'Sống chung với lũ'

Vừa trải qua một trận lũ nặng nề, miền trung dường như chưa kịp hoàn hồn lại sức thì đã chịu tiếp một đợt lũ mới. Mỗi ngày nghe những con số, thấy những hình ảnh từ vùng lũ, không khỏi xót xa suy nghĩ. Có cách nào để ngăn ngừa lũ lụt và hạn chế thiệt hại, mất mát được không. Có thể nào “chống lũ” được không?

Thật ra, chuyện lũ lụt không xa lạ gì với người miền trung. Từ bao đời nay, dải đất này dường như gắn liền với thiên nhiên khắc nghiệt, hết hạn hán rồi bão lụt. Chỉ trong trí nhớ gần đây thôi, cứ vài ba năm một lần, tầm tháng 10, tháng 11, miền trung lại hứng chịu một đợt lũ nặng nề. Các năm 1999, 2010, 2011, 2013, 2016… năm nào cũng có trận lũ “lịch sử”. Mà cũng dường như những năm gần đây, cứ lũ năm sau lại to hơn năm trước, nguy hiểm bất thường và thiệt hại nặng nề hơn năm trước. Những người già ở vùng Hương Khê, Vũ Quang cho rằng lũ các năm 2010, 2013 là chưa từng chứng kiến. Họ còn chưa hết bàng hoàng khi kể lại cảnh trước mắt đâu như cả thác nước từ trên núi đổ ập về trong phút chốc nhấn chìm tất cả. Lũ năm nay lại vẫn “bất thường” khi nước cuốn về dâng cao nhanh chóng chỉ trong một giờ đồng hồ, người dân chạy không kịp.

Cảm giác bất lực trước thiên nhiên chưa bao giờ hiện hữu như vậy, khi có mặt ở miền trung những ngày sau lũ. Những cái nền nhà trơ trọi. Góc vườn, góc ruộng còn một mớ củi rều vốn trước là mái nhà êm ấm. Năm này các đoàn cứu trợ về, vẫn lại đến những con đường năm trước, những xóm làng năm trước, gặp lại những gia đình đã từng trao tiền làm nhà, tặng áo, tặng gạo năm trước… Khi chúng tôi chào để ra về, với nét mặt rầu rầu, bác chủ tịch xã bắt tay bảo: “Hẹn các anh chị mùa lũ năm sau”. Chuyện có thật không biết nên vui hay buồn.

Vì sao một thiên tai gần như lặp lại theo chu kỳ, mà hậu quả ngày càng nặng nề, không có cách gì hạn chế được? Việc đồng bào cả nước kêu gọi và tổ chức các đoàn cứu trợ, ủng hộ hướng về miền trung là rất đáng cảm kích và ghi nhận. Tuy nhiên, cứ mùa lũ năm sau nếu trở lại thì có thể nhận thấy rõ, việc cứu trợ này chỉ là giải pháp khẩn cấp tạm thời, không giúp được gì nhiều cho cuộc sống ổn định và phát triển lâu dài của đồng bào vùng lũ. Một nguồn lực không nhỏ được huy động, đóng góp và rất nhiều tình cảm, tinh thần đáng quý đáng trân trọng, nhưng vẫn cứ như “muối bỏ biển”, không thấm vào đâu. Đôi khi, cảm giác càng làm càng bất lực.

Chúng ta có “chống lũ” được không? Thực tế, việc phải đối mặt với thiên tai thảm họa không chỉ xảy ra riêng ở miền trung và không phải duy nhất ở nước mình. Nhiều nước trên thế giới, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đều phải đối mặt với thiên tai. Nhật Bản, Philippinnes, Hoa Kỳ… và nhiều nước khác đều có lúc phải hứng chịu những thảm họa thiên nhiên như siêu bão, lũ lụt, động đất, sóng thần. Ở những nước luôn phải chịu điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, thường có những biện pháp để hạn chế, ứng phó, được xây dựng, vận hành theo hệ thống chặt chẽ và hiệu quả. Với Việt Nam, một đất nước ở vào vị trí địa lý đặc biệt, thiên nhiên luôn đặt chúng ta vào thử thách khắc nghiệt. Lịch sử hàng nghìn năm cho thấy, cha ông ta đã hun đúc những kinh nghiệm để ứng phó với thiên nhiên, thích nghi lũ lụt, hạn hán, mưa bão…

Điều đó lý giải vì sao trước đây những ngôi nhà ở miền trung luôn có những cái chạn gần sát nóc nhà để tránh lũ. Nhà nào cũng có sẵn một cái thuyền, đồ đạc luôn gọn nhẹ cơ động… Người dân cũng biết quan sát, chiêm nghiệm để ước tính quy luật của bão lũ, để chủ động ứng phó. Bao đời nay ông cha ta đã "sống chung với lũ". Tư duy trị thủy từng được thể hiện rõ trong câu chuyện Sơn Tinh- Thủy Tinh: “Nước dâng bao nhiêu, núi lên cao bấy nhiêu”.

Vậy tại sao trong thời hiện tại, người dân được trang bị nhiều kiến thức và công cụ hỗ trợ hơn, mà mỗi năm lũ về lại vẫn thiệt hại, mất mát nặng nề hơn?

Phải chăng, bởi vì do phá rừng, do làm thủy điện, do khai thác khoáng sản, do bằng cách này hay cách khác, chúng ta đang hủy hoại, tận diệt môi trường sống của chính chúng ta? Có phải đợi cho đến khi xảy ra các thảm họa thiên tai, chúng ta mới nhận biết sức tàn phá của thiên nhiên là khủng khiếp. Bởi, bàn tay và trí óc con người có thể làm nên tất cả, nhưng cũng chỉ trong thoáng chốc, thiên tai có thể lấy đi của chúng ta tất cả.

Những “bất thường” trong các cơn lũ những năm gần đây, cần được nghiên cứu, tìm hiểu một cách thấu đáo. Cần phải có một chiến lược quản trị lâu dài và bền vững, có trách nhiệm thực sự với cuộc sống và tương lai của hàng triệu người dân. Ứng phó với thiên tai thảm họa, bắt đầu từ việc bảo vệ môi trường sinh thái, rà soát quản lý thủy điện. Bên cạnh đó, việc thích nghi với lũ lụt cũng cần những giải pháp mới, thí dụ mô hình nhà chống lũ trong vài năm gần đây đã phát huy hiệu quả. Những hoạt động cứu trợ cũng cần hơn ở các giải pháp lâu dài. Người dân cần được trang bị đủ sức mạnh và điều kiện “sống chung với lũ”, khi mà thực tế lũ lụt vẫn sẽ cứ xảy ra và chúng ta không thể sau trận lũ nào cũng chỉ biết kêu lên “thương quá miền trung”.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31172802-%e2%80%9csong-chung-voi-lu%e2%80%9d.html