Sớm chấm dứt tâm lý “ăn xổi”

KTĐT - Với 1,5 tỷ USD giá trị, năm 2013, ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) tiếp tục lọt vào nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu (XK) lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn lại 3 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng XK mặt hàng này chỉ dao động trong khoảng 6 - 8%/năm, bằng 1/2 so với những năm trước đó.

Bức tranh ít điểm sáng
Theo Hiệp hội XK hàng TCMN Việt Nam (Vietcraft), giai đoạn 2000 - 2009, kim ngạch XK TCMN luôn tăng trưởng 12%/năm, có năm tới 18%, nhưng từ 2010 lại đây, dù kim ngạch vẫn tăng song tốc độ chỉ còn 6%. Tới 30% DN trong ngành không có lãi, phải thu hẹp hoặc ngừng sản xuất. Năm 2013, XK hàng TCMN tăng trên 15%, nhưng lợi nhuận của DN đã giảm tới 10%.
Theo ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Vietcraf, Việt Nam đã có một số chính sách phát triển ngành TCMN, song đến nay, việc triển khai gần như "dậm chân tại chỗ". Mặc dù năm 2008, Việt Nam đã có quy hoạch vùng nguyên liệu cho ngành TCMN, rồi Quyết định 11/2011/QĐ-TTg ngày 18/2/2011 về chính sách phát triển ngành mây tre… nhưng thực tế thực hiện chưa được bao nhiêu. Ngoài ra, ngành cũng thiếu hạ tầng về thiết kế, xúc tiến thương mại…

Làm hàng mây tre đan xuất khẩu tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Trần Việt

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Vũ Hy Thiều - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế HTX (Liên minh HTX Việt Nam), thành viên Ban cố vấn Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng: Nguyên nhân khiến kim ngạch XK TCMN suy giảm là mẫu sản phẩm không phù hợp xu thế hiện đại. Ngoài ra, chất lượng hàng kém, xuất phát từ chất lượng nguyên liệu thấp, gia công ẩu - chủ yếu do DN trả công quá thấp. Trên thực tế, hầu hết mẫu mã của sản phẩm TCMN XK hiện nay được "nhào nặn" và sử dụng trong nhiều năm. Trong khi đó, các nghệ nhân sáng tạo mẫu theo kinh nghiệm, cảm hứng, không được đào tạo về kỹ năng thiết kế, thiếu kiến thức thị trường…, nên tính thời sự và ứng dụng của mẫu sản phẩm không cao.
Thực tế, bản thân DN trong ngành đã nhận ra "tác hại" của việc tái sử dụng nhiều lần mẫu sản phẩm cũ, song phần lớn khi giải thích về việc "biết nhưng không thay đổi" là do không đủ lực để đầu tư cho thiết kế, nghiên cứu thị trường. Công ty TNHH XNK Phú Tuấn (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã sản xuất hàng trăm mẫu hàng mỗi năm nhưng chủ yếu vẫn là lẵng hoa, giỏ đựng, đĩa… Đây đều là những sản phẩm dễ sản xuất, dễ tiêu thụ nhưng giá trị không cao. Lãnh đạo DN này cho biết cũng muốn chuyển sang sản xuất mặt hàng mới, giá trị cao hơn nhưng chi phí để duy trì đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp quả thực quá sức của DN.
Cạnh tranh bằng sự khác biệt
Trong môi trường chung nhiều thách thức, không ít DN, làng nghề không vượt qua được sóng gió, phải dừng sản xuất hoặc sống lay lắt. Thế nhưng, vẫn có những DN đã vươn lên "sống khỏe": Công ty TNHH Gốm sứ mỹ nghệ Quang Vinh; Công ty TNHH Ngọc Sơn (Hà Nội) XK 10 - 15 triệu USD/năm; Công ty CP XNK Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) XK trên 20 triệu USD/năm; Công ty TNHH Sơn mài Nhật Linh XK gần 2 triệu USD/năm…
Về bí quyết thành công của các DN này, ông Lê Bá Ngọc cho rằng, họ biết cạnh tranh bằng sự khác biệt, có chiến lược phát triển hợp lý và rõ ràng. Cụ thể, trong khi cả làng nghề Bát Tràng còn đang sản xuất dòng gốm rất dày, thì Quang Vinh đã phối hợp với các nhà thiết kế Đan Mạch phát triển dòng gốm mỏng, tạo ra thị phần riêng, từ đó mở cánh cửa vào thị trường EU. Hay, Công ty TNHH Sơn mài Nhật Linh, không sản xuất sản phẩm đại trà, giá rẻ mà tập trung vào một dòng sản phẩm tinh tế, giá thành cao… Thực tế, những DN này đầu tư phát triển sản phẩm mới, không thay đổi hoàn toàn về chất lượng, công nghệ đang sử dụng mà thường có tính sáng tạo, kết hợp giữa nguyên vật liệu cũ với thiết kế mới.
Theo ông Lê Bá Ngọc, thị trường XK hàng TCMN thế giới đã bước qua giai đoạn cạnh tranh bằng giá cả, chất lượng mà chuyển sang cạnh tranh bằng sự khác biệt. Việc hợp tác với các nhà thiết kế, trung tâm thiết kế chuyên nghiệp để có những mẫu sản phẩm đúng xu hướng thị trường là giải pháp hữu hiệu cho những DN nhỏ, chưa đủ sức đầu tư một đội ngũ thiết kế riêng. Vietcraft đang rà soát để xây dựng chiến lược phát triển cho ngành trong những năm tiếp theo, dự kiến cuối năm 2014 sẽ trình Chính phủ. Trong đó, Hiệp hội không đặt mục tiêu tăng trưởng bao nhiêu mà có thể phấn đấu tăng gấp đôi về đóng góp ngân sách. "Về lâu dài, ngành TCMN sẽ tổ chức sản xuất theo 2 hướng chuyên biệt là sản xuất sản phẩm đại trà và sản xuất chất lượng cao. Để làm được điều này, Vietcraft sẽ hình thành 50 - 70 DN lớn làm hàng giá rẻ, đồng thời duy trì các làng nghề truyền thống dưới dạng bảo tồn, sản xuất sản phẩm có giá trị cao" - ông Ngọc nói.

"Nghệ nhân sáng tác mẫu TCMN của Việt Nam không phải không thể sáng tạo ra mẫu sản phẩm mới, nhưng tình trạng "ăn cắp" bản quyền diễn ra tràn lan, khiến người thợ nản lòng. Bởi vậy, một chính sách tốt về sở hữu trí tuệ, trong đó quy định nghiêm ngặt về xử phạt hành vi sao chép mẫu mã là rất cần thiết hiện nay. Đồng thời, Nhà nước nên khuyến khích mở các lớp đào tạo thiết kế mẫu sản phẩm TCMN." - Ông Vũ Hy Thiều - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế HTX

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.vn/kinh-te/tin-tuc/2014/02/81022a7a/som-cham-dut-tam-ly-an-xoi/