Sóng dữ Scandinavie

Cùng với đỉnh cao quyền lực của người Franck và Charlemagne, nhóm sắc tộc Germanics xem như đã hoàn tất sứ mệnh của mình trong lịch sử Tây Âu Trung cổ.

Và sau đó, những đoàn chiến binh đến từ Bắc Âu bắt đầu tiến lên vũ đài. Họ được gọi chung bằng một cái tên đã trở nên vô cùng quen thuộc: Những người Viking.

Rollo và Normandie

Normandie - địa danh gắn liền với cuộc đổ bộ lịch sử của quân đội Đồng minh trong Đệ nhị Thế chiến, thực ra, lại là một cái tên rất ít "chất Pháp". Hiểu một cách đơn giản, nó có nghĩa là "Vùng đất của người phương Bắc - Norman". Và những người Norman ấy chính là những đứa con ngang tàng của miền Scandinavie hoang lạnh.

Thế kỷ thứ IX, những đợt sóng tấn công ào ạt từ Bắc Âu - vùng lãnh thổ mà những bước quân hành chinh phạt của Charlemagne cũng chưa từng gom thâu được - ập xuống đế quốc của người Franck. Những chiến thuyền Viking, nhỏ nhắn và nhanh nhẹn, đi từ các cửa biển ngược dòng sông Seine hay sông Loire (trên đất Pháp ngày nay), mở những cuộc đột kích và cướp phá.

Liên tục thành công, lòng tự tin của đám người phương Bắc ấy nhanh chóng được tôn cao, và đạt đến tột đỉnh. Từ bán đảo Scandinavie, dân Viking tổ chức những hạm đội lên tới hàng dăm bảy trăm chiến thuyền, ngày càng đi xa hơn, chỉ cần nghỉ đông ở một bờ biển nào đó đã bị đánh chiếm.

Đám người ấy hoành hành tít xuống cực nam châu Âu, đánh men duyên hải Tây Ban Nha, vòng qua eo biển Gibraltar vào Địa Trung Hải, tập kích đất Ý. Ở phía Tây Bắc, họ giong thuyền qua đảo Anh, đến Ireland, Iceland và tận Greenland.

Một bức tượng Rollo cổ.

Và Normandie chính là cứ điểm đầu tiên mà người Viking giành được tại châu Âu lục địa, khi thách thức thành công "uy phong" của đế quốc Franc.

Năm 911, Rolf (mà gọi theo ngữ âm Latin là Rollo), thủ lĩnh người Viking, ép được nhà vua Tây Francia phải trao cho mình quyền định cư vĩnh viễn trên vùng lãnh thổ đó, với thủ phủ là Rouen. Ông mất năm 930 tại nơi mình chiếm được. Ông được xem là Quận công Normandy đầu tiên, cho dù đến tận đời cháu nội ông mới chính thức có tước hiệu ấy.

Và cũng chính từ Normandie, một hậu duệ lừng lẫy của ông - Quận công William (Guillaume) Người chinh phục - đã cùng hậu duệ vượt biển (năm 1066), tiến chiếm Anh quốc của người Anglo - Saxon, giành lấy ngôi vua Anh, như những gì Walter Scott đã nhắc tới trong cuốn tiểu thuyết lừng danh Ivanhoe.

Đông Âu vẫy gọi

Cùng lúc những người bà con Scandinavie tiến công cấp tập vào các cửa sông nước Pháp, khoảng năm 860, cũng có những đợt sóng Viking khác vượt biển Baltic sang vùng lãnh thổ nước Nga hiện đại - nơi vẫn còn vô cùng hoang sơ và lạc hậu. Họ tiến sâu vào nội địa, dọc theo các con sông. Họ bắt gặp, giao chiến, đánh bại và khuất phục các bộ lạc Slave địa phương.

Những người Bắc Âu di cư ấy tự gọi mình là người Rus, và từ đó ta có quốc danh Russia của nước Nga bây giờ. Không có nhiều ghi chép về hướng bành trướng này của người Rus, tuy nhiên, theo một cuốn cổ sử Nga có niên đại ở thế kỷ XI, các tác giả cuốn Văn minh phương Tây cho biết rằng khoảng năm 850, các bộ lạc Slave thù nghịch nhau đã mời dân Scandinavie đến thảo nguyên sâu trong nội địa để duy trì trật tự.

Ruhrir, một viên tướng xuất thân từ Đan Mạch nhận lời. Từ trung tâm mậu dịch Novgorod ở bờ biển Baltic, ông đem quân tiến dọc theo sông Dnieper, chiếm Kiev và biến nó thành thủ đô đầu tiên của một quốc gia người Rus. Lúc đầu, đó là một quốc gia có tổ chức lỏng lẻo, và chỉ chú trọng về các mục đích thương mại.

Nhưng, chỉ 10 năm sau, một hạm đội 200 chiến thuyền của nó đã giong buồm ra Hắc Hải, xuất hiện ngoài khơi kinh đô Constantinople của đế quốc Byzance (Đông La Mã), trực tiếp thách thức định chế quyền lực cổ xưa này.

Tất nhiên, danh tiếng của thủy quân Byzance không dễ bị lay chuyển như vậy. Sự dũng mãnh, lần này, không giúp dòng máu Viking tiến xa được như những người họ hàng đang hoành hành ở phía Tây cựu lục địa, khi Byzance vẫn luôn giành được các thắng lợi quan trọng.

Song, sau những cuộc can qua, Byzance lại tìm thấy ở người Rus những đối tác thương mại quyến rũ - nguồn cung da thú và gỗ, để rồi hai bên ký kết một hiệp ước hòa bình có giá trị tương đối bền vững.

Song, ở hậu phương Baltic, những cuộc hòa huyết giữa người Bắc Âu và các sắc dân bản địa sau này đã tạo nên những vị thần chiến tranh mới: Các hiệp sĩ Teutonic, cùng quãng thời gian quật khởi của Đại công quốc Lithuania - định chế từng áp đặt ách thống trị lên khắp lãnh thổ các quốc gia Baltic, Ba Lan và cả phần phía Tây nước Nga.

Người Dane và Dane Law

Quần đảo Anh, quá gần với các hải trình thuận lợi của dân Viking, dễ dàng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công. Và trong Hamlet, William Shakespeare cũng đã khắc họa phần nào bối cảnh lịch sử lúc đó, khi vua Anh phải nhận các nhiệm vụ từ triều đình của người Dane (Đan Mạch).

Cả vùng đông bắc nước Anh khi ấy được gọi là Danelaw (nghĩa là chịu sự quản lý của Đan Mạch), khi vua Alfred của vương quốc Wessex, dòng Anglo Saxon, buộc phải nhượng lại vùng đất này (cho dù đã chiến đấu dũng cảm để chặn được những cuộc tấn công vũ bão của người Dane từ bên kia biển Bắc).

Không chỉ dừng lại ở đó, người Dane còn kéo sang tận Ireland, khiến nền văn hóa mang nhiều màu sắc Thiên Chúa giáo tại đây ngưng đọng trong một thời gian khá dài.

Đến đầu thế kỷ XI, cuối cùng, những nỗ lực xâm lăng của người Dane cũng thành công. Knut (Canute), vua của cả Thụy Điển - Na Uy - Đan Mạch khi đó, được đại hội đồng Anglo Saxon bầu chọn làm vua nước Anh, năm 1018.

Sự bành trướng của người Bắc Âu.

Đáng lẽ, đó sẽ là một đế quốc cực kỳ hùng mạnh, bởi Knut đã tiếp xúc để thiết lập các mối dây liên lạc chặt chẽ với Giáo hội La Mã, như Charlemagne ngày trước, sẵn sàng đưa toàn bộ lãnh thổ của mình vào cộng đồng Thiên Chúa giáo. Nhưng, ông lại mất quá sớm (năm 1035), trong khi chưa kịp bồi đắp khả năng tương xứng cho những người kế vị.

Trong cả quãng thời gian đó, người Anglo Saxon vẫn luôn có mức độ phát triển văn minh vượt trội so với người Dane chỉ quen chinh chiến, với những định chế phong kiến tương tự như các định chế của nhà Carolingen bên đất Pháp.

Và thế là sau cái chết của Knut, vua Edward the Confessor - con cháu của Alfred - thu hồi lại quyền lực cũng như đất đai đã mất. Phải đến khi William the Conqueror từ Normandie đánh sang, nước Anh mới mất về tay các chủng tộc gốc Bắc Âu.

Cũng từ Normandie, những thế hệ Viking tiếp nối lại ra đi. Họ đánh xuống tận Địa Trung Hải, thành lập những vùng lãnh thổ mới ở Nam Ý và đảo Sicile, đối chiến với Byzance, cũng như với quân Hồi giáo.

Song, có lẽ, di sản lớn nhất của các cuộc viễn chinh xuất phát từ Scandinavie đó không phải là đất đai, mà là sự trường tồn về văn hóa. Không chỉ "Viking" trở thành một khái niệm quen thuộc, mà bất chấp các ảnh hưởng Thiên Chúa giáo, Thần thoại Bắc Âu vẫn đã và đang được nhắc tới ở thế kỷ XXI này, với đầy đủ sinh khí.

Thor hay Loki trở thành những nhân vật bất tử trên màn bạc. Các loài quái thú Bắc Âu, qua ngòi bút của J.J.Tolkien, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều hình thức nghệ thuật hay phương tiện giải trí.

Và những người Bắc Âu vẫn luôn kiêu hãnh khi mặc lại các bộ trang phục chiến binh Viking của mình, trong những ngày hội. Họ vẫn hát những khúc chiến ca xa xưa, và mang cả âm hưởng hào hùng của chúng vào những giai điệu hôm nay, qua những bản nhạc rock được định danh hẳn là dòng Viking metal…

* Francia, tức nước Pháp ngày nay, là phần lãnh thổ tách ra từ đế quốc của Charlemagne. Sau khi Charlemagne mất, các con của ông chia quốc gia thành ba phần, tương ứng với lãnh thổ Pháp, Đức và Bắc Ý hiện đại.

* Theo giới chuyên môn, lòng ham thích cướp phá hoặc là cả sự thiếu thốn về vật chất không hẳn là nguyên nhân chủ đạo tạo nên những cuộc xâm lăng của người Viking Bắc Âu. Thực tế, sau khi chiếm được các căn cứ ở cựu lục địa, chỉ có người con cả trong dòng họ ở lại cai trị. Những người em lại tiếp tục lên đường, để tìm kiếm hào quang cũng như lãnh thổ cho riêng mình.

Phi Hồ

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/song-du-scandinavie-559715/