Sơn Dương quan tâm rèn luyện cán bộ dân tộc thiểu số

Đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số có chất lượng luôn được huyện Sơn Dương quan tâm, thực hiện. Qua đó đã phát huy được hiệu quả hoạt động, nâng cao công tác quản lý, điều hành và giải quyết công việc ngay từ cơ sở.

Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở xã Thiện Kế (Sơn Dương) luôn gắn bó và gần gũi với nhân dân.

Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở xã Thiện Kế (Sơn Dương) luôn gắn bó và gần gũi với nhân dân.

Thời gian qua, huyện luôn chú trọng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, giúp đội ngũ này được trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng hoạt động cần thiết trong việc quản lý, điều hành, thực hiện chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã cử trên 576 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo bồi dưỡng, trong đó cán bộ là người dân tộc thiểu số 237 người, chiếm 41,15%; bổ nhiệm cán bộ thuộc các phòng ban, đơn vị thuộc UBND huyện 28 người, trong đó người dân tộc thiểu số là 8 người, chiếm 28,57%; giới thiệu, ứng cử, bổ nhiệm cán bộ cấp xã 61 người, trong đó người dân tộc thiểu số là 26 người chiếm 42,62%.

Trung Yên là xã vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Dương với địa bàn rộng, đông dân cư. Đồng chí Hoàng Cao Khải, Bí thư Đảng ủy xã Trung Yên cho biết, xã có 20 cán bộ, công chức, trong đó 18 đồng chí là người dân tộc thiểu số. Đáp ứng yêu cầu công tác, Đảng ủy đặt ra yêu cầu cao về tinh thần tự học, tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Đảng ủy xã tạo điều kiện tối đa để cán bộ chủ chốt hoàn thiện trình độ văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị, đảm bảo tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp cơ sở. Hàng năm, xã đều cử cán bộ, công chức tham gia từ 2 lượt tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên sâu. Đội ngũ cán bộ, công chức xã được đào tạo trung cấp lý luận chính trị trở lên đạt 100%; 100% cán bộ, công chức có trình độ cao đẳng, đại học.

Trưởng thành từ cơ sở và giữ nhiều vị trí công tác của thôn, xã, năm 2019, anh Diệp Thanh Trường, dân tộc Sán Dìu được bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thiện Kế (Sơn Dương). Anh Trường chia sẻ, ngay khi giữ cương vị này, anh được các cấp ủy đảng xã, huyện tạo điều kiện để đi học tập, trau dồi, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Anh được tham gia các lớp bồi dưỡng về trung cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác cho cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và tập huấn các chương trình mục tiêu khác. Qua đó giúp anh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với các phong trào, các cuộc vận động do MTTQ phát động đến với người dân một cách hiệu quả.

Cán bộ xã Trung Yên (Sơn Dương) giải quyết thủ tục cho người dân tại bộ phận một cửa.

Cán bộ xã Trung Yên (Sơn Dương) giải quyết thủ tục cho người dân tại bộ phận một cửa.

Hiện toàn huyện có trên 3.000 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó người dân tộc thiểu số là 970 người, chiếm tỷ lệ 32,2%. Việc sử dụng, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số luôn đạt, vượt chỉ tiêu, mục tiêu đề ra. Hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số đều có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn phù hợp với vị trí công tác và có bản lĩnh vững vàng, có tinh thần xây dựng và đoàn kết tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật cao.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số cơ quan, đơn vị thực hiện công tác quy hoạch còn khép kín trong địa phương, đơn vị; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ đưa vào quy hoạch còn thấp. Việc đánh giá, nhận xét cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số trước và sau điều động, bổ nhiệm, luân chuyển còn hạn chế.

Ông Dương Văn Tuấn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Sơn Dương cho biết, mục tiêu của huyện là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trước mắt và lâu dài, bảo đảm có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện mục tiêu này, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 172 - KH/HU thực hiện Đề án số 15-ĐA/TU ngày 30/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2023 - 2030.

Nhiệm kỳ 2025 - 2030, huyện đặt mục tiêu cấp huyện phấn đấu tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số từ 40% trở lên; cấp xã tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số trung bình toàn huyện từ 55% trở lên. Để thực hiện mục tiêu này, huyện chủ động xây dựng, bổ sung quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý, bảo đảm về cơ cấu, có sự đổi mới, có tính kế thừa và phát triển. Thực hiện tốt các chính sách đặc thù trong tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.

Huyện tiếp tục cử đi đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng để củng cố, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Đồng thời làm tốt công tác đánh giá cán bộ nói chung và cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng, đảm bảo tính khách quan, dân chủ, đánh giá đúng năng lực, sở trường, hạn chế, nhằm bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với trình độ chuyên môn, chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bài, ảnh: Lý Thu

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/son-duong-quan-tam-ren-luyen-can-bo-dan-toc-thieu-so-180370.html