Sơn Dương chủ động phòng bệnh cúm gia cầm

Ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi gia cầm hiện được xác định giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của huyện Sơn Dương. Địa phương này đang tập trung các giải pháp bảo vệ an toàn đàn gia cầm trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Toàn huyện hiện có tổng đàn gia cầm đạt trên 1,4 triệu con. Ông Phạm Hữu Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, trên địa bàn huyện đã bước đầu hình thành vùng chăn nuôi tập trung theo hướng gia trại, trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín. Nhiều cơ sở chăn nuôi đã áp dụng kỹ thuật tiên tiến như sử dụng giống mới, thức ăn công nghiệp, bán công nghiệp, hệ thống chuồng trại được xây dựng theo hướng khép kín… Toàn huyện hiện có trên 200 trang trại chăn nuôi, 3 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP, 8 trang trại được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh. Trong đó, có 2 hợp tác xã chăn nuôi gia cầm, sản lượng 354 nghìn con, trên 40 trang trại chăn nuôi quy mô từ 1 nghìn đến 2 nghìn con.

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh kiểm tra mô hình chăn nuôi an toàn sinh học tại Hợp tác xã chăn nuôi gà Hợp Thành (Sơn Dương).

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh kiểm tra mô hình chăn nuôi an toàn sinh học tại Hợp tác xã chăn nuôi gà Hợp Thành (Sơn Dương).

Trang trại chăn nuôi gia cầm của gia đình ông Trần Văn Phúc, thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) vừa được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh năm 2019. Toàn bộ hệ thống chuồng trại được ông đầu tư theo hình thức khép kín, bán tự động. Chuồng trại nằm cách biệt, nên đàn vật nuôi của gia đình ông phát triển khỏe mạnh, không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trung bình mỗi tuần, cơ sở này xuất bán hơn 2 vạn con giống, chủ yếu cho các thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Ông Phúc cho biết, vì là cơ sở chăn nuôi lớn, nên gia đình ông áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học, từ việc đảm bảo môi trường sống cho đàn gia cầm đến việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ… nên nhiều năm nay, trang trại này không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đến thời điểm này, Sơn Dương chưa phát hiện dịch cúm gia cầm, tuy nhiên, trên địa bàn một số địa phương đã có các ổ dịch cũ tại một số xã như Tân Trào, Cấp Tiến, Văn Phú, Thanh Phát, Sơn Nam, Tam Đa, Thiện Kế… từ những năm 2010 - 2014, số gia cầm bị tiêu hủy giai đoạn này là trên 23 nghìn con, chưa có trường hợp lây sang người. Sơn Dương cũng là địa phương nằm trong danh sách các huyện có nguy cơ cao, lại giáp ranh với 3 tỉnh, có nhiều tuyến giao thông chạy qua địa bàn. Nguy cơ phát sinh dịch bệnh cũng có thể xảy đến với địa phương bất cứ lúc nào, khi hiện nay, nhu cầu tiêu dùng và lưu thông, vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm tăng cao; điều kiện thời tiết mưa ẩm, thích hợp cho bệnh cúm phát sinh. Trên địa bàn mặc dù đã hình thành một số trang trại chăn nuôi quy mô, nhưng còn lại vẫn chủ yếu là các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, ít quan tâm đến công tác tiêm vắc xin, phòng dịch. Mầm bệnh cũng tồn tại ở nhiều nơi, như từ các ổ dịch cũ, do di cư của chim trời và do thói quen ăn uống của người dân như ăn tiết canh, vứt xác, sản phẩm gia cầm bừa bãi, tiếp xúc với gia cầm không có dụng cụ bảo hộ… nên địa phương này không chủ quan với dịch bệnh, đặc biệt, khi hiện nay trên địa bàn tỉnh đã phát hiện ổ cúm gia cầm tại một số địa phương.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Hữu Tân cho biết, mặc dù chưa phát hiện cúm gia cầm trên địa bàn, nhưng Sơn Dương thực hiện các biện pháp giám sát chủ động và giám sát bị động. Theo đó, ngay cả khi chưa phát hiện cúm gia cầm, nhưng cơ quan chuyên môn đã chủ động lấy mẫu giám sát sau khi tiêm phòng để xét nghiệm, xác định các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Khi có hiện tượng gia cầm chết nhanh chóng báo cơ quan chuyên môn lấy mẫu, chẩn đoán, có kết quả chính xác việc cần làm ngay là khoanh vùng và dập trong diện hẹp thì vấn đề bùng phát không mãnh liệt như bệnh dịch tả lợn châu Phi. Năm 2019, huyện cũng đã trích ngân sách địa phương hỗ trợ gần 995 nghìn liều vắc xin tiêm phòng cúm H5N1 và H5N6 cho đàn gia cầm, trong đó đàn gà trên 920 nghìn liều, còn lại là vịt.

Ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ đàn gia cầm, Sơn Dương tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm; hướng dẫn người dân xây dựng các vùng, trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ động như vệ sinh tiêu độc khử trùng, khai báo dịch bệnh, không dấu dịch, không vứt xác gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm ra môi trường. Quan trọng nhất, là phải tiêm phòng vắc xin các bệnh truyền nhiễm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn của địa phương.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/son-duong-chu-dong-phong-benh-cum-gia-cam-133015.html