Sôi động thị trường pháo hoa trái phép trên mạng xã hội gần Tết 2024

Gần đến Tết Nguyên đán 2024, thị trường pháo hoa trên mạng xã hội lại rất sôi động nhưng không phải ai cũng biết rằng, buôn bán pháo hoa trên mạng xã hội là hành vi trái pháp luật.

Tết Nguyên đán 2024, người dân được phép sử dụng những loại pháo hoa không gây tiếng nổ do Công ty TNHH Một thành viên hóa chất 21 (Nhà máy Z121) thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất.

Theo quy định, cá nhân mua và sử dụng pháo hoa chỉ được thực hiện thông qua các đại lý ở 56 tỉnh, thành trên toàn quốc và cửa hàng của Công ty TNHH Một thành viên hóa chất 21 (Nhà máy Z121) thuộc Bộ Quốc phòng. Mỗi người dân được mua tối đa 3 giàn pháo hoa tại các cửa hàng này.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Sức khỏe và Đời sống, tình trạng mua bán pháo hoa không tiếng nổ đang diễn ra một cách công khai trên các nền tảng mạng xã hội.

Chỉ cần tìm kiếm trên Facebook với từ khóa "mua pháo hoa" sẽ cho ra nhiều tài khoản cá nhân và hội nhóm mua bán khác nhau như Pháo Tết 2024, Hội chơi pháo hoa... thu hút hàng nghìn người theo dõi với hàng trăm lượt bình luận, chia sẻ, giao dịch, mua bán.

Nhiều bài đăng bán pháo hoa trên mạng xã hội. (ảnh chụp màn hình).

Tại hội nhóm Pháo Tết 2024, các tài khoản cá nhân thường xuyên đăng tải hình ảnh pháo hoa, giá bán với nhiều loại mẫu mã khác nhau. Ví dụ như pháo hoa phun viên nén có giá khoảng 230.000 - 350.000 đồng/giàn, giàn phun hoa có giá khoảng 400.000 đồng/giàn...

Điều đặc biệt, dưới những bài đăng trên những hội nhóm này không cung cấp tên đơn vị, cửa hàng, địa chỉ mua bán cụ thể. Các giao dịch chỉ thông qua số điện thoại hoặc tin nhắn kín.

Anh T.N.T (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Tôi thấy nhiều người đăng trên facebook bán pháo hoa, sau khi liên hệ người bán, tôi được báo giá 450.000/giàn. Khi nhận hàng sẽ thực hiện thanh toán cho nhà xe hoặc chuyển khoản trực tiếp cho người bán".

Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng đã tiến hành rà soát, bắt giữ nhiều đối tượng vận chuyển, buôn bán pháo hoa trái phép. Điển hình như ngày 4/12, Công an tỉnh Lai Châu phát hiện, thu giữ 112kg pháo lậu chuyển về Việt Nam qua đường biên giới. Đường dây do đối tượng Lùng A Dào (sinh năm 1996, ở bản Cò Ký, xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ) cầm đầu.

Về vấn đề mua bán pháo hoa trên các nền tảng mạng xã hội, Luật sư Mai Anh Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định: "Kinh doanh pháo hoa là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Mặc dù sản phẩm được rao bán có thể là pháo hoa do Nhà máy Z121, Bộ Quốc phòng sản xuất, tuy nhiên việc mua đi, bán lại các sản phẩm này trên mạng xã hội lại là hành vi vi phạm pháp luật".

Người dân nên mua pháo hoa tại những đại lý đảm bảo điều kiện kinh doanh trên thị trường.

Tại Khoản 2, Điều 14, Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định việc kinh doanh pháo hoa phải bảo đảm các điều kiện. Đó là chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa. Đồng thời phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.

Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy và chữa cháy. Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn. Chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Việc mua bán, tàng trữ khi mua bán qua các trang mạng xã hội đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người dân sau khi mua nộp lại hóa đơn, chứng từ mua cho công an nơi cư trú và dự định sử dụng để quản lý.

Đan Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/soi-dong-thi-truong-phao-hoa-trai-phep-tren-mang-xa-hoi-gan-tet-2024-169231205120509554.htm