Sống lại một phế tích

Được xây dựng cách đây gần 170 năm, miếu thờ vua Lê Thánh Tông, Văn miếu và miếu Hội đồng (thôn Long Uyên, xã An Dân, huyện Tuy An) vừa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa - lịch sử của tỉnh.

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Miếu thờ vua Lê Thánh Tông, Văn miếu và miếu Hội đồng cho đại diện Đảng bộ, chính quyền huyện Tuy An và xã An Dân. Ảnh: THIÊN LÝ

Trải qua thời gian và những biến cố trong lịch sử, các công trình kiến trúc này hiện chỉ tồn tại dưới dạng phế tích, nhưng đây là chứng tích vật chất về quá trình hình thành cộng đồng dân cư người Việt ở vùng hạ lưu sông Cái trong tiến trình lịch sử; là trung tâm sinh hoạt văn hóa của các quan lại và của cộng đồng dân cư Long Uyên từ khi được thành lập cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Nơi lưu giữ giá trị lịch sử

Nằm trên một trục thẳng đông - tây trong một khu đất rộng, quay mặt về hướng nam, miếu thờ vua Lê Thánh Tông tọa lạc ở phía đông, phía tây là miếu Hội đồng, còn chính giữa là Văn miếu thờ Đức Khổng Tử. Cả ba công trình này chỉ còn lại dấu tích nền móng, một vài bức tường bao và 2 bức án phong.

Theo ghi chép năm 1929 về Tỉnh Phú Yên của tác giả A.Laborde, miếu thờ vua Lê Thánh Tông được hình thành dưới thời Gia Long. Vào năm 1857 (thời vua Tự Đức), người dân địa phương đã quyên tiền và đóng góp công sức để xây dựng ngôi miếu nhỏ đặc biệt này còn lại dấu tích đến ngày nay.

Lê Thánh Tông (1442-1497) là vị hoàng đế thứ năm nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ 1460-1497. Ông nổi tiếng là vị minh quân, cũng được xem là nhà văn hóa lớn và một vị vua coi trọng hiền tài.

Tương truyền, vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông trên đường chinh Nam đã dừng chân tại đây và cho người khắc chữ trên khối đá Thạch Bi Sơn cao 706m ghi dấu mốc giới bờ cõi để phân định địa giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Đến thời Minh Mạng, ngọn núi nằm trong dãy Đại Lãnh này được vua cho khắc vào Cửu Đỉnh biểu tượng vương quyền.

Ông Trần Cảnh, một vị cao niên ở thôn Long Uyên cho biết: “Theo ông bà truyền lại, để tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ đối với vua Lê Thánh Tông, vị vua anh minh có công lao to lớn đối với lịch sử dân tộc và ghi dấu ấn đậm nét trên vùng đất Phú Yên, người dân Long Uyên, An Dân, Tuy An đã lập miếu thờ tại đây. Từ khi xây dựng, miếu thờ vua Lê Thánh Tông mỗi năm cúng 2 lần theo lệ xuân kỳ và thu tế. Mỗi lần cúng, triều đình Huế đều phái người đến chủ trì cúng tế rất long trọng”.

Nằm giữa miếu thờ vua Lê Thánh Tông và miếu Hội động là Văn miếu. Văn miếu có một đại hồng chung đúc hoàn thành ngày 20/5 năm Tân Mão (1831), trên đó khắc bài minh bằng chữ Hán gồm 412 chữ, do Đốc học Phạm Gia Lâm và Tri phủ Nguyễn Chơn phụng soạn năm Nhâm Thìn, Minh Mạng thứ 13 (năm 1832). Căn cứ bài minh khắc trên đại hồng chung, Văn miếu được khởi công xây dựng vào mùa thu năm Quý Mùi (1823) và khánh thành năm Ất Dậu (1825).

Đời vua Thành Thái, Văn miếu trước ở Triều Sơn (huyện Đồng Xuân) và Khải miếu trước ở thôn Hội Tín (phủ Tuy An) đều dời nhập vào Văn miếu Long Uyên. “Đại hồng chung hiện nay được lưu giữ tại chùa Long Uyên. Từ khi lập miếu, các quan đầu tỉnh tổ chức cúng tế ở Văn miếu rất linh đình. Đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, không còn tổ chức cúng tế tại Văn miếu này nữa”, ông Trần Năm ở thôn Long Uyên cho hay.

Còn ngôi miếu nhỏ nằm đối xứng với miếu thờ vua Lê Thánh Tông thờ nhiều vị thần nên gọi là miếu Hội đồng. Từ khi xây dựng, người dân địa phương thường tổ chức cúng miếu vào mùa xuân và mùa thu để tưởng nhớ các bậc tiền nhân thời mở đất.

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL, huyện Tuy An dâng hương tại miếu thờ vua Lê Thánh Tông. Ảnh: THIÊN LÝ

Gìn giữ, phát huy giá trị của di tích

Ông Võ Văn Khương, Chủ tịch UBND xã An Dân cho biết: Long Uyên là một trong những đơn vị hành chính được hình thành sớm từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII khi Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh theo lệnh chúa Nguyễn Hoàng đưa lưu dân đến khai khẩn vùng đất Phú Yên.

Khi mới thành lập thôn Long Uyên nằm trong tổng Hạ, đến năm 1832, Long Uyên thuộc tổng Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân. Năm 1899, Long Uyên được chia thành 2 thôn: Long Uyên và An Thổ thuộc tổng An Sơn, phủ Tuy An. Năm 1949 đến nay, thôn Long Uyên và thôn An Thổ đều thuộc xã An Dân, huyện Tuy An. “Long Uyên là nơi duy nhất trong tỉnh có dấu tích miếu thờ vua Lê Thánh Tông”, ông Khương khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho rằng việc miếu thờ vua Lê Thánh Tông, Văn miếu và miếu Hội đồng được xếp hạng di tích cấp tỉnh là niềm cổ vũ to lớn đối với người dân huyện Tuy An trong việc bảo tồn di tích và giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho thế hệ mai sau.

“Để phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, huyện Tuy An sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy di tích; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân địa phương, nhất là những người ở xung quanh di tích tham gia bảo vệ, không lấn chiếm, xâm phạm di tích.

Huyện cũng sẽ phối hợp với các ngành chức năng có phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi miếu thờ vua Lê Thánh Tông, tôn tạo khuôn viên, đường vào di tích... để di tích trở thành điểm tham quan, dâng hương; đồng thời kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa trong vùng hình thành các tour du lịch văn hóa - tâm linh, phát triển du lịch huyện Tuy An và góp phần phát triển du lịch của tỉnh”, ông Hoàng cho biết.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/312616/song-lai-mot-phe-tich.html