So với một món đồ hàng hiệu, ta nên mong sách xa xỉ hơn nữa

Một cuốn sách không chỉ cần hay mà còn nên đẹp bởi sẽ giúp ta có thêm tình yêu, sự trân quý đối với sách vở. So với chiếc túi, đồng hồ hàng hiệu, sách nên xa xỉ hơn nữa.

Trở về từ một chuyến đi đặc biệt đầy hứng khởi trong những ngày đầu năm 2024, tham gia hội chợ Nghệ thuật sách Quốc tế CODEX, họa sĩ Trần Đại Thắng chia sẻ, anh ngạc nhiên trước sự đón nhận nồng nhiệt của bạn bè quốc tế với những bản sách S- sách đặc biệt đến từ Việt Nam, dù đây là lần đầu tiên chúng ta tham gia. Nhưng để nhận được sự “ngạc nhiên” và thích thú của cộng đồng quốc tế, họa sĩ Trần Đại Thắng và ê-kíp làm sách thủ công của Đông A đã có một hành trình dài 5 năm theo đuổi, học hỏi và sáng tạo…

Cuộc mở đường đầy hứng khởi

- Trở về từ Hội chợ Nghệ thuật sách Quốc tế CODEX với tư cách là một nhà làm sách nghệ thuật đến từ một quốc gia chưa có truyền thống về dòng sách này, anh có thể chia sẻ sự đón nhận của độc giả nước ngoài như thế nào?

- Đầu tháng 2, Đông A lần đầu tiên tham gia Hội chợ Nghệ thuật Sách Quốc tế CODEX lần thứ 9 năm 2024 tại Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có đơn vị tham gia hội chợ sách nghệ thuật hàng đầu thế giới này. Chúng tôi rất vui mừng khi bạn đọc quốc tế hào hứng đón nhận các ấn bản đặc biệt, giới hạn của Đông A. Ban tổ chức sắp xếp cho chúng tôi một khu vực gần trung tâm. Độc giả tham quan rất đông. Ban đầu, họ tò mò, ngạc nhiên và thích thú khi lần đầu thấy những cuốn sách đẹp từ Việt Nam. Sau khi xem kĩ thì đa số độc giả đều dành lời khen ngợi, thích thú đối với các ấn bản được trưng bày. Nhiều người trong số họ đã mua sách.

Đông A đem tới hội sách các ấn bản đặc biệt trong các tủ sách Trăm năm Nobel, Văn học kinh điển thế giớiVăn học kinh điển Việt Nam. Trong các cuốn sách được giới thiệu, bạn đọc quốc tế dành sự ưu ái cho cuốn Số đỏ in trên giấy dó, có gáy trần; cuốn Thần khúc hay Đại Việt sử ký toàn thư có bìa da, khổ lớn 25 x 30 cm… Đặc biệt, cuốn duy nhất in bằng tiếng Anh là The Great Gatsby đã bán hết ngay tại hội sách. Nhiều khách hàng còn đặt thêm để nhận hàng sau.

Ban tổ chức đánh giá Đông A là một trong những đơn vị nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách tham quan, tạo bầu không khí đầy hứng khởi cho hội sách. Bản thân tôi cũng ngạc nhiên và rất hào hứng đối với sự đón nhận này. Trước đó, bạn đọc quốc tế gần như không biết gì về sách giới hạn Việt Nam. Ở châu Á chỉ có hai nước quen thuộc tham gia hội sách là Nhật Bản và Hàn Quốc.

- Có thể nói đây là một dấu mốc đánh dấu sự phát triển của dòng sách đặc biệt ở Việt Nam khi bước chân ra thế giới. Dòng sách này ở Mỹ và Châu Âu có lịch sử 400-500 năm, nhưng chúng ta chỉ có… 5 năm. Điều anh nhận được là gì từ cuộc ra đi mở đường này?

Ký họa ông Trần Đại Thắng của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường

- Với chuyến đi này, trực tiếp tham gia vào một trong những hội chợ sách nghệ thuật lớn nhất thế giới, tôi có cơ hội để cập nhật thị trường, biết mình đang ở đâu, biết mình đang làm gì, có phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hay không. Ngoài ra, thông qua hội sách, tôi đã kết nối, giao lưu với các nghệ nhân, xưởng đóng sách thủ công, nhà xuất bản, nhà sản xuất vật liệu, nhà in hàng đầu của Mỹ và châu Âu.

Hội sách năm nay có sự tham gia của các tên tuổi nổi tiếng trong ngành sách thủ công như nghệ nhân Luigi Castiglioni từ Italy, Peter Malutzki từ Đức, Kate Holland từ Anh, Samuel Feinstein, người mạ vàng giỏi nhất nước Mỹ...; các học viện, nhà in, nhà sản xuất, nhà xuất bản là American Academi of Bookbinding, Sherwin Beach Press, Harmatan Leathers, Suntup Editors...

Được hòa mình vào giới làm sách nghệ thuật quốc tế với những nghệ nhân và truyền thống đóng sách hàng đầu thực sự có ích rất lớn và gợi rất nhiều cảm hứng. Những ý tưởng, kinh nghiệm, kỹ thuật học hỏi từ hội sách sẽ được chúng tôi áp dụng dần cho các ấn bản tiếp theo của Đông A.

- Dòng sách đặc biệt này có lịch sử từ phương Tây, chúng ta phải học hỏi kỹ thuật của họ, các nguyên liệu cũng nhập khẩu từ nước ngoài, vậy điều gì làm nên sự khác biệt của dòng sách S của Việt Nam khi bước chân ra thế giới?

- Dòng sách thủ công của Đông A hiện học tập và sử dụng nhiều kỹ thuật, chất liệu từ phương Tây. Song song với đó, chúng tôi luôn cố gắng kết hợp hài hòa Đông - Tây, để dòng sách S của Đông A vẫn có bản sắc Việt Nam. Có thể kể đến chất liệu sơn mài được dùng cho các ấn bản Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ, Gastby vĩ đại, Napoléon Bonaparte… Hay cuốn Số đỏ được in hoàn toàn trên giấy dó - chất liệu Việt, đã gây ấn tượng mạnh cho khách tham quan tại hội sách.

Ngoài ra, thiết kế bìa nhiều cuốn sách cũng đậm chất Việt Nam như cuốn Việt Nam văn hóa sử cương hay Việt Nam sử lược đều có những hình ảnh như rồng, phượng…

Hành trình gian nan và tốn kém

- Đông A là đơn vị sách mở đường dấn thân trong hành trình làm những cuốn sách đặc biệt- sách S. Bắt đầu từ năm 2005 với bộ sách “Văn Mới’, nhưng phải đến 2019, ấn bản đặc biệt đầu tiên ra mắt với kỹ thuật làm sách tỷ mẩn, công phu và được đông đảo độc giả đón nhận. Anh nói, đó là một quá trình học hỏi công phu và tốn kém, anh có thể chia sẻ về hành trình của mình?

- Đông A có ấn bản đặc biệt đầu tiên là Văn mới 5 năm đầu thế kỷ với 100 bản đánh số, có chữ ký trực tiếp của 41 tác giả, ra mắt vào năm 2005. Sau đó, chúng tôi cũng có thêm một số ấn bản đặc biệt khác, nhưng đây đều là những cuốn sách chủ yếu làm bằng máy, chưa có công đoạn thủ công. Đến năm 2019, Đông A bắt đầu giới thiệu các ấn bản sách đẹp được thực hiện với các công đoạn thủ công. Từ năm 2020, chúng tôi thành lập Phòng Sách thủ công, và thường xuyên tổ chức các khóa học để nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân viên. Như vậy với dòng sách thủ công, chúng tôi đã trải qua 5 năm kinh nghiệm.

Năm năm ấy, chúng tôi đã có nhiều bước tiến về cả kỹ thuật lẫn mỹ thuật nhưng cũng đi kèm với những bài học đắt giá về kinh tế. Mỗi ấn bản được giới thiệu tới bạn đọc là kết quả của nhiều công đoạn từ khi lên ý tưởng, qua nhiều bản thử nghiệm không thành, rồi mới có phương án cuối cùng. Có những khi từ ý tưởng, thử nghiệm đến thành phẩm kéo dài vài năm cho một ấn bản đặc biệt, tốn kém cả về thời gian, công sức lẫn kinh phí. Do đó, hiện nay, mỗi năm chúng tôi chỉ phát hành khoảng 7 tựa sách có phiên bản đặc biệt. Các ấn bản đặc biệt có thời gian làm kéo dài với nhiều công đoạn thủ công có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật ở cấp độ cao, nên không thể làm nhanh hơn được.

Bản thân tôi hằng năm đều có những chuyến đi dài ngày đến các hội chợ sách quốc tế, hội chợ sách quý hiếm, các bảo tàng, thư viện tại nhiều nước… để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm làm sách cũng như sưu tầm các ấn bản sách đẹp. Tôi cũng nhiều lần gặp gỡ các nghệ sĩ, nghệ nhân chế tác sách thủ công nổi tiếng hàng đầu ở các nước như Bỉ, Anh, Pháp, Italia, Đức, Hà Lan, Ba Lan… dành nhiều ngày tại xưởng đóng sách của họ để học hỏi. Và Hội chợ sách Nghệ thuật CODEX lần thứ 9 là sự kiện gần nhất mà Đông A tham gia.

"Tiêu chí đầu tiên để làm sách đặc biệt xuất phát từ nội dung".

Ông Trần Đại Thắng

Để tham dự hội sách lần này, chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ gần một năm trước, từ khâu đăng ký, gửi hồ sơ, catalog tham dự, cho đến thực hiện các ấn bản trưng bày. Ngoài ra, chi phí đi lại, ăn ở rồi nhân sự tham gia hội sách tại Mỹ trong những ngày cận Tết Nguyên Đán là con số không nhỏ. Tuy nhiên, những gì nhận lại từ CODEX là thành quả xứng đáng.

- Kỳ công và tốn kém như thế. Vậy một ấn bản đặc biệt đúng nghĩa của hai chữ “Đặc biệt” được Đông A lựa chọn dựa trên những tiêu chí nào?

- Tiêu chí đầu tiên để làm sách đặc biệt xuất phát từ nội dung. Đó là các tác phẩm kinh điển thế giới, có giá trị vượt thời gian như bộ tác phẩm của Dostoevsky gồm Anh em nhà Karamazov, Tội ác và hình phạt, Chàng Ngốc; hay Nghệ nhân và Margarita (Mikhail Bulgakov), Truyện cổ Grimm (Jacob & Wilhelm Grimm), Ông già và biển cả (Ernest Hemingway)… Chúng tôi cũng lựa chọn làm phiên bản đặc biệt cho các danh tác Việt Nam như Đôi lứa xứng đôi - Nửa đêm - Cười (Nam Cao), Hà Nội băm sáu phố phường & Gió đầu mùa (Thạch Lam), Thương nhớ mười hai (Vũ Bằng)…

Các cuốn sách còn được làm mới về minh họa bên cạnh việc biên tập, hiệu đính chỉn chu, kĩ lưỡng… Như bộ Văn chương & Mỹ thuật đều do các họa sĩ đương đại như Thành Chương, Đặng Xuân Hòa, Đào Hải Phong, Hoàng Phượng Vỹ, Tạ Huy Long… minh họa. Hay cuốn Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh được chúng tôi biên tập dựa trên bản in đầu vào năm 1938, đồng thời tham khảo một số chi tiết trong nội dung của bản in năm 1951 và bổ sung 108 minh họa. Chính sự dày công chăm chút này đã khiến những bản sách trở thành tư liệu tham khảo đáng tin cậy cho người đọc, cũng như tạo nên giá trị khác biệt từ những bản in của Đông A trên thị trường.

Chính sự dày công chăm chút này đã khiến những bản sách trở thành tư liệu tham khảo đáng tin cậy cho người đọc, cũng như tạo nên giá trị khác biệt từ những bản in của Đông A trên thị trường.

Họa sĩ Trần Đại Thắng

Ngoài phần nội dung thì những ấn bản đặc biệt đều có nhiều điểm khác biệt so với các bản phổ thông về thiết kế (bìa, dàn trang), chất liệu bìa và giấy, quy cách đóng sách...

Đơn cử như cuốn Số đỏ có bìa bọc bằng da thật, có gắn tag sơn mài ở bìa, bìa được bồi nổi. Sách được đục lỗ, khâu sách theo lối Passé-carton (khâu rết) cổ điển châu Âu. Đây là kỹ thuật tốn nhiều thời gian, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ làm sách. Ấn bản được in trên giấy dó, chất liệu khác biệt hoàn toàn so với bản phổ thông.

- Quả thật, mỗi ấn bản đặc biệt là một hành trình làm việc kỳ công và tốn kém, với rất nhiều tâm huyết và tình yêu của người làm sách.Bạn đọc trong nước- thị trường quan trọng nhất của dòng sách này đón nhận nó như thế nào?

- Điều đáng mừng là không chỉ còn giới hạn trong những người chơi sách lâu năm, các phiên bản đặc biệt của Đông A ngày càng được nhiều bạn đọc, các nhà sưu tầm, những người mới chơi sách biết đến, ủng hộ và lan tỏa. Các lần trưng bày sách S tại nhà sách Cá Chép đều nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc và giới truyền thông. Hay khu trưng bày sách nghệ thuật của Đông A tại Lễ hội Đường sách Tết TP Hồ Chí Minh trong các năm qua luôn nhận được sự yêu thích, là điểm check in quen thuộc của khách tham quan, thưởng lãm. Đây là động lực lớn để chúng tôi ngày càng hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Học hỏi những kỹ thuật của phương Tây, nhưng đội ngũ làm sách của Đông A luôn có những sáng tạo mới trên nền văn hóa cổ truyền của Việt Nam. Anh đưa bản sắc Việt vào những tác phẩm của mình như thế nào?

- Như ở trên tôi đã nói, Đông A đưa bản sắc Việt vào các sản phẩm của mình từ các thiết kế, chất liệu Việt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm hiểu và áp dụng các chất liệt Việt Nam khác để làm phong phú thêm cho dòng sách thủ công.

Sách không chỉ cần hay mà còn nên đẹp

- Có thể khẳng định, có một dòng chảy sách S ở Việt Nam và ngày càng mạnh mẽ, ấn tượng hơn. Đông A định vị mình ở đâu trong dòng chảy đó?

- Năm nay, Đông A tròn 20 năm thành lập, nhưng xét trong mảng sách thủ công, chúng tôi vẫn còn rất non trẻ, cần phải nỗ lực rất nhiều. Tiếp tục học hỏi, giao lưu và thực hành để làm ra những sản phẩm tốt và đẹp hơn nữa là định hướng của chúng tôi, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

- Có người cho rằng, sách S là một cuộc chơi xa xỉ, bởi thực tế giá trị cốt lõi của sách là để đọc, mang lại tri thức cho con người. Anh có ý kiến gì về vấn đề này?

- Đúng là giá trị cốt lõi của sách là để đọc, nhưng cuộc sống sẽ ra sao nếu quần áo chỉ để che thân, các công trình kiến trúc chỉ để ở, tranh ảnh chỉ mô tả lại sự vật… thì sẽ không có cái gọi là nghệ thuật. Tương tự như vậy, một cuốn sách không chỉ cần hay mà còn nên đẹp bởi sẽ giúp ta có thêm tình yêu, sự trân quý đối với sách vở, việc đọc, và cả những xúc cảm thẩm mỹ. Còn nói xa xỉ thì so với chiếc túi hàng hiệu, một bộ quần áo thiết kế, hay một chiếc đồng hồ thì ta nên mong sách xa xỉ hơn nữa.

- Làm sách ở Việt Nam đã là một con đường gian nan khi văn hóa đọc ở ta chưa phát triển, làm sách S lại càng khó vì phân khúc khách hàng hẹp. Vậy vì sao anh lựa chọn dấn thân vào con đường khó này?

- Dấn thân thì hơi to tát, bởi tôi làm xuất bản, lại thích mỹ thuật nên việc làm sách đẹp đến với tôi khá tự nhiên, vừa là nghề, vừa là niềm yêu thích. Mà đã là nghề nghiệp thì không có nghề nào dễ dàng. Bởi thế tôi và các cộng sự luôn tâm niệm phải nỗ lực để vượt qua các khó khăn và cố gắng đạt được những thành tựu nhất định. Để khi nhìn lại những dấu mốc đó, mình có thể tự hào với bản thân vì đã không từ bỏ và đã góp được một phần nhỏ cho cuộc đời đẹp hơn.

Phóng viên: Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Hồng Minh, Việt Hà, Ngọc Diệp/Nhân Dân

Nguồn Znews: https://znews.vn/so-voi-mot-mon-do-hang-hieu-ta-nen-mong-sach-xa-xi-hon-nua-post1458670.html