Sống chung với 'không lũ'

Ông Võ Văn Thế, ngụ xã Tân Tiến, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, lo lắng nói: 'Theo dự báo của các ngành hữu quan thì mực nước sông Mêkông sẽ thấp nhất từ trước đến nay dẫn đến thiếu nước tưới vườn cây ăn trái, thiếu nước làm lúa và gây khó khăn cho người nuôi và đánh bắt thủy sản. Nguy cơ đã cận kề'.

 Người dân đào ao trữ nước.

Người dân đào ao trữ nước.

Thông tin từ Ủy hội Sông Mêkông (MRC) cho biết mực nước toàn bộ khu vực từ phía Bắc Thái Lan qua Lào, Campuchia hiện nay đều ở mức thấp kỷ lục so với từ năm 1992 đến nay. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa gạo chính của cả nước, đồng nghĩa với việc lo lại càng lo.

Nếu như ở thời điểm giữa tháng 7 hàng năm, nước lũ từ thượng nguồn đã có dấu hiệu xuất hiện, thậm chí có năm xuất hiện sớm hơn, thì năm nay những dấu hiệu đó đã biến mất. Điều này đồng nghĩa là sẽ không có lũ hay nếu có thì cũng rất thấp. Nhiều nông dân có nhiều kinh nghiệm đúc kết rằng: lũ thấp sẽ không mang về nhiều phù sa hữu ích; lượng thủy sản thiên nhiên suy giảm; không đủ nước ngọt để đẩy mặn ra xa; không rửa được được tạp chất trong đất ảnh hưởng rất lớn đến vườn cây ăn trái và diện tích chuyên canh lúa...

Nhiều chuyên gia nông nghiệp tính toán rằng: muốn có được 1 ki lô gam lúa phải cần đến 3.500 lít nước, gấp đôi so với đậu nành, gấp bốn lần so với trồng bắp. Thực tế cho thấy đã có một số trường hợp do không làm tốt công tác tuyên truyền trước một số thiên tai, dịch bệnh nên hậu quả mang lại rất lớn. Một số địa phương còn ỷ lại, chủ quan, phó mặc tình hình cho ngành nông nghiệp; thiếu sự phối hợp cần thiết để giải quyết khó khăn; một số nông dân dù đã được khuyến cáo rủi ro nhưng vẫn bất chấp và tiếp tục trồng trọt, chăn nuôi theo cách nghĩ của mình dẫn đến hậu quả rất lớn.

Theo các chuyên gia về biến đổi khí hậu lẫn chuyên gia về nông nghiệp, cần khuyến cáo nông dân không xuống giống lúa ở những vùng ít nước; nguy cơ xâm nhập mặn cao. Bên cạnh đó, trữ nước được xem là giải pháp vô cùng thiết thực và hiệu quả. Cần có biện pháp trữ nước mưa trong ao, hồ, kênh, mương và những vật dụng khác để chủ động nguồn nước tưới tiêu sau khi mưa chấm dứt, tranh thủ khi nước triều cường dâng cao kết hợp mưa nhiều để dẫn nước sông, rạch vào ruộng vườn, ao, hồ.

Ông Võ Văn Tân, nông dân huyện An Phú, tỉnh An Giang, cho biết: “Diễn biến khô hạn năm nay rất gay gắt, bất thường. Tuy nhiên không vì thế mà quá lo lắng, bi quan. Ngược lại, mình phải chủ động sống chung với hạn, mặn bằng nhiều giải pháp phù hợp nhất, hiệu quả nhất. Bài học cảnh giác phải luôn được nông dân chú trọng để tránh thiệt hại về mình”.

Trương Thanh Liêm

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/292198/song-chung-voi-khong-lu.html