Sông Ba sạt lở hàng trăm ha đất, đe dọa cuộc sống người dân Gia Lai

Từ 2009 tới nay, sông Ba (đoạn qua tỉnh Gia Lai) thay đổi dòng chảy đã làm sạt lở hàng trăm ha đất nông nghiệp và đe dọa nhiều khu dân cư ở huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Trước mắt, huyện Krông Pa chỉ có thể triển khai những giải pháp cấp bách di dời dân để đảm bảo an toàn.

Đứng nhìn dòng nước đang chảy xiết, ông Rơ Lah Kem ở xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, thở dài buồn bã: "1 ha đất của gia đình cùng khoảng 100 ha đất của bà con buôn H’Lang đã bị sông Ba nuốt chửng. Trước đây, 1 ha tôi thu được từ 5 đến 6 tấn. Đất bây giờ sạt lở hết rồi, nước cuốn trôi đi. Mấy nhà ở đây chuyển hết đi rồi, không đi sao được, chỗ này sắp lở tới rồi. Mấy người ở đây đều phải đi hết rồi”.

Người dân Buôn H'Lang chuẩn bị di dời tới nơi ở mới để tránh sạt lở

Người dân Buôn H'Lang chuẩn bị di dời tới nơi ở mới để tránh sạt lở

Ông Hà Văn Đường, Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm cho biết, ngoài 100ha đất canh tác của bà con buôn H’lang bị biến mất hoàn toàn, tình trạng sạt lở sông Ba cũng đang đe dọa cuộc sống hơn 100 hộ dân tại đây. Cây cầu Lệ Bắc, nối 2 xã Chư Rcăm và Ia Rsươm đã bị sạt lở gần tới mố cầu 2 bên bờ.

Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, cuối năm 2020, UBND huyện Krông Pa đã phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng công trình sắp xếp, ổn định dân cư tại buôn H’Lang, diện tích gần 7ha để di dời hơn 102 hộ dân Jrai trong vùng có nguy cơ sạt lở. Ủy ban Nhân dân xã Chư Rcăm cũng đã có kiến nghị huyện tìm biện pháp cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số bị sạt lở hết đất.

Hơn 100 =ha đất nông nghiệp của người dân Buôn H'lang đã bị biến thành lòng sông Ba

Hơn 100 =ha đất nông nghiệp của người dân Buôn H'lang đã bị biến thành lòng sông Ba

“Bây giờ, nó là dòng chảy chính của sông Ba nên nó phá khu vực ấy. Bên này, nó phá vào khu nghĩa địa và khu dân cư nên phải thực hiện dự án di dời. Nó ảnh hưởng rất lớn, có nghĩa là mất trắng diện tích ấy luôn những hộ giáp bờ sông. Cái khó là đất sản xuất của xã Chư Rcăm không nhiều, bây giờ phải điều chỉnh đất giảm đất sản xuất cho bà con”, ông Hà Văn Đường cho hay.

Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết, huyện có 13 điểm sạt lở dọc chiều dài khoảng 45 km nơi sông Ba chảy qua 8 xã, thị trấn. Đoạn sạt lở nặng nhất xảy ra ở 2 xã Ia Rsai và Chư Rcăm. Thời gian qua, trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp của huyện nghèo, địa phương mới tập trung đảm bảo an toàn cho người dân bằng việc triển khai các dự án di dời dân cư vùng sạt lở. Theo đó, giai đoạn 2012-2014, huyện triển khai dự án bố trí hơn 870 nhân khẩu ở 4 buôn của xã Ia Rsai. Năm 2019, huyện tiếp tục dự án bố trí dân cư cấp bách cho 31 hộ, 166 khẩu ở 2 xã Ia Rsươm và xã Ia Rsai. Năm 2020 tới nay, tiếp tục thực hiện dự án di dời hơn 102 hộ dân buôn H’Lang. Tới nay, tình trạng sạt lở dọc sông Ba vẫn đang diễn ra hằng ngày mà chưa có giải pháp nào để hạn chế.

Cuộc sống của người dân bị đe dọa, đất sản xuất mất, nhưng chưa có giải pháp triệt để ngăn chặn.

Cuộc sống của người dân bị đe dọa, đất sản xuất mất, nhưng chưa có giải pháp triệt để ngăn chặn.

Ông Hồ Văn Thảo, cho biết: “Tạm thời đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân và tài sản Nhà nước là ưu tiên số 1. Tiền để kè buôn H’lang thì để di dời cho nhanh, chứ kè mấy trăm mét là hết cả trăm tỷ. UBND huyện đã thống kê hết để đăng ký UBND tỉnh, tỉnh đề xuất Bộ NN&PTNT”.

Chính quyền cũng như người dân Krông Pa, Gia Lai, mong mỏi các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương sớm có những giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để tình trạng sạt lở sông Ba, đảm bảo đời sống cho người dân./.

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/song-ba-sat-lo-hang-tram-ha-dat-de-doa-cuoc-song-nguoi-dan-gia-lai-post980004.vov