Sơn Động: Rừng xanh mang lại ấm no

Xuất phát điểm nghèo khó song đến nay, nhiều gia đình ở Sơn Động có của ăn, của để nhờ khai thác hiệu quả giá trị từ rừng trồng kinh tế.

Vươn lên thoát nghèo

Gia đình bà Đàm Thị Thao, thôn Am Hà, xã Tuấn Đạo dịp này đang thu hoạch gần 8 ha keo lai. Bà Thao phấn khởi nói: “Trước đây, toàn bộ khu rừng này bỏ hoang, cây cối, đất đai xơ xác vì bị khai thác tận kiệt. Khi nhận rừng, gia đình tôi được cán bộ hướng dẫn chọn giống keo lai chất lượng, ít sâu bệnh, sinh trưởng tốt, cứ sau 5-7 năm trồng là được thu hoạch”. Nhờ rừng mà gia đình bà Thao thoát khỏi cảnh túng thiếu, các con được học hành. Hiện gia đình đang xây nhà mới trị giá gần 2 tỷ đồng. Trừ chi phí thuê nhân công, máy móc cắt cây, vận chuyển đến cơ sở thu mua, gia đình có lãi hơn 700 triệu đồng sau một chu kỳ trồng rừng.

Gia đình bà Đàm Thị Thao, thôn Am Hà, xã Tuấn Đạo thu hoạch gỗ keo.

Thời điểm này, giá keo đang "ấm" dần nên người trồng có lãi. Gỗ keo nguyên liệu dùng để băm dăm dao động từ 1,1- 1,2 triệu đồng/tấn, gỗ băm dăm khô từ 3 -3,2 triệu đồng/tấn. Không chỉ tạo nguồn thu lớn cho các chủ rừng, người dân địa phương còn có thêm thu nhập nhờ làm các công việc cắt, tỉa, vận chuyển gỗ đến nơi chế biến với thu nhập từ 500.000-1.000.000 đồng/người/ngày.

Ông Bùi Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Tuấn Đạo cho biết: Hiện xã có hơn 4 nghìn ha rừng trồng thâm canh, chủ yếu là keo, bạch đàn. So với các loại cây khác thì trồng rừng mang lại giá trị kinh tế cao. Sau một chu kỳ khai thác, mỗi hộ thu về hàng trăm triệu đồng, có điều kiện tái sản xuất, lo cho con ăn học, đồng thời mua sắm, xây, sửa nhà ở khang trang hơn.

Không riêng hộ bà Thao, nhiều gia đình trước đây thuộc diện nghèo, cận nghèo mà nhờ rừng kinh tế nay có đời sống khấm khá. Gia đình chị Nông Thị Chinh, ở thôn Sản, xã Hữu Sản từng là hộ nghèo. Sau 10 năm khai thác gỗ rừng trồng, gia đình chị thoát nghèo, mua ô tô, xây nhà mới. Anh Tơ Văn Lai, thôn Việt Tiến, xã Giáo Liêm cũng xây nhà gần 1,2 tỷ đồng nhờ trồng rừng kinh tế kết hợp chăn nuôi gà đặc sản.

Anh Tơ Văn Lai, thôn Việt Tiến, xã Giáo Liêm xây nhà, mua xe ô tô nhờ phát triển kinh tế rừng.

Cũng có thế mạnh về lâm nghiệp, những năm gần đây, doanh thu từ khai thác gỗ rừng trồng của xã Long Sơn thường xuyên đạt từ 35- 40 tỷ đồng/năm, cao hơn nhiều lần so với doanh thu từ các ngành nghề khác. Khi đời sống ổn định, người dân có điều kiện chung tay đóng góp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các công trình tô đẹp thêm diện mạo nông thôn.

Nâng cao giá trị

Với hơn 67 nghìn ha đất rừng và đất lâm nghiệp, chiếm gần 79% diện tích đất tự nhiên, Sơn Động có thế mạnh phát triển kinh tế rừng. Những năm gần đây, đất rừng của huyện đều được phủ xanh. Người dân biết quý trọng, gìn giữ, bảo vệ và tạo ra giá trị kinh tế bền vững từ rừng. Năm 2023, toàn huyện khai thác 4,6 nghìn ha rừng trồng với sản lượng gỗ đạt hơn 570 nghìn m3. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 840 tỷ đồng, tăng 22 tỷ đồng so với năm 2022. Kinh tế rừng đã góp phần đưa số hộ nghèo giảm từ 20,9% năm 2020 xuống 15,5% vào năm 2023. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện khai thác 377 ha gỗ rừng tập trung, sản lượng đạt 41 nghìn m3, tiếp tục mang lại nguồn thu khá cho người dân nơi đây.

Năm 2023, toàn huyện khai thác 4,6 nghìn ha rừng trồng với sản lượng gỗ đạt hơn 570 nghìn m3. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 840 tỷ đồng, tăng 22 tỷ đồng so với năm 2022. Từ đầu năm đến nay, các địa phương khai thác 377 ha gỗ rừng tập trung, sản lượng đạt 41 nghìn m3.

Để phát triển kinh tế rừng bền vững, huyện triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi khuyến khích bà con trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 72%, cao gấp hai lần bình quân toàn tỉnh. Tuy vậy, đa số người dân địa phương trồng cây đến 4-5 năm là khai thác, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở thu mua, chế biến thô nên chưa phát huy hết giá trị. Trong khi rừng gỗ lớn cho lợi nhuận cao hơn.

Trước thực tế đó, năm 2023, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn giai đoạn 2024-2025; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo về phát triển rừng, nâng cao giá trị rừng trồng kinh tế.

Tại các xã, cấp ủy, chính quyền chú trọng phân tích, tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân hưởng ứng cách làm mới. Theo anh Trịnh Văn Cường, cán bộ Trạm Kiểm lâm xã Tuấn Đạo, thông thường mỗi ha rừng keo sản xuất gỗ nguyên liệu trồng với mật độ 2,2 nghìn - 2,5 nghìn cây. Khi thực hiện chuyển hóa sang trồng rừng gỗ lớn, cán bộ kiểm lâm hướng dẫn bà con chọn các loài như thông, keo lai để đưa vào sản xuất vì đây là những loài gỗ đặc, có khả năng chống đổ tốt. Thực hiện quy trình chăm sóc đúng kỹ thuật, đến năm thứ 5 tiến hành cắt tỉa chỉ để lại khoảng 800 đến 1 nghìn cây/ha nhằm tạo độ thông thoáng cho cây vươn lên, khi đủ 10-15 năm mới khai thác. Theo tính toán, trữ lượng gỗ đạt bình quân khoảng 250 m3/ha, người dân thu lợi khoảng 400 triệu đồng/ha/chu kỳ. Đến nay các xã đã chuyển hóa và trồng 850 ha rừng gỗ lớn.

Sơn Động đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn 12,6%, ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước. Ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh, huyện xác định kinh tế lâm nghiệp là ngành trọng điểm mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân. Do vậy, để hoàn thành mục tiêu trên, tạo thêm việc làm, thu nhập bền vững cho người dân, thúc đẩy giảm nghèo hiệu quả, huyện tập trung triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ xây dựng đường giao thông đồng bộ, kết nối, tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa. Hạt Kiểm lâm tăng cường quản lý, hướng dẫn người dân lựa chọn, đưa vào sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng, rõ nguồn gốc.

Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/son-dong-rung-xanh-mang-lai-am-no-074927.bbg