Sống chung với mẹ chồng: Những lời dạy con sâu sắc của mẹ đẻ Vân khiến nhiều chị em phải suy ngẫm

Tuy chỉ xuất hiện ở một vài cảnh ngắn trong phim nhưng những câu nói sâu sắc của bà Bằng – mẹ đẻ Vân luôn để lại ấn tượng khiến người xem phải suy ngẫm.

Sau 9 tập phát sóng, “Sống chung với mẹ chồng” vẫn đang là một trong những bộ phim hot nhất trên sóng truyền hình được đông đảo khán giả theo dõi.

Nội dung phim chủ yếu xoay quanh những mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu trong đời sống hàng ngày giữa bà Phương (NSND Lan Hương đóng) và Minh Vân (Bảo Thanh thủ vai).

Bên cạnh đó, phim cũng xây dựng được hình tượng 2 bà mẹ trái ngược nhau hoàn toàn. Khác với sự ghê gớm có phần tai quái của bà Phương (mẹ chồng Vân) thì mẹ ruột Vân – bà Bằng (NSND Nguyễn Phúc Lưu Lan Hương thủ vai) lại luôn xuất hiện với phong thái nhẹ nhàng, điềm đạm, đúng chất của một bà giáo làng.

Ngay từ những tập đầu lên sóng, khán giả đã có thể nhận thấy điều này qua từng cử chỉ, lời nói của nhân vật này. Trước khi gả con gái về nhà chồng, bà luôn canh cánh nỗi lo về cuộc sống sau này của con.

Bà căn dặn con gái “phải nhớ nghe lời ông bà bên đó dạy bảo. Như vậy mẹ mới yên lòng”, “các con có hạnh phúc, bố mẹ mới mạnh khỏe được”.

Không những thế, như sợ con gái không hoàn thành tốt bổn phận của một nàng dâu, bà còn nhấn mạnh: “Nhà mình nề nếp gia giáo, không có cái chuyện con gái cãi cọ với nhà chồng rồi về với bố mẹ đẻ, con nhớ chưa”. Câu nói với ngữ điệu nhẹ nhàng nhưng mang tính răn đe sâu sắc của bà đã khiến Minh Vân phải rơi nước mắt.

Bà Bằng đang căn dặn con gái phải đối xử tốt với gia đình nhà chồng. Ảnh chụp màn hình

Không chỉ bảo ban con gái, bà luôn cố gắng vun vén mối quan hệ giữa con gái và mẹ chồng được thuận hòa. Khi nói chuyện với bà Phương, người phụ nữ này luôn thể hiện sự tôn trọng, nhún nhường. Bà nói: “Cháu Vân được nuông chiều từ bé. Có gì dại dột, nhờ ông bà trên ấy dạy dỗ, bảo ban cháu”.

Khi con gái đã thành “dâu con nhà người ta”, mỗi lần có dịp nói chuyện với con, bà lại tranh thủ dạy bảo. Ở tập 3, khi Minh Vân nói cuối tuần sẽ về thăm bố mẹ, bà nhanh chóng căn dặn: “Đi đâu thì cũng phải xin phép người ta”.

Rồi sau đó tiếp tục khuyên bảo con gái: “Hãy coi mẹ của Thanh (chồng Vân) như là mẹ. Đừng có ấn định đấy là mẹ chồng. Nếu có gì khó xử, con nhớ phải nhịn. Một điều nhịn là chín điều lành”.

Trong tập 5, bà dặn Minh Vân: “Nhớ về bên ấy, con phải thật chăm chỉ, thật chăm chỉ vào đấy. Không được tuềnh toàng như khi còn sống với bố mẹ đâu”; “Con phải nhớ chú ý đến bố mẹ chồng nghe chưa. Đối với mẹ chồng, con phải chú ý và thương yêu mẹ chồng. Cần phải đối xử như với mẹ đẻ của mình, thậm chí còn hơn cả mẹ đẻ của mình”.

Dường như, cứ mỗi lần “được” xuất hiện trong một vài cảnh ngắn ngủi, khán giả lại thấy bà mẹ này đưa ra khuyên dạy đạo lý cho con. Trong tập 7 của bộ phim, khi vợ chồng Vân về quê thăm bố mẹ, lúc hai mẹ con ngồi rửa bát ở sân bể, bên cạnh những câu chuyện vui giữa hai mẹ con, bà còn khen mẹ chồng trước mặt Vân.

Bà nói: “Mẹ thấy mẹ chồng con khắt khe như vậy cũng là một cách tốt đấy. Con đã thay đổi nhiều, biết rửa bát giúp mẹ. Từ bé đến giờ con đã làm việc này bao giờ đâu…”. Rồi bà thủ thỉ với con gái: “Ở nhà người ta, làm việc gì cũng phải chú ý một chút. Ở với mẹ chồng không được chiều chuộng như ở với mẹ đẻ đâu”.

Khi nghe Vân có ý định ra ở riêng, bà gạt ngay: "Sao lại có ý quái gở đến thế. Thằng Thanh nó là con một, phải sống chung để còn chăm sóc bố mẹ chứ". Sau đó bà "chốt" vấn đề: "Thôi, thuyền theo lái, gái theo chồng. Đã là dâu con nhà người ta rồi thì phải nhập gia tùy tục, nhớ chưa".

Dù chỉ là những câu nói hết sức bình dị của một người mẹ dạy con gái trong ứng xử với mẹ chồng nhưng nó cũng là những kinh nghiệm sâu sắc đối với nhiều người, nhất là những chị em phụ nữ đã, đang và sẽ sống chung với mẹ chồng.

Không những thế, nhiều người còn coi đây là “bí quyết” gìn giữ mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu được êm ấm, thuận hòa.

Ngân Bình

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/song-chung-voi-me-chong-nhung-loi-day-con-sau-sac-cua-me-de-van-khien-nhieu-chi-em-phai-suy-ngam-20170425013009396.htm