Soái hạm của Australia, nhân tố bất ngờ tại Biển Đông

Australia là một trong những quốc gia tham gia tích cực nhất cùng Mỹ trong việc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông. Được biết Canberra thường dùng soái hạm HMAS Canberra (L02) cho sự hiện diện ở vùng biển quốc tế này.

Là một quốc gia không có tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Australia đã và đang tích cực ủng hộ tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế này. Nước này cũng quyết liệt hơn trong việc bác bỏ yêu sách phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời nhiều lần điều chiến hạm tuần tra sát cánh cùng Mỹ.

Ngay từ giữa năm 2020, Australia liên tiếp đối đầu với Trung Quốc về Biển Đông. Mở đầu là việc Canberra đệ trình công hàm lên Liên Hợp Quốc (LHQ) để phản đối yêu sách của Bắc Kinh.

Có thể thấy quan điểm của Australia rất rõ ràng khi bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông bởi nó không phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Bên cạnh đó Australia cũng yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ Phán quyết Tòa Trọng tài năm 2016 vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Australia cũng là một trong số ít quốc gia thẳng thắn đề nghị Trung Quốc không dùng sức mạnh quân sự để đe dọa, bắt nạt các nước láng giềng vốn yếu hơn, đồng thời kiềm chế hành xử, không thay đổi hiện trạng Biển Đông.

Song hành cùng tuyên bố phản đối, Australia cũng nhiều lần điều chiến hạm sát cánh cùng Mỹ, Nhật Bản... nhằm tuần tra duy trì trật tự, tự do hàng hải trên Biển Đông.

Trong số các chiến hạm được Australia điều tới Biển Đông phải kể đến soái hạm HMAS Canberra (L02). Đây cũng là một trong hai tàu chiến lớn nhất và uy lực nhất của nước này.

HMAS Canberra (L02) thuộc lớp tàu đổ bộ tấn công với lượng choán nước đầy tải lên tới 30.000 tấn, tàu có thể mang theo 18 trực thăng, 110 xe thiết giáp, 12 xe tăng và hơn 1.000 binh sĩ.

Đáng chú ý, khi cần thiết HMAS Canberra (L02) hoàn toàn có thể triển khai chiến đấu cơ tàng hình F-35B của Mỹ nhờ đường băng được thiết kiểu "nhảy cầu" dốc 13 độ.

HMAS Canberra (L02) được chế bảo bởi liên doanh giữa Australia và Tây Ban Nha thông qua nhà thầu BAE Systems Australia.

Tàu được chế tạo cho nhiệm vụ triển khai binh lính, trang thiết bị quân sự trong các nhiệm vụ đổ bộ và hỗ trợ nhân đạo.

Phần vỏ tàu được đóng tại Tây Ban Nha, sau đó chuyển đến Australia vào năm 2011 để hoàn thiện. HMAS Canberra (L02) bắt đầu thử nghiệm trên biển vào năm 2013. Quá trình thử nghiệm đã xuất hiện vết nứt trên thân tàu và sự cố động cơ buộc phải đưa trở lại nhà máy để sửa chữa.

HMAS Canberra (L02) được bàn giao cho Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) vào tháng 11/2014.

HMAS Canberra (L02) dài 230 m, rộng 32 m, mớn nước 7 m, lượng choán nước tiêu chuẩn 27.000, đầy tải 30.300 tấn.

Tàu được trang bị hệ thống động lực kết hợp động cơ diesel và tua bin khí, tốc độ tối đa 20 hải lý/giờ, dự trữ hành trình 9.000 hải lý.

Dù được chỉ định là tàu đổ bộ có sàn đáp cho trực thăng, HMAS Canberra (L02) có thiết kế như một tàu sân bay hạng nhẹ, tương tự tàu sân bay Juan Carlos I của hải quân Tây Ban Nha.

Các chuyên gia quân sự dự đoán HMAS Canberra (L02) có thể được cấu hình thành tàu sân bay hạng nhẹ trong tương lai bằng việc đặt mua tiêm kích tàng hình F-35B, tương tự như Nhật Bản đã làm với tàu đổ bộ JS Izumo.

Tàu được vận hành bởi thủy thủ đoàn 716 người. Tàu có thể hoạt động liên tục trên biển 45 ngày. Khi làm nhiệm vụ chuyển quân, tàu có thể chở theo tối đa khoảng 1.000 binh sĩ với trang bị đầy đủ.

Nhà chứa máy bay bên trong tàu HMAS Canberra (L02) khá rộng, có thể mang theo tối đa 18 trực thăng.

Ngoài ra, tàu còn có 2 sàn xe, một dùng để chứa phương tiện hạng nhẹ và hạng nặng với diện tích lần lượt là 1.880 m2 và 1.410 m2, sức chứa tối đa 110 xe thiết giáp, hoặc 12 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams.

Đuôi tàu có dock chìm với diện tích 69x17 m có thể chứa 4 tàu đổ bộ cơ giới, 4 xuồng bơm hơi thân cứng (RHIB) để vận chuyển xe tăng, binh sĩ và trang thiết bị chiến đấu vào bờ.

HMAS Canberra (L02) được trang bị hệ thống điện tử hàng hải hiện đại với khả năng tự động hóa cao, giúp giảm thời gian thao tác cho thủy thủ đoàn. Hệ thống điện tử trên tàu do Mỹ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Australia chế tạo.

Tàu sử dụng radar tìm kiếm mục tiêu trên không Giraffe, tầm trinh sát 470 km, hệ thống dữ liệu chiến đấu Saab 9LV do Thụy Sĩ chế tạo. Hệ thống chiến tranh điện tử AN/SLQ-25 của Mỹ.

Tàu được vũ trang 4 trạm vũ khí điều khiển từ xa Typhoon lắp pháo 25 mm do Israel chế tạo cho nhiệm vụ phòng vệ. Khi hoạt động trên biển, tàu thường được các tàu hộ tống đi cùng để bảo vệ.

Ngoài nhiệm vụ quân sự, tàu còn được triển khai trong sứ mệnh nhân đạo. Tháng 2/2016, tàu mang theo 50 tấn nhu yếu phẩm, nước thiết bị y tế cùng 850 binh sĩ tham gia hỗ trợ nhân đạo sau cơn bão Fiji.

HMAS Canberra (L02) cùng với HMAS Adelaide (L01) hiện là 2 chiến hạm lớn nhất và đắt nhất từng được đóng cho Australia. Chúng đang đóng vài trò soái hạm của hải quân nước này trong việc bảo vệ vùng lãnh hải trong nước cũng như các nhiệm vụ quốc tế.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-soai-ham-cua-australia-nhan-to-bat-ngo-tai-bien-dong-post473724.antd