Soi bóng văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa dưới mặt giếng Thiên Quang

Tọa đàm Tính đa dạng của truyền thống: Nhìn từ giếng Thiên Quang - Văn Miếu Quốc Tử Giám là dịp để TS. Trần Hậu Yên Thế cùng các chuyên gia soi chiếu vào giếng Thiên Quang qua lăng kính văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ.

Có ai biết về cái giếng ở trước Khuê Văn Các?

Nhiều du khách khi vào tham quan di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, hẳn sẽ đều đi qua Khuê Văn Các. Đằng trước công trình lầu gác 2 tầng đó là một cái giếng vuông nằm trên một trục thẳng. Tuy nhiên, chẳng phải ai cũng để ý tới nó là công trình mang tên gì. Chính vì điều này, và nhân dịp sắp tới ngày kỷ niệm 220 năm xây dựng Khuê Văn Các dưới sự chỉ huy của Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành (1758-1817), TS. Trần Hậu Yên Thế, giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội - ĐHQGHN), mong muốn góp thêm những ý kiến nhằm khai mở nhãn quan của công chúng về chiếc giếng mang tên Thiên Quang này.

Giếng Thiên Quang (Thiên Quang tỉnh) xưa. Thiên Quang là ánh sáng bầu trời. Đặt tên này cho giếng, người xây dựng có ý muốn nói con người thu nhận được tinh túy của vũ trụ, soi sáng tri thức, nâng cao phẩm chất, tô đẹp nền nhân văn. Ảnh tư liệu

Qua khảo cứu 82 văn bia lưu giữ tại Văn Miếu, TS. Trần Hậu Yên Thế không ghi nhận bất kỳ chi tiết nào nói về giếng có tên Thiên Quang, hay đơn giản là viết về giếng cũng không có. Các nhà nghiên cứu trước đây trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về hệ thống kiến trúc, minh văn cũng chưa phát hiện ra điều gì. Tuy nhiên, những manh mối về chiếc giếng này đến với ông khi đọc tác phẩm Tiểu luận về Nghệ thuật An Nam của học giả Louis Bezacier. Trong sách, Bezacier đã liên tưởng tới loại hình bawdi của Ấn Độ khi viết: “puits de l'eclat céleste”, tức giếng chứa ánh sáng từ trên trời, mà nay đã được định danh là Thiên Quang tỉnh ở Văn Miếu.

Cụ thể, dạng thức bawdi, hay cách gọi khác là vavs, có thể hiểu là giếng, hoặc bể chưa nước, hoặc ao, có hành lang bậc thang dài dẫn xuống mực nước. Giếng có cấu trúc phình to ở miệng, càng thu hẹp khi đi xuống, tựa như kim tự tháp úp ngược. Cấu trúc giếng bậc thang bao gồm hai phần: một trục thẳng đứng để hút nước và các lối đi ngầm nghiêng xung quanh. Trên lối đi ấy có các bậc thang dẫn xuống giếng.

Giếng Thiên Quang quanh năm phản chiếu hình ảnh Khuê Văn Các. Ảnh: Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám

Dạng thức kiến trúc này phát triển ở miền Tây Ấn Độ từ thế kỷ VII đến XIX. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hạn hán quanh năm, nên người Ấn Độ từ xưa đã không xây dựng một chiếc giếng nhỏ, vừa đủ để dùng gàu múc như ở Trung Hoa. Thay vào đó, họ xây dựng công trình lớn, có những bậc thang dẫn xuống kéo dài hàng chục mét để một số lượng lớn người dân có thể đến đây lấy nước sinh hoạt.

Theo ghi nhận, nơi đây còn có vai trò rất quan trọng trong tôn giáo, tín ngưỡng bản địa. Những giếng "khổng lồ" như vậy thường được chạm khắc nhiều hoa văn tinh xảo. Theo PGS-TS. Đinh Hồng Hải, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, (ĐHQGHN): “Với sức chứa như vậy, có thể thấy, bên cạnh là không gian sinh hoạt của cộng đồng, đây còn là là nơi thờ vị nữ thần nước”.

Là một quốc gia ở vùng Viễn Đông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Ấn Độ, vương quốc Chăm Pa xưa cũng có dạng thức kiến trúc chứa nước hình vuông như thế này. Tại di tích tháp Khương Mỹ (thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), hiện vẫn còn lưu lại một giếng cổ với dạng hình vuông xây dựng dưới thời kỳ Chăm Pa hơn 1.000 năm tuổi.

Di tích tháp Khương Mỹ. Ảnh: Zingnews.vn

Có niên đại tương đương với công trình tại tháp Khương Mỹ, hồ Linh Chiêu nằm trong khuôn viên di tích chùa Một Cột (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng có dạng thức chứa nước hình vuông như vậy. Từ lịch sử đến ngày nay, chùa Diên Hựu cùng hồ Linh Chiêu đã có nhiều thay đổi về thiết kế, quy mô, diện tích. Tuy nhiên, theo TS. Trần Hậu Yến Thế, tính ổn định của bình đồ mặt nước hình vuông vẫn được giữ nguyên.

Sẽ là một thiếu sót nếu quên nhắc tới giếng Ngọc trong khuôn viên đền Cùng tại làng Diềm (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Hiện nay, giếng vẫn mang kiến trúc hình vuông, với các bậc thang để cư dân có thể xuống múc nước. TS. Trần Hậu Yên Thế nhớ lại câu nói của người xưa: Cây đa, giếng nước, sân đình. Qua câu nói ấy, ta nhận thấy, đây đều là những biểu tượng, không gian sinh hoạt chung của cộng đồng làng xã. Và để có thể đáp ứng được một lượng lớn cư dân trong địa phương lui tới, thì buộc giếng phải có diện tích lớn.

Tiếp thu từ văn hóa Ấn Độ

“Liệu rằng giữa Việt Nam có sự học hỏi trực tiếp từ Ấn Độ, hay Việt Nam đã học hỏi từ Ấn Độ qua một bên thứ ba?”, PGS-TS. Đinh Hồng Hải đặt câu hỏi với nhân tố thứ ba đó là vương quốc cổ Chăm Pa. Khi nghiên cứu về các quốc gia Ấn Độ hóa ở vùng Viễn Đông, học giả George Coedès đã nhận thấy, các quốc gia ở đây không chỉ học hỏi Ấn Độ mà còn có sự học hỏi lẫn nhau. Dẫn lại những nghiên cứu về thuyền của Việt Nam từ trước đấy, ông chỉ ra rằng người Việt không giỏi làm thuyền, không giỏi đi biển, nhưng đã học hỏi được kỹ năng này từ người Chăm. Thậm chí có những giả thuyết đi xa hơn nữa cho rằng những người đi biển giỏi ở Quảng Ngãi, Quảng Nam là những người gốc Chăm. Tuy nhiên, vẫn chưa có khẳng định chính xác.

Chand Bawdi tại bang Rajasthan, Ấn Độ. Ảnh: Internet

Nhìn vào bình diện giếng Thiên Quang tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), có thể dễ dàng nhận thấy nó có dạng hình vuông. Tuy nhiên, nếu chỉ có hình vuông, cũng chưa đủ tư liệu để TS. Trần Hậu Yên Thế suy tư tới giếng trong văn hóa Ấn Độ. Dựa vào tư liệu khảo cổ năm 1960 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám của GS-TS. Trần Lâm Biền, trong lòng giếng Thiên Quang có 9 bậc xây bằng gạch dẫn sâu xuống phía dưới. Với dạng thức giếng có bậc thang như vậy, hẳn nhiên, nơi đây từng là nơi sinh hoạt cộng đồng rất lớn. Dẫu vậy, vẫn chưa có đầy đủ bằng chứng kết luận giếng Thiên Quang có được sử dụng làm không gian thiêng trong thực hành nghi thức giống với loại hình giếng trong văn hóa Ấn Độ hay không.

Thế nhưng, nói như vậy, không có nghĩa trong văn hóa Việt Nam không ghi nhận có sự xuất hiện những chiếc giếng được dùng trong nghi thức thờ cúng. Ở làng Trung Kính (Hà Nội) cũng có một chiếc giếng mang tên Thiên Quang. Qua điền dã, TS. Trần Hậu Yên Thế ghi nhận, dân làng truyền lại câu chuyện dân gian, cứ hễ khi nào người phụ nữ trong làng hết sữa, tắc sữa thì đều ra giếng xin nước. Từ đó, giếng được được thiêng hóa, trở thành biểu tượng mang yếu tố âm, phù trợ cho người phụ nữ. Xưa kia, người phụ nữ thường gắn liền với việc bếp núc. Mà trong làm bếp, không thể thiếu nước. Vì vậy, người phụ nữ xưa thường ra giếng gánh nước về sinh hoạt trong gia đình.

Từ đây, có thể thấy, trong văn hóa Ấn Độ và Việt Nam, giếng đều có sự liên quan tới hình tượng người phụ nữ. Với những tính chất thiêng như vậy, ở nhiều địa phương, người ta cũng ra múc nước giếng về thực hành những nghi thức như: mộc dục đồ thờ, hay sử dụng trong thờ cúng trong đình, đền thờ.

TS. Trần Hậu Yên Thế trình bày tại Tọa đàm Tính đa dạng của truyền thống: Nhìn từ giếng Thiên Quang - Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn

Giếng trong văn hóa Trung Hoa không chỉ chứa nước

Từ yếu tố “thiên” (trời) và “tỉnh” (giếng), TS. Trần Hậu Yên Thế tiếp tục gợi mở sang công năng khác của giếng ngoài việc trữ nước. Theo ghi nhận của ông, ở Trung Quốc xuất hiện một hình thức kiến trúc có tên tảo tỉnh (藻井), hay còn có tên gọi khác như thiên tỉnh (天井) (có thể hiểu là giếng trời).

Dạng thức kiến trúc này tạo lên trên trần nhà độ lõm về phía trên, từ dưới trông lên có cảm giác như chiếc giếng ngược. Bốn vách xung quang được trang trí công phu, tỉ mỉ, hình thành kết cấu đấu úp ngược, dưới to, trên nhỏ. Dạng thức này trái ngược với đấu củng thường thấy trên phần diềm mái cung điện, mái nhà là càng ngày càng vươn ra xa và càng to. Phần ngoài thường hình vuông hoặc đa giác, bên trong lòng thường là hình tròn, còn gọi là minh kính. Loại hình này thường được thể hiện trong các cung điện, tòa điện của chùa, miếu.

Tảo tỉnh tại chùa Giáng Phúc (Bắc Kinh, Trung Quốc). Ảnh: Internet

Tuy nhiên, “loại hình này dần như không xuất hiện ở Việt Nam”, theo TS. Trần Hậu Yên Thế. Thay vào đó, một loại hình giếng trời khác xuất hiện rất phổ biến trong kiến trúc đô thị ở Việt Nam. Ta có thể dễ dàng bắt gặp dạng thức kiến trúc này ở những công trình được xây dựng theo dạng tứ hợp viện, như hội quán của người Hoa.

Đây là dạng kiến trúc có 4 dãy nhà bao quanh tạo thành hình vuông, ở giữa có khoảng trống không gian mở hoặc khoảng trống hình chữ nhật, hoặc hình vuông trong một tòa nhà và nếu ngước nhìn lên hình dạng giống như một cái giếng sâu. TS. Trần Hậu Yên Thế phỏng đoán đó cũng là lý do cho tên gọi “giếng trời”.

Giếng trời tại Hội quán Tuệ Thành (quận 5, TP.HCM). Ảnh: Nguyễn Đình

Hiện nay, ở nhiều ngôi biệt thự xây dưới thời Pháp thuộc trên phố cổ Hà Nội có khoảng sân ở giữa thông lên trời, cũng gọi là giếng trời. Như vậy, trong tư duy của người Trung Hoa, giếng có thể sâu nhưng không nhất thiết là chứa nước, mà lại chứa không khí, chứa ánh sáng từ trên trời chiếu xuống, ứng với tên gọi giếng Thiên Quang, như ta thấy ở Văn Miếu.

Như vậy, từ mặt nước lấp lánh dưới lòng giếng Thiên Quang tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), TS. Trần Hậu Yên Thế gợi mở ra một nền kiến trúc Việt Nam phản chiếu những tư duy trong văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa.

Đoan Túc

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/soi-bong-van-hoa-an-do-va-trung-hoa-duoi-mat-gieng-thien-quang-42954.html