ra, lớn lên, trưởng thành đột ngột ngắt quãng.

Người sống dọc kênh đều đa phần là lao động nghèo, việc kiếm sống dựa nhiều vào nơi cư ngụ. Nhiều năm qua, kế hoạch tái định cư và tạo ra công ăn việc làm cho người dân trên/ven kênh chưa rõ ràng nên rất khó thuyết phục các hộ di dời.

"KTS Trương Nam Thuận cho rằng vấn đề nhà trên và ven kênh rạch, TP HCM nên nghiên cứu lại quy hoạch, thậm chí tổ chức thi tuyển quy hoạch. Điều này vừa giúp rộng đường dư luận, huy động sự tham gia nhiều tầng lớp vừa thực sự tìm ra những giải pháp tốt và khả thi.

Việc chuyển đổi nghề nghiệp, tạo điều kiện cũng như phát triển cơ hội cho họ là điều kiện then chốt để di dời, giải tỏa. Từ đó, khai thác, phát huy những giá trị như trên đã nói, trong đó có phát triển các dự án thương mại, dịch vụ và du lịch ven/trên kênh rạch…

Nhấn mạnh vấn đề khai thác cảnh quan trên kênh và quỹ đất xung quanh sau khi di dời và giải tỏa, KTS Trương Nam Thuận nhận xét du lịch và vận tải đường thủy nên được chú trọng hơn. Nếu được cải tạo và kết nối đồng bộ thì mạng lưới kênh rạch của TP HCM tạo nhiều điểm đặc sắc. Sự đặc sắc góp phần phát triển thương mại, dịch vụ ven kênh và thúc đẩy kết nối du lịch với vùng lân cận.

Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách không phải cây đũa thần, không phải việc gì cũng dựa hẳn vào ngân sách mà chỉ nên được sử dụng như một đòn bẩy. Những dự án cải tạo và phát triển dọc kênh nên huy động vốn đầu tư nhiều nguồn, tư nhân là chính. Nhà nước chỉ đóng vai trò tạo ra cơ hội đầu tư phù hợp, phát triển các quỹ nhà ở bình dân để tái định cư, lo về an sinh xã hội và xử lý vệ sinh môi trường.

"Khi đặt các dự án di dời, cải tạo nhà ven kênh là một chiến lược trong chiến lược tổng thể phát triển du lịch, thương mại dịch vụ ven kênh/trên sông của TP HCM thì bài toán có nhiều phương án giải quyết" - KTS Trương Nam Thuận nói.

Ưu tiên hàng đầu

KTS Nguyễn Đình Hòa - chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực cải tạo và phát triển đô thị, thành viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM - nhìn nhận cái khó của chuyện di dời nhà ven, trên kênh rạch là mâu thuẫn giữa mong muốn và thực tế. Ông nhận xét quyết tâm làm so với nguồn lực thực hiện chênh lệch quá lớn nên vấn đề quy hoạch, nguồn vốn, quỹ đất, tái định cư… phải được tính toán kỹ càng, đồng bộ.

Sự tham gia của chính quyền, cộng đồng dân cư, các chuyên gia xã hội học, quy hoạch - kiến trúc, ban ngành đoàn thể, tổ chức tài chính trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ, đơn vị phát triển dự án bất động sản… rất quan trọng. Các bên cần tích cực bàn bạc tìm ra giải pháp đồng thuận và khả thi cho tất cả vấn đề về tài chính, thu hút đầu tư, phân kỳ đầu tư, mô hình tái định cư… nhằm mang đến lợi ích thiết thực cho cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng.

Các dự án giải tỏa, di dời nhà, cải tạo kênh rạch, chỉnh trang đô thị cần được xem là ưu tiên hàng đầu của thành phố để có sự tập trung mọi nguồn lực. Cũng cần phân kỳ đầu tư hợp lý, chia nhỏ các đoạn, tuyến, thành phần để phù hợp với năng lực triển khai ở mỗi giai đoạn nhất định.

Với câu chuyện tái định cư, nên cân nhắc phương án tái định cư tại chỗ hoặc phạm vi lân cận khu vực dự án cải tạo kênh rạch để người dân tránh bị xáo trộn và hưởng lợi từ việc triển khai dự án.

Ngoài ra dự án di dời nhà ven kênh rạch cần được triển khai theo hướng "bán trước mua sau", trong đó phần lớn nguồn vốn triển khai có được từ việc bán đấu giá quỹ đất trống (sau khi bố trí quỹ nhà ở tái định cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội) để thu hút đầu tư các khu nhà ở phức hợp thương mại có cảnh quan đẹp ven kênh. Cách làm này giúp giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn vốn ngân sách.

Tranh thủ tối đa nguồn vốn vay không lãi suất của các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ cải tạo môi trường sống cho người dân là hướng tiếp cận khả thi nữa.

Và trong các thành phần tham gia nêu trên, theo KTS Nguyễn Đình Hòa, chính quyền thành phố luôn giữ vai trò then chốt, quyết định sự thành công của các dự án. "Để dự án thành công đòi hỏi sự quyết tâm, tâm huyết rất lớn của chính quyền. Nếu dự án di dời nhà ven, trên kênh rạch thành công sẽ tạo thêm một minh chứng mạnh mẽ về một chính quyền chu đáo với dân" - ông nói.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-1

Hài hòa lợi ích

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, đánh giá chuyện di dời nhà ven/trên kênh rạch liên quan đến việc triển khai của chính quyền, trong đó quan trọng nhất là quan hệ giữa chính quyền với người dân.

Trong dãy nhà xiêu vẹo dọc kênh Đôi là nhiều số phận chưa may mắn .Ảnh: ANH VŨ

Vấn đề cần tính đến là kinh phí đầu tư của nhà nước liệu có theo kịp mong muốn của người dân. Người dân họ muốn biết bồi thường thế nào, tính chuyện tái định cư cho họ ra sao để thương lượng.

"Câu chuyện này liên quan đến trách nhiệm chỉ đạo của những người liên quan. Vì sao không thực hiện được thì cần làm rõ" - TS Võ Kim Cương nêu ý kiến.

Anh Vũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/song-loay-hoay-ben-kenh-rach-nhung-goi-y-tot-196240104195623164.htm