Sớm xây dựng Thái Bình thành tỉnh phát triển khu vực đồng bằng sông Hồng

Sáng 5/3, hơn 400 đại biểu đã tham dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình.

Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; đại biểu các bộ, ngành Trung ương; đại biểu đại sứ quán Lào tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; các tập đoàn, nhà đầu tư chiến lược…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khẳng định, đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang đến tinh thần phấn khởi, tin tưởng, đoàn kết, sự thống nhất trong toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, đồng thời mở ra một giai đoạn phát triển mới cho tỉnh Thái Bình trong năm nay và các năm tiếp theo.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khẳng định, Quy hoạch tỉnh Thái Bình được công bố là cơ sở pháp lý quan trọng giúp địa phương phát triển nhanh, bền vững hơn.

Đồng chí cho biết, nội dung Quy hoạch bảo đảm chất lượng, có tầm nhìn chiến lược, đã cụ thể hóa khát vọng phát triển; phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm.

Quy hoạch tỉnh Thái Bình xác định những định hướng lớn tạo đột phá phát triển với 3 đột phá phát triển, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế đã thể hiện khát khao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Quy hoạch tỉnh Thái Bình có nhiều điểm mới, đột phá như: mở ra không gian phát triển thông qua hoạt động “lấn biển”. Địa phương sẽ phát triển kinh tế hướng biển tạo đột phá ở lĩnh vực cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển.

Bên cạnh đó, mở rộng không gian lấn biển tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng, hình thành không gian công nghiệp-đô thị-dịch vụ đồng bộ, cảnh quan sinh thái ven biển hấp dẫn.

Trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình sẽ xây dựng hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại với thành phố Thái Bình là đô thị hạt nhân và là một trong những đô thị lớn của vùng, trở thành “đô thị xanh, hiện đại, có bản sắc riêng”; thành phố cảnh quan 2 bên bờ Trà Lý.

Ngoài ra, sau năm 2030 sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung 1 sân bay chuyên dụng ven biển Thái Bình vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc và tuyến đường sắt đi qua tỉnh Thái Bình, thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao sự đoàn kết, đồng lòng, nhất là trong tập thể lãnh đạo tỉnh sẽ đưa Thái Bình phát triển đột phá trong những năm tới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định: Quy hoạch tỉnh Thái Bình là sự cụ thể hóa khát vọng phát triển của địa phương; thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới với những định hướng, giải pháp đột phá mang tầm chiến lược dài hạn, giúp tháo gỡ các nút thắt, phân bổ hợp lý các nguồn lực và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thái Bình.

Đồng chí đánh giá, thời gian qua Thái Bình là tỉnh phát triển “nóng” về công nghiệp, nhất là thu hút các dự án FDI. Riêng trong năm 2023, số vốn FDI đăng ký đầu tư ở địa phương đã đạt 3 tỷ USD.

Lợi thế căn bản của Thái Bình chính là việc hình thành được Khu Kinh tế Thái Bình với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nổi trội, có tính cạnh tranh cao, việc tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp cũng hết sức thuận lợi.

Các đại biểu thăm gian trưng bày sản phẩm OCOP bên lề Hội nghị.

Phó Thủ tướng cho rằng, một lợi thế lớn nữa chính là sự đoàn kết, đồng lòng, nhất là ngay trong tập thể lãnh đạo tỉnh nhiệm kỳ này. Đồng chí kỳ vọng Thái Bình sẽ tiếp tục có sự bứt phá mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Đồng chí gợi mở những thách thức đặt ra trong thời gian tới của tỉnh, đó là đối với những địa phương phát triển nhanh như Thái Bình thì hành lang pháp lý sẽ không đủ kịp thời giải quyết những vướng mắc cho chính thể chế mà chúng ta xây dựng. Mặt khác việc phát triển cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được chính yêu cầu của tỉnh và cam kết với các nhà đầu tư.

Đối với việc triển khai Quy hoạch tỉnh Thái Bình hiện nay, Phó Thủ tướng nêu ra 4 từ để địa phương lưu ý thực hiện cho thật tốt, đó là: tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về Quy hoạch tỉnh đến các địa phương, đơn vị, các tầng lớp nhân dân.

Tại Hội nghị, đồng chí Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình thay mặt lãnh đạo tỉnh tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Ngay sau đây, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Quy hoạch tới các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân.

Tỉnh Thái Bình trao chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 9 nhà đầu tư, với tổng số vốn gần 10 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh phân công rõ đầu mối, rõ người, rõ việc, đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, mà trước hết là của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cấp chính quyền chỉ đạo khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, nhất là các quy hoạch về đất đai, xây dựng…bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/som-xay-dung-thai-binh-thanh-tinh-phat-trien-khu-vuc-dong-bang-song-hong-post798714.html