Sôi động du lịch trong kỳ nghỉ lễ ở Yên Bái

Để đón các sự kiện du lịch dịp nghỉ lễ, Yên Bái đã có kế hoạch cụ thể, chi tiết, chu đáo nhằm quảng bá thương hiệu và phục vụ khách du lịch.

Một điệu xòe Thái tại thị xã Nghĩa Lộ.

Tại Nghĩa Lộ, từ ngày 25/4 diễn ra hội thi “Lung linh vòng xòe” để trình diễn những điệu xòe đẹp nhất, trong đó có sáu điệu xòe Thái cổ được trình diễn trong các đêm 28 và 29/4. Chương trình “Âm vang hồ Thác” khởi động các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước và trải nghiệm ẩm thực vùng hồ Thác Bà, trải nghiệm nghệ thuật trình diễn “Khảm hải” trong hát Pựt của người Tày xã Xuân Lai, huyện Yên Bình.

Không thể thiếu trong hoạt động nông nghiệp vùng cao là việc làm ruộng bậc thang của đồng bào H’Mông mùa mưa, dịp này tại đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải diễn ra hoạt động dù lượn “Bay trên mùa nước đổ” cùng các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật khèn H’Mông, thi làm bánh dày, chọi dê.

Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng tại thị trấn Trạm Tấu.

Tại Trạm Tấu, với tiềm năng, lợi thế về văn hóa, cảnh quan, nguồn suối khoáng nóng tự nhiên, diện tích rừng hơn 74.600ha, cùng với bản sắc văn hóa các dân tộc đặc sắc và đậm nét.

Những năm gần đây, huyện vùng cao Trạm Tấu đã có những bước tiến rõ rệt trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống nhân dân, đặc biệt đang là điểm đến du lịch nghỉ dưỡng và du lịch khám phá mạo hiểm.

Các điểm đến như tắm khoáng nóng, rừng thông eo gió, săn mây Tà Xùa, chinh phục nóc nhà Yên Bái đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.979m, đứng thứ bảy về độ cao ở Việt Nam, được các tour du lịch đặt lịch.

Anh Hoàng Văn Hưng, quản lý Na Thẩm Eco Hill Homestay cho biết, do nằm liền kề khu sinh thái suối khoáng nóng Trạm Tấu của hợp tác xã Cường Hải tại thị trấn Trạm Tấu, dịp nghỉ lễ này hiện đã kín phòng. Do niêm yết công khai và đặt phòng trước, nên giá phòng không tăng (giá từ 800 nghìn đến một triệu đồng/phòng, phòng cộng đồng giá 2,5 triệu đồng).

Tại đây, du khách được thưởng thức các món xôi ngũ sắc thơm dẻo chấm muối vừng, trứng kiến trộn trứng gà rán béo ngậy, bùi bùi, canh khoai sọ dẻo thơm nấu với xương hầm, măng sặt giòn sần sật om với sườn heo. Quà núi rừng được du khách mua về xuôi là nếp nương, lẩu cáy, măng sặt gai, khoai sọ nương, cá suối, măng tươi và các đặc sản khác.

Du khách đến với đồng bào Dao huyện Yên Bình.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vũ Thị Mai Oanh cho biết, phát huy kết quả của quý I/2023 Yên Bái đón hơn 492.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế hơn 11.200 lượt. Doanh thu du lịch ước đạt 343,2 tỷ đồng.

Nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn tại vùng cao như: Nà Hẩu (huyện Văn Yên), Phình Hồ (huyện Trạm Tấu), Khai Trung (huyện Lục Yên), Suối Giàng (huyện Văn Chấn)... được khách du lịch tìm đến.

Trong dịp này tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh lữ hành xây dựng các chương trình du lịch hấp dẫn, phù hợp với thị trường, khách hàng tiềm năng, đồng thời có các giải pháp cụ thể thu hút khách nội địa, quốc tế đến với Yên Bái.

Đặc biệt, qua xúc tiến du lịch tám tỉnh Tây Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh đầu tháng 4/2023, các cô gái Thái với khăn piêu, áo cỏm, xà tích bạc lấp lánh trong các điệu xòe Thái đã gây ấn tượng mạnh với người dân phương nam, là dịp quảng bá “Đất và người Yên Bái” đến với các bạn bè.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/soi-dong-du-lich-trong-ky-nghi-le-o-yen-bai-post750196.html