Sớm xử lý dứt điểm sai phạm về dự án trồng rừng của Công ty Sahabak

Năm 2009, Công ty cổ phần Sahabak đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Thanh Bình, Chợ Mới (Bắc Kạn).Công ty được tỉnh Bắc Kạn giao, cho thuê hơn 2.032 ha đất rừng thực hiện dự án trồng rừng tạo vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, Công ty Sahabak đã không quản lý, thực hiện dự án đúng quy định...

Một diện tích rừng ở xã Quảng Chu đã nhận thuê nhưng Công ty Sahabak không triển khai trồng rừng.

Quản lý yếu kém

Công ty Sahabak ra đời trên cơ sở liên kết, hợp tác giữa các đơn vị góp vốn là Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Bất động sản Sài Gòn - Đông Dương và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn. Công ty Sahabak đã xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới), hứa hẹn mang lại đột phá cho ngành lâm nghiệp của tỉnh. Ngày 11-11-2016, Bắc Kạn giao, cho thuê hơn 2.032 ha đất lâm nghiệp để công ty thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp tại các xã Quảng Chu, Thanh Bình, Yên Đĩnh (Chợ Mới). Trong đó, đất thuê hơn 1.567 ha để sản xuất, kinh doanh, đất giao quản lý hơn 465 ha rừng tự nhiên.

Những diện tích nêu trên đều ở các khu vực trọng điểm trồng rừng, đã được đầu tư làm đường và trồng cây nguyên liệu cho thu hoạch cho nên rất thuận lợi. Sau khi nhận đất, Công ty Sahabak hợp đồng với người dân để trồng rừng sản xuất. Tuy vậy, công ty chỉ cung ứng cây giống, phối hợp người dân trồng được một số diện tích không đáng kể. Hầu hết người dân phải tự bỏ vốn để trồng, chăm sóc, nhiều hộ nhận trồng mà không có thỏa thuận hay hỗ trợ từ công ty. Điều đáng nói là, Công ty Sahabak còn nợ tiền phần trăm sản lượng theo hợp đồng khoán và công khai thác của nhiều hộ dân.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu trồng hơn 20 ha keo đã đến tuổi khai thác. Rừng nhận khoán của ông được thu hồi, giao cho công ty, theo hợp đồng hai bên thì rừng do ông trồng khi khai thác ông sẽ được hưởng 15% sản lượng. Sau khi khai thác xong, công ty nợ ông tới 200 triệu đồng và đến nay mới thanh toán cho ông hơn 100 triệu đồng, chưa kể tiền công khai thác, vận chuyển. Ông Mạnh bức xúc: “Người dân thiếu đất trồng rừng mà công ty không quản lý, bỏ không thế này thật hết sức lãng phí”.

Do phần lớn đất được giao không trồng rừng, bỏ hoang, trong khi người dân thiếu đất sản xuất đã dẫn tới tình trạng nhiều hộ dân lấn chiếm đất rừng. Anh Nông Văn Sơn, thôn Làng Chẽ, xã Quảng Chu có hơn 4 ha rừng nhận khoán ở ngay sau nhà, đã thu hồi giao cho Công ty Sahabak. Thấy công ty nhận đất nhưng nhiều năm để không, trong khi gia đình không có đất sản xuất, anh Sơn đã phát cỏ, trồng rừng. Anh Sơn cho biết đang trồng keo được hai năm tuổi và cũng chỉ trồng trong đúng lô, khoảnh trước đây gia đình đã được giao khoán.

Tuy vậy, tình trạng người dân lấn đất của công ty ở xã Quảng Chu còn diễn ra ở các thôn Làng Điền, Làng Chẽ và Đồng Luông.

Ngoài để hoang đất rừng, Công ty Sahabak còn nợ nhiều công nhân tiền lương hàng trăm triệu đồng. Thí dụ như bà Bùi Thị Lanh, xã Thanh Bình (Chợ Mới) làm cấp dưỡng cho công ty. Nhiều năm, bà Lanh ứng trước tiền cá nhân để mua thực phẩm nấu ăn với số tiền hơn 400 triệu đồng nhưng đến nay, công ty vẫn chưa thanh toán cho bà. Theo Bảo hiểm xã hội huyện Chợ Mới, chỉ riêng các khoản nợ bảo hiểm của Công ty Sahabak từ tháng 1-2016 đến nay đã hơn 2,4 tỷ đồng. Công ty còn nợ UBND xã Quảng Chu khoảng 30 triệu đồng phí bến bãi khi khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng; nợ 1,3 tỷ đồng tiền thuê đất.

Chủ tịch UBND xã Quảng Chu Lê Phúc Lâu cho biết, ba thôn Làng Điền, Làng Chẽ và Đồng Luông có 348 hộ, tỷ lệ hộ nghèo của mỗi thôn đều hơn 30%. Những tưởng khi Công ty Sahabak triển khai dự án trồng rừng thì người dân sẽ có thêm việc làm và thu nhập, thế nhưng đất rừng lại bị bỏ hoang nhiều năm.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn, phần lớn diện tích đất thuê sản xuất của Công ty Sahabak nằm trên địa bàn xã Quảng Chu với hơn 1.052 ha, đến nay công ty đã giao khoán, trồng hơn 923 ha rừng, còn hơn 129 ha bỏ không. Đối với hơn 454 ha đất rừng tự nhiên được giao quản lý, công ty trồng được hơn 199 ha, còn lại hơn 255 ha để nguyên. Kiểm tra thực tế, các cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện trong số hơn 129 ha đất rừng để hoang đã quá 24 tháng liên tục kể từ thời điểm được giao, vi phạm Luật Đất đai năm 2013, thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Hơn 454 ha đất rừng tự nhiên được giao quản lý, công ty không bố trí nhân lực quản lý, bảo vệ chặt chẽ, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ rừng, để người dân phá rừng.

Sớm xử lý dứt điểm

Tháng 12-2018, Tỉnh ủy Bắc Kạn ra chủ trương đồng ý giải thể Công ty Sahabak. Công ty có văn bản đề nghị tỉnh chưa thu hồi đất để tiếp tục triển khai các hoạt động trồng rừng, bảo đảm tài sản trên phần diện tích rừng đã trồng. Tuy nhiên, khi xem xét đề nghị của Công ty Sahabak, các cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện, hàng chục năm qua, công ty không làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định. Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, tháng 10-2019, Công ty Sahabak tiếp tục có văn bản xin gia hạn tiến độ sử dụng đất. Tuy nhiên, UBND tỉnh cho rằng, toàn bộ các dự án của công ty đã dừng hoạt động từ lâu, tài sản, nhà xưởng đã bị các ngân hàng phát mại, do vậy không có cơ sở để giải quyết. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc Công ty Sahabak chưa làm thủ tục giải thể, phá sản theo quy định, ảnh hưởng trực tiếp tới việc giải quyết trả nợ tiền lương, bảo hiểm của nhiều công nhân làm việc tại nhà máy của công ty.

Đến nay, hơn 900 ha rừng sản xuất là số tài sản duy nhất còn lại của Công ty Sahabak. Nếu thực hiện thủ tục phá sản, số tài sản này bán được trước hết sẽ phải ưu tiên trả nợ ngân hàng và các khoản vay khác rồi mới đến thanh toán cho các cổ đông. Như vậy, tỉnh Bắc Kạn có nguy cơ mất gần 30 tỷ đồng vốn góp cổ đông thông qua Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn; các khoản nợ bảo hiểm, lương công nhân khó có thể được thanh toán hết. Ngoài ra, phần lớn trong số diện tích hơn 900 ha rừng đã trồng này do người dân tự bỏ vốn đầu tư trồng, Công ty Sahabak chỉ hưởng lợi khoảng 15% sản lượng sau khai thác cho nên giá trị thực công ty được hưởng cũng không nhiều. Trong năm 2019, đã nhiều lần UBND tỉnh Bắc Kạn làm việc với Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, đề xuất đơn vị làm thủ tục phá sản để xử lý tài sản trên đất, từ đó thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao, cho thuê nhưng Công ty Sahabak không chấp thuận.

Ngày 14-11-2019, UBND tỉnh Bắc Kạn ra Quyết định số 2258/QĐ-UBND thu hồi hơn 500 ha đất rừng đã giao và cho Công ty Sahabak thuê. Đối với hơn 900 ha đất đã trồng rừng, ngày 27-11, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Sahabak khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại hoạt động, hoàn thành trước ngày 31-12-2019 để tỉnh xem xét. Quá thời gian nêu trên mà công ty không có phương án hoặc phương án không khả thi thì phải giải thể, phá sản theo quy định. Trước mắt, Công ty Sahabak phải có phương án giải quyết số nợ lương, chế độ chính sách cho công nhân, người lao động. Tuy nhiên, đến thời điểm này Công ty Sahabak vẫn chưa đưa ra được kế hoạch thực hiện.

Tại Bắc Kạn hiện nay, phong trào trồng rừng đang phát triển mạnh, tỷ lệ che phủ rừng lên hơn 72%, cao nhất cả nước. Rừng trồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giúp người dân thoát nghèo, làm giàu do vậy nhu cầu trồng rừng mới rất lớn. Vì thế, tỉnh cần sớm giải quyết dứt điểm dự án trồng rừng nêu trên để thu hồi đất giao cho các tổ chức, cá nhân trồng rừng hiệu quả, không để lãng phí hoặc bị người dân lấn chiếm như thời gian vừa qua.

Bài và ảnh: TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42867202-som-xu-ly-dut-diem-sai-pham-ve-du-an-trong-rung-cua-cong-ty-sahabak.html