Sống khỏe nhờ tái tạo rừng ngập mặn

Rừng ngập mặn xã đảo Tam Hải không chỉ có tác dụng hạn chế thiên tai bão tố mà còn là nơi tái tạo nguồn lợi thủy sản, giúp người dân làm nghề sông nước có nguồn thu nhập bền vững

Xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) được bao bọc bởi phía trước là sông Trường Giang, phía sau là biển; tứ bề là nước. Hằng năm, Tam Hải hứng chịu nhiều đợt thiên tai hết sức khắc nghiệt, nhất là vào mùa mưa bão. Chính vì thế, việc trồng và gìn giữ các loại cây có tác dụng ngăn gió, chắn sóng, chống xói lở là vô cùng quan trọng.

Nỗ lực tái tạo

Dù vậy, vào thời điểm khoảng năm 2010, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng nở rộ đã khiến một diện tích lớn rừng ngập mặn và rừng dương liễu phòng hộ quanh xã đảo Tam Hải biến mất. Tình trạng lấn chiếm đất để nuôi tôm cùng với biến đổi khí hậu đã khiến hiện tượng sạt lở, nước biển xâm thực ngày một nghiêm trọng tại xã đảo này.

Trước thực trạng đó, từ năm 2012, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã xúc tiến các dự án trồng rừng ngập mặn nhằm hạn chế xói lở, giúp giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai. Nhờ không ngừng nỗ lực tái tạo, đến thời điểm này, tại Tam Hải đã có hơn 65 ha rừng ngập mặn, trong đó có hơn 20 ha rừng trồng mới với các loại cây ngập mặn như đước, mắm, bần.

Một góc rừng ngập mặn tại xã đảo Tam Hải

Bây giờ, ngồi trên chuyến phà đến Tam Hải, vươn xa tầm mắt, ai cũng có thể dễ dàng trông thấy những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn xanh ngắt một màu bao phủ quanh đảo. Những cánh rừng này không chỉ là lá phổi tự nhiên mà còn là tấm lá chắn hiệu quả cho cộng đồng trong mỗi mùa mưa bão.

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tam Hải, cho biết để triển khai các dự án trồng và tái tạo rừng, địa phương đã ban hành quy chế quản lý cộng đồng. Xã cũng đã thành lập tổ trồng và bảo vệ rừng ở các thôn với sự tham gia trực tiếp của người dân nhằm cộng đồng trách nhiệm bảo vệ, phục hồi rừng. Chính sự tham gia trực tiếp của người dân giúp họ nhận thức rằng chỉ có trồng rừng mới là cách bền vững để bảo vệ hòn đảo trước nạn sạt lở cũng như hạn chế tác động của biến đối khí hậu. Xa hơn, những cánh rừng ngập mặn sẽ góp phần giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Ông Đỗ Văn Thận - người dân ở thôn Long Thạnh Tây (xã Tam Hải) - nơi có khu rừng ngập mặn mới trồng diện tích hơn 8 ha, khẳng định nhờ các loài cây đước, mắm, bần chắn bớt sóng lớn, ngăn sạt lở bờ đất, hạn chế sức gió mùa mưa bão nên người dân xã đảo mới an tâm sinh sống.

Nguồn sống của nhiều gia đình

Không chỉ có chức năng chống sạt lở, hạn chế gió bão, những rừng đước, mắm khi được phục hồi đã tạo môi trường thuận lợi cho tôm cá.

Gần như gắn chặt đời mình với nghề chài lưới trên sông Trường Giang, ông Trần Tấn Trưởng (66 tuổi, thôn Long Thạnh Tây) cho hay những năm trước, khi rừng ngập mặn bị xâm hại, do không còn nơi trú ngụ, các loài thủy sản không tìm về sinh sản khiến nguồn lợi thủy sản bị suy kiệt. Vì vậy, khi chính quyền triển khai dự án phục hồi rừng ngập mặn trên đảo, ai cũng vui mừng ủng hộ.

Ông Đỗ Văn Thận, người dân thôn Long Thạnh Tây, cho biết rừng ngập mặn tạo sinh kế bền vững cho người dân làm nghề chài lưới tại xã đảo Tam Hải

Dù không phải là thành viên của tổ trồng rừng ngập mặn, song ông Trưởng cũng tìm cách xin 100 cây đước con về trồng ở gần nhà mình. Sau 2 năm chăm sóc, hơn 50 cây đước khỏe mạnh đã vươn lên xanh tốt. "Tôi trồng cây với mong muốn tự tái tạo môi trường để cá, tôm, cua có nơi trú ngụ, sinh sản. Việc này giúp mình có nguồn khai thác lâu dài và để chắn sóng gió, hạn chế sạt lở, biển xâm thực, bảo vệ nơi sinh sống, nhất là khi đến mùa mưa bão" - ông Trưởng bày tỏ.

Từ khi rừng ngập mặn được phục hồi, các loại thủy sản trên sông Trường Giang tăng lên nhiều, giúp người dân địa phương có thu nhập ổn định. "Mỗi đêm đánh bắt, vợ chồng tôi thu nhập khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Tôi tính năm nay sẽ tìm thêm khoảng 100 cây đước nữa để trồng dặm vào số cây đã chết. Cứ trồng rồi mai sau con cháu mình hưởng lợi" - ông Trưởng tin tưởng.

Ông Trần Tấn Trưởng chủ động xin 100 cây đước về trồng tại khu rừng ngập mặn gần nhà mình, hiện cây đang phát triển tốt

Ông Phạm Minh Quang, Trưởng thôn Long Thạnh Tây, cho biết nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở các cánh rừng ngập mặn đã giúp những người lớn tuổi không đủ sức đi biển có được nguồn thu nhập ổn định. Vì vậy, việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn trên ốc đảo Long Thạnh Tây đã trở thành mối quan tâm chung của cả cộng đồng. "Nhờ tích cực tuyên truyền cũng như người dân nhận thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn mà tình trạng chặt cây đước làm củi đốt hoặc lấn rừng ngập mặn để nuôi thủy sản lồng bè đã không còn" - ông Quang khẳng định.

Sẽ tiếp tục mở rộng diện tích rừng

Chủ tịch UBND xã Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng cho biết không chỉ các loài thủy hải sản về trú ngụ, sinh sản, những năm gần đây, các khu rừng ngập mặn ở địa phương còn thu hút các loại chim cò về cư trú, trong đó có nhiều loại chim quý, nằm trong danh mục cần bảo vệ. Địa phương sẽ tiếp tục tái tạo, trồng thêm rừng ngập mặn ở các khu vực đất trống để giữ vững sinh kế của người dân. Ngoài ra, xã cũng đang hướng tới việc phát triển du lịch nhờ tận dụng những danh lam thắng cảnh sẵn có trên đảo kết hợp với các khu rừng ngập mặn vừa được tái tạo nhằm tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.

Bài và ảnh: Trần Thường

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/song-khoe-nho-tai-tao-rung-ngap-man-2023071321320115.htm