Sớm gỡ vướng giải phóng mặt bằng các dự án

ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất nhưng chậm triển khai thực hiện; có dự án đã triển khai nhưng chậm tiến độ so với kế hoạch, trong đó có cả những dự án trọng điểm của tỉnh. Các dự án chậm tiến độ chủ yếu do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng.

Công nhân Công ty TNHH Ðức Ðoàn thi công Dự án Kè chống sạt lở 2 bên bờ suối Huổi Lé, xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên).

Toàn tỉnh có 16 dự án thủy điện đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công xây dựng, với tổng công suất lắp máy 184,1mW và 6 dự án thủy điện đang thi công với công suất 123mW. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này chậm tiến độ. Bên cạnh đó, có 3 dự án, công trình đã có quyết định giao đất và cho thuê đất (với diện tích 174,1ha) nhưng chậm triển khai thực hiện, gồm: Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh; Dự án Xây dựng khu trung tâm huyện lỵ huyện Ðiện Biên; Dự án Bến xe Thanh Minh. Hiện nay một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh sử dụng vốn đầu tư công, vốn ODA bị chậm tiến độ thực hiện so với kế hoạch, do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư, như: Chương trình Ðô thị miền núi phía Bắc tỉnh Ðiện Biên; Dự án Ðường 60m; Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung...

Dự án Thủy điện Mùn Chung 2 (huyện Tuần Giáo) có công suất lắp máy 9mW. Theo kế hoạch, dự án triển khai thi công từ năm 2016 và đưa vào khai thác hoạt động năm 2019. Tuy nhiên, đến nay dự án mới thi công hoàn thành trên 80% khối lượng, dự kiến hoàn thành và phát điện trong quý II/2021. Dự án Thủy điện Nậm Pay (huyện Tuần Giáo), công suất lắp máy 7,5mW được thi công từ năm 2007, đến nay mới hoàn thành việc xây lắp. Hiện tại dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và tích nước hồ chứa… Ðây là 2 trong số nhiều dự án thủy điện chậm tiến độ thi công so với kế hoạch đề ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, nhưng chủ yếu liên quan đến giải phóng mặt bằng; công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và chưa có chuyên gia của nhà thầu thực hiện công tác thí nghiệm hiệu chỉnh, nghiệm thu chạy không tải (do chuyên gia là người nước ngoài chưa nhập cảnh bởi dịch Covid-19).

Ðể đẩy nhanh tiến độ các dự án thủy điện, UBND tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà đầu tư và các sở, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, hoàn chỉnh thủ tục liên quan đảm bảo các điều kiện sớm hoàn thành dự án; kiến nghị bộ, ngành Trung ương tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình truyền tải 110kV và các trạm biến áp 110kV.

Chương trình Ðô thị miền núi phía Bắc trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh. Dự án chia thành 2 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 (2015 - 2017 với 3 hạng mục và đã hoàn thành) và giai đoạn 2 (2017 - 2020 với 6 hạng mục), với tổng mức đầu tư hơn 732 tỷ đồng. Ðể thực hiện dự án, tổng diện tích đất phải thu hồi 30,8ha của 893 hộ gia đình, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, hiện nay còn 3,2ha liên quan đến 54 hộ gia đình, cá nhân và 1 tổ chức chưa thực hiện bàn giao mặt bằng. Trong đó, hạng mục đường từ cầu A1 đến cầu C4 còn 0,38ha của 28 hộ và hạng mục khu tái định cư Him Lam còn 2,82ha của 16 hộ, cá nhân và 1 tổ chức. Hiện nay, giai đoạn 2 mới chỉ có hạng mục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các khu LIA2, LIA4, LIA5 đã hoàn thành, các hạng mục còn lại đều chậm tiến độ. Thời gian theo Hiệp định vay vốn (31/6/2021) là không đủ để đảm bảo hoàn thành 4 hạng mục còn lại. Nguyên nhân trước hết là vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, nguồn vốn không đáp ứng được yêu cầu thực tế; mặt khác việc tiếp nhận vốn ODA theo cơ chế của Chương trình còn nhiều khó khăn dẫn đến việc giải ngân chậm. Chương trình được triển khai theo phương thức giải ngân dựa trên kết quả là phương thức đầu tiên áp dụng tại Việt Nam cho loại hình dự án nâng cấp phát triển hạ tầng đô thị với các hạng mục đầu tư có tính chất phức tạp, thời gian thi công kéo dài, giá trị chi phí đầu tư lớn… đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện dự án.

Ðể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án, TP. Ðiện Biên Phủ đề nghị tỉnh kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện dự án và thời gian có hiệu lực của Hiệp định vay vốn thêm 12 tháng (tức đến 30/6/2022). Ðối với những nội dung khác như: Thủ tục liên quan đến thiết kế điều chỉnh, đề nghị tỉnh hợp nhất 2 giai đoạn dự án thành 1 giai đoạn để tận dụng tối đa nguồn kinh phí dự phòng chưa sử dụng của giai đoạn 1. Ðể đảm bảo tính pháp lý và thẩm quyền thực hiện ký kết điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng dự án Khu tái định cư các hộ dân đường 15m từ cầu A1 đến cầu C4 với nhà đầu tư, cho phép UBND thành phố (đơn vị được ủy quyền ký kết hợp đồng dự án) và nhà đầu tư được thực hiện thương thảo, điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng dự án. Trong công tác giải phóng mặt bằng, đề nghị hội đồng thẩm định giá và các sở, ngành liên quan sớm tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung giá đất, giá tài sản cụ thể để thành phố làm cơ sở tính toán, bồi thường khi thực hiện dự án. Ðồng thời, đề nghị tỉnh xem xét đồng ý về chủ trương cho phép thực hiện các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như: Giao đất ở có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá đối với các hộ gia đình làm nhà trên đất 5% là người dân tộc thiểu số, không có đất ở, nhà ở nào khác; giao đất ở có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá đối với các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi nhiều đất sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo đời sống cho người dân sau khi thực hiện thu hồi đất, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.

Bài ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/185532/som-go-vuong-giai-phong-mat-bang-cac-du-an-