Sôi nổi, đặc sắc tại Hội đua ghe Ngo - Nghi thức tiễn thần truyền thống của người Khmer

Lễ đua ghe Ngo được tổ chức trong sinh khí tưng bừng của Lễ hội Ok Om Bok, Lễ hội cúng trăng truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng.

Lễ đua ghe Ngo được tổ chức hàng năm trong dịp lễ Ok Om Bok.

Lễ hội được tổ chức nhằm động viên, thúc đẩy phong trào tập luyện và thi đấu môn đua ghe Ngo để bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa - thể thao đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer.

Khác với nghi thức Lễ Ok Om Bok để tạ ơn thần mặt Trăng đã ban cho một mùa màng tươi tốt, Lễ đua ghe Ngo mang ý nghĩa đưa tiễn thần Nước sau vụ mùa bội thu.

Người dân hai bên bờ sông Long Bình cổ vũ cho các đội đua.

Theo quan niệm dân gian, chiếc ghe Ngo (Tuk Ngo) đã xuất hiện ở đồng bằng từ lâu đời. Xuất phát từ hình ảnh con rắn trườn đi trên mặt nước, người dân nơi đây đã tạo dáng chiếc ghe Ngo như con rắn cho gọn nhẹ, dễ bơi. Tuy vậy, biểu tượng của ghe Ngo mỗi nơi lại không giống nhau: ghe Ngo Chùa Champa (Sóc Trăng) là con cọp, chùa Ông Mek (Trà Vinh) lại là con cá nược… Người Khmer tin rằng, trong quá trình thi đấu, ghe Ngo sẽ lao đi với tốc độ nhanh và mạnh như con vật được chọn làm biểu tượng.

Sôi nổi trên dòng đua ghe Ngo.

Ngày nay, ghe Ngo chỉ được sử dụng vào việc thi đấu. Mỗi hoạt động liên quan đến ghe đều phải cử hành lễ cầu xin như: lễ khởi công, lễ khánh thành, lễ mặc áo cho ghe Ngo. Mỗi chiếc ghe Ngo là do một ngôi chùa, đại diện cho một hay nhiều phum sóc người Khmer, tạo ra để tham gia tranh tài.

Thông qua các hoạt động thể thao như đua ghe Ngo, bóng chuyền, bóng đá, nhảy bao, chạy vòng quanh ao, đập nồi, kéo co, đẩy gậy....nhằm tạo không khí vui tươi lành mạnh góp phần nâng cao sức khỏe, phục vụ tốt cho lao động sản xuất.

Lễ hội đua ghe Ngo có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt, góp phần giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên, rèn luyện thể chất, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người ngày càng phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ. Đây còn là hoạt động thể hiện được tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết tạo thành sức mạnh vô song, niềm tự hào dân tộc.

Thanh Phong

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/goc-van-hoa/soi-noi-dac-sac-tai-hoi-dua-ghe-ngo-nghi-thuc-tien-than-truyen-thong-cua-nguoi-khmer-149460.html