Sôi nổi khí thế thi đua lao động trên các công trình trọng điểm

Khi những tờ lịch cuối cùng của năm 2023 rời đi cũng là thời gian các công trình trọng điểm của tỉnh vào giai đoạn 'nước rút'. Khí thế lao động sôi nổi, khẩn trương để đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình không chỉ thể hiện quyết tâm của các ngành, địa phương trong việc nỗ lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật của tỉnh ngày càng khang trang, hiện đại mà còn thể hiện niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Dự án nâng cấp tuyến đường chính vào Khu du lịch Kênh Gà-Vân Trình (giai đoạn 1) đang dần hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Ảnh: Anh Tuấn

Xây dựng các công trình thiết chế văn hóa hiện đại, thiết thực phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; tạo cơ hội mở rộng giao lưu, sáng tạo những giá trị văn hóa tinh thần, vật chất, đồng thời cũng là thượng tầng kiến trúc, liên quan đến việc định hình và giữ vững bản sắc văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng khi Ninh Bình hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Hoa Lư tương lai trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ. Chính vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII đã xác định Dự án xây dựng Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình là công trình trọng điểm cần tập trung đầu tư. Đây là công trình có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của Nhân dân, là một thiết chế trong lĩnh vực văn hóa ở địa phương.

Đồng chí Tống Đức Long, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết: Xác định tầm quan trọng của Dự án, Ban Quản lý dự án đã tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc đảm bảo theo quy định và tuyển chọn kiến trúc tối ưu nhất cho công trình; bám sát phương án kiến trúc được chọn, triển khai theo đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo chất lượng, kỹ, mỹ thuật. Được biết, công trình Nhà văn hóa trung tâm tỉnh có diện tích xây dựng là 2.850 m2 với đầy đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật như sân vườn tiểu cảnh, các công trình phụ trợ; hệ thống âm thanh, ánh sáng và hội trường... Với vị trí xây dựng ở trung tâm thành phố Ninh Bình, công trình Nhà văn hóa trung tâm tỉnh là điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan đô thị và văn hóa của thành phố.

Theo kế hoạch, Nhà văn hóa trung tâm tỉnh sẽ là nơi tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống mang sắc thái văn hóa đặc trưng của tỉnh Ninh Bình với quy mô 750 chỗ ngồi phục vụ biểu diễn văn nghệ, giao lưu văn hóa nghệ thuật hiện đại, nơi học tập, sáng tạo nghệ thuật. Đây cũng là công trình văn hóa thúc đẩy giao lưu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Đồng thời tạo không gian riêng cho các hoạt động cộng đồng, khuyến khích bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, công trình sẽ là điểm tham quan lý tưởng của khách du lịch khi đến với Ninh Bình.

Sau 3 năm xây dựng, đến nay Dự án đã hoàn thành hầu hết các hạng mục xây lắp và nhà thầu đang triển khai hạng mục nội thất, đảm bảo về đích đúng hẹn vào cuối tháng 12/2023. Giai đoạn này trên công trình Nhà văn hóa trung tâm tỉnh, đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, vật lực để thi công hạng mục cuối cùng và tiến hành chạy thử nghiệm trước khi bàn giao.

Ông Cao Hồng Sơn, đại diện nhà thầu thi công chia sẻ: Chúng tôi đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng của Dự án như: nội thất, hệ thống điện, nước, hệ thống điều hòa, âm thanh, ánh sáng, hệ thống thảm sàn… Dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023, theo đúng kế hoạch đề ra.

Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện quan điểm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về đầu tư công, yêu cầu tập trung triển khai nhanh gọn, dứt điểm từng dự án, đưa vào khai thác sử dụng sớm, phát huy hiệu quả đầu tư, làm cơ sở và động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, do vậy đã bố trí nguồn vốn tập trung, ưu tiên cho các dự án trọng tâm và các dự án có khả năng hoàn thành sớm.

UBND tỉnh tiếp tục quyết tâm cao trong triển khai thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công, trong đó nhiều dự án đã và đang tập trung cao độ để hết năm 2023 hoàn thành, thông xe kỹ thuật một số tuyến như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 và kết nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 12B, tỉnh Ninh Bình quyết tâm đến hết năm 2023 cơ bản hoàn thành, đưa vào vận hành, khai thác cầu và các tuyến (tuyến B, tuyến D, tuyến G); Dự án xây dựng cầu vượt sông Vân và đường dẫn phía Tây sông Vân; Tuyến đường T21; Dự án nâng cấp tuyến đường chính vào Khu du lịch suối Kênh Gà và động Vân Trình (giai đoạn 1); Tuyến đường bộ ven biển (giai đoạn 1)…

Đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, đơn vị được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư Dự án nâng cấp tuyến đường chính vào khu du lịch suối Kênh Gà và động Vân Trình (giai đoạn 1) cho biết: Dự án (giai đoạn 1) có tổng chiều dài gần 5,5 km, tổng mức đầu tư 179,5 tỷ đồng. Mục tiêu đầu tư nhằm tạo sự kết nối đồng bộ về hạ tầng giao thông giữa Khu du lịch suối Kênh Gà và động Vân Trình với Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính và Khu du lịch sinh thái Tràng An; phát triển tiềm năng du lịch tại khu sinh thái bên hữu sông Hoàng Long. Đồng thời, phục vụ phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội cho nhân dân trong vùng dự án; góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn, tạo thuận lợi phát triển và mở rộng đô thị tương lai.

Như vậy, đây là tuyến đường trọng yếu kết nối liên vùng, kết nối các điểm du lịch quan trọng trên địa bàn nên phải đảm bảo đúng tiến độ. Dự án phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, khai thác hiệu quả tuyến đường để người dân được hưởng lợi. Theo kế hoạch đề ra, Dự án sẽ được hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 12/2023. Đến nay nhà thầu đã thi công cơ bản hoàn thành, đang thảm mặt đường. Giá trị khối lượng hoàn thành đạt trên 90% so với hợp đồng.

Con đường dần hình thành đã góp phần "thay da đổi thịt" cho các vùng quê bấy lâu nay được xem là vùng trũng về giao thông. Anh Nguyễn Văn Năm, xóm 4, xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan chia sẻ: Trước đây khi chưa có tuyến đường này, xóm chúng tôi chỉ là xóm ven núi, đi lại rất khó khăn. Từ khi Nhà nước triển khai xây dựng tuyến đường, ai cũng mừng vui và đồng lòng ủng hộ. Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên thực hiện giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện về mặt bằng cho nhà thầu thi công thuận lợi, nhanh chóng. Chúng tôi mong muốn công trình sớm hoàn thành để người dân đi lại dễ dàng và giúp việc mở rộng tiêu thụ hàng hóa nông sản của bà con thuận lợi hơn.

Với quyết tâm chính trị đưa Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10, ngày 14/12/2021 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là cơ sở để xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách tạo đột phá mới, thúc đẩy phát triển vùng. Cùng với đó, trong giai đoạn 2021-2030, công tác quy hoạch ngành giao thông đang được xây dựng đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Ninh Bình cũng tranh thủ các nguồn lực để tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh, mở rộng dư địa, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư chiến lược tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội và củng cố an ninh-quốc phòng.

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/soi-noi-khi-the-thi-dua-lao-dong-tren-cac-cong-trinh-trong/d20231229092844811.htm