Sớm điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế

9 tháng đầu năm, ngành du lịch đón 8,9 triệu lượt khách quốc tế, vượt kế hoạch cả năm (8 triệu lượt). Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến báo cáo Chính phủ nâng mục tiêu năm nay lên 12,5 - 13 triệu lượt khách. Các doanh nghiệp cho rằng, điều chỉnh mục tiêu là động thái tích cực và cần công bố sớm để triển khai ngay.

Du lịch quốc tế “cán đích sớm”

Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 8,9 triệu lượt, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tháng 9, đón trên 1 triệu lượt, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp du lịch Việt Nam đón trên 1 triệu khách quốc tế. Khách đến bằng đường hàng không chiếm 87,5%, đường bộ chiếm 11,8%, còn lại là đường biển. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng của năm 2023 tăng 16%; du lịch lữ hành tăng 47,7% so với cùng kỳ năm 2022.

9 tháng năm 2023, Việt Nam đã đón 8,9 lượt khách quốc tế. Nguồn: ITN

9 tháng năm 2023, Việt Nam đã đón 8,9 lượt khách quốc tế. Nguồn: ITN

Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 9 tháng đầu năm với gần 2,6 triệu lượt (chiếm 29% tổng lượng khách). Thị trường Trung Quốc đã vượt mốc 1 triệu lượt, xếp ở vị trí thứ 2; Đài Loan (Trung Quốc) vượt qua Mỹ lên vị trí thứ 3 với khoảng 575 nghìn lượt; Mỹ xếp thứ 4 với khoảng 548 nghìn lượt; Nhật Bản đứng vị trí thứ 5 với khoảng 414 nghìn lượt.

Một số thị trường lớn có mức độ phục hồi rất tốt so với cùng thời điểm trước dịch như Mỹ (96,4%) Hàn Quốc (82,3%), Đài Loan (85,3%). Các thị trường Đông Nam Á phục hồi khả quan: Malaysia (76,9%), Philippines (84%). Đặc biệt, một số thị trường thậm chí đã cao hơn so với cùng thời điểm trước dịch: Thái Lan (101,7%); Singapore (106,5%); Campuchia (267,1%). Ở Nam Á, thị trường Ấn Độ cũng có bước phục hồi ấn tượng (240%).

Tín hiệu lạc quan cũng đến từ các thị trường chính ở châu Âu: Đức phục hồi tốt nhất với 87,1%; Tây Ban Nha đạt 82,4%; Anh đạt 78,9%; thấp hơn một chút là Italy (76,7%), Pháp (71,9%). Tuy nhiên, thị trường truyền thống Trung Quốc mới đạt tỷ lệ phục hồi 28,2%. Ở thời điểm trước dịch, thị trường Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương, cho biết, công ty đang chú trọng vào những thị trường trọng điểm tại Đông Nam Á và trong 9 tháng đầu năm, các thị trường này cũng tăng trưởng tốt như Thái Lan, Malaysia. Tình hình phục hồi du lịch của doanh nghiệp đã đạt 80 - 90% so với năm 2019 và hiện đã có kế hoạch tour đến đầu quý I.2024.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tính toán, từ nay tới cuối năm, mỗi tháng ít nhất có thể đón 1,1 - 1,2 triệu lượt khách quốc tế, nhất là trong tháng 12, vào dịp Giáng sinh và năm mới. Bộ sẽ báo cáo Chính phủ thay đổi chỉ tiêu đón khách quốc tế từ 8 triệu lên 12,5 - 13 triệu lượt khách, tăng khoảng 156% so với kế hoạch ban đầu.

Đón 12,5 - 13 triệu lượt khách quốc tế có khả thi?

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết, cộng đồng du lịch đã đề xuất điều chỉnh mục tiêu từ quý II.2023. Chỉ đạo của Chính phủ tại các diễn đàn cũng nhiều lần đề cập cần điều chỉnh mục tiêu đón khách. Nhìn sang nước bạn, Thái Lan cũng đã điều chỉnh mục tiêu đón 30 triệu lượt khách trong năm 2023. "Nếu Bộ đã có kế hoạch như vậy, cần triển khai nhanh và công bố luôn để địa phương, doanh nghiệp cố gắng phấn đấu", ông Dũng nói.

Về mục tiêu cụ thể, ông Dũng cho rằng, nâng lên 12 triệu lượt khách là phù hợp nhất. Chỉ còn 3 tháng cuối năm, mỗi tháng trung bình đón 1 - 1,1 triệu lượt khách thì cuối năm đạt 12 triệu là hợp lý, nhất là hiện nay thị trường Trung Quốc vẫn chưa hồi phục.

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, khi đặt mục tiêu cao hơn thì cần có những chương trình hành động để đạt được. Theo đó, cần xây dựng sản phẩm du lịch "đinh", có chủ đề rõ ràng để đẩy mạnh truyền thông, có chiến lược, chiến dịch xuyên suốt. Mở rộng, thu hút thêm các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ… Đồng thời, các sản phẩm du lịch cũng cần nổi trội hơn,với nhiều chương trình khuyến mãi có sức hút… Về dài hạn cho năm tới, cần tập trung ngân sách quảng bá xúc tiến du lịch; xây dựng mạng lưới văn phòng đại diện ở nước ngoài để quảng bá; nâng cao vai trò của các Đại sứ quán ở nước ngoài để quảng bá du lịch Việt Nam…

Tương tự, ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Đà (Viet Da Travel), cho rằng, để đạt được mục tiêu phải điều chỉnh chính sách phù hợp. Cụ thể là đẩy mạnh các thị trường trọng điểm, tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách...

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/som-dieu-chinh-muc-tieu-don-khach-quoc-te-i346391/