Sốc trước tin voi rừng Việt Nam từ 1.000 con nay còn chưa đến 100 con

Số lượng voi trong thiên nhiên hoang dã của Việt Nam ngày càng giảm, từ hơn 1.000 con trong thập niên 1980-1990 nay chỉ còn chưa đến 100 con vào đầu năm nay. Riêng số voi nhà hay voi thuần dưỡng cũng giảm, chỉ còn khoảng 30-40 con. Đó là thông tin được công bố tại chương trình 'Nói không với ngà voi' do hai tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Change Vietnam và WildAid thực hiện.

Người tham dự lễ phát động chiến dịch "Nói không với ngà voi" tổ chức tại Le Meridien Hotel ngày 30/8 - Ảnh: Ricky Hồ

Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 Lệ Hằng là một trong ba đại sứ thiện chí của chiến dịch "Nói không với ngà voi" cùng với Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 Phạm Hương và nhà báo Trác Thúy Miêu. - Ảnh: Ricky Hồ

Phát biểu tại lễ phát động “Nói không với ngà voi” tổ chức ngày 30/8/2017 tại TP.HCM, ông Đỗ Quang Tùng – Phó chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – nhận định nạn phá rừng và con người xâm phạm sinh cảnh của loài voi đã làm số lượng voi trong tự nhiên của Việt Nam giảm mạnh.

Theo ước đoán của ông Đỗ Quang Tùng, vườn quốc gia Yok Đôn ở Đắk Lắk có khoảng 60-80 con và số voi này “không có quốc tịch rõ ràng” khi voi di chuyển theo mùa để kiếm ăn giữa Việt Nam và Campuchia. Số lượng voi ở vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) và Vĩnh Cữu (Đồng Nai) không đáng kể.

Voi nhà được sử dụng phục vụ du khách tại tỉnh Đắk Lắk. Số lượng voi nhà của Việt Nam cũng giảm mạnh, còn khoảng 30-40 con, phần lớn tập trung ở Đắk Lắk. - Ảnh: Vườn quốc gia Yok Đôn

“Nói không với ngà voi” là chương trình tuyên truyền nhằm tạo ý thức cộng đồng do hai tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Change Vietnam và WildAid thực hiện nhằm kêu gọi Việt Nam tham gia nỗ lực toàn cầu cứu lấy loài voi.

Nhu cầu về ngà voi cao đã dẫn đến nạn thảm sát hay tận diệt voi châu Phi để lấy ngà. Ước tính có đến 33.000 con voi châu Phi bị giết hại mỗi năm. Thị trường buôn lậu ngà voi và động vật hoang dã có giá trị ước tính 20 tỷ USD mỗi năm, lớn thứ ba sau buôn lậu ma túy và vũ khí.

Theo số liệu của Change Vietnam và WildAid, chỉ có khoảng 2-4% người Việt Nam có nhu cầu sử dụng ngà voi vào các sản phẩm điêu khắc và nữ trang từ ngà voi. Nhưng Việt Nam đang trở thành điểm trung chuyển của các đường dây buôn lậu ngà voi quốc tế.

Một lượng lớn ngà voi được vận chuyển bất hợp pháp vào Việt Nam để xuất sang thị trường các nước thứ ba, như Trung Quốc hoặc Campuchia. Một số làng nghề truyền thống ở phía Bắc - như làng nghề Nhị Khê ở Thường Tìn, Hà Nội - trở thành nơi tiêu thụ lượng lớn ngà voi khi chế tác thành đồ trang sức bán cho du khách Trung Quốc.

Trong khi đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực 1 cho biết cơ quan này tịch thu 6 tấn ngà voi chỉ trong ba tháng cuối năm 2016. Cho đến nay, lượng ngà voi bị tich thu đã lên 40 tấn.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Quang Tùng nhấn mạnh: “Ngoài những nỗ lực để bảo tồn voi hoang dã trong nước, Chính phủ Việt Nam luôn thực hiện có trách nhiệm những cam kết quốc tế trong việc đấu tranh, ngăn chặn nạn buôn bán và vận chuyển ngà voi trái pháp luật… Chúng tôi coi trong sự hỗ trợ, hợp tác và phối hợp của các tổ chức quốc tế như Change và WildAid trong việc ngăn chặn có hiệu quả tình trạng săn bắn, mua bán động vật hoang dã trái phép xuyên biên giới trên toàn cầu”.

Vẽ tranh tường kêu gọi mọi người bảo vệ voi và động vật hoang dã tại Pandora City (Tân Phú, TP.HCM) do WildAid thực hiện. - Ảnh: WildAid

Tại buổi lễ phát động chiến dịch “Nói không với ngà voi”, bà Hoàng Thị Minh Hồng – Giám đốc Change Vietnam – trình bày kế hoạch hành động gồm ba hoạt động chính. Bà nói: “Ngoài việc, kêu gọi người dân không mua bán và sử dụng các sản phẩm từ ngà voi, hợp tác với chính phủ Việt Nam trong các hoạt động liên quan, Change Vietnam chú trọng sản xuất các sản phẩm truyền thông sáng tạo nhắm đến cộng đồng như triển lãm Festivoi sẽ tổ chức ở TP.HCM”.

Ricky Hồ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/soc-truoc-tin-voi-rung-viet-nam-tu-1000-con-nay-con-chua-den-100-con-d61255.html