Sợ Tết

Tết là dịp mọi người được sum vầy, gặp gỡ nhau sau một năm lao động vất vả. Vậy tại sao gần đây nhiều người lại sợ Tết?

Nhiều doanh nghiệp của Hải Dương đã quan tâm chăm lo, tặng quà Tết cho công nhân để họ đón Tết đủ đầy (ảnh tư liệu)

Một doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc ở TP Hải Dương mới đây làm khảo sát vui về thích Tết hay sợ Tết. Kết quả khiến nhiều người bất ngờ, có tới hơn 70% số người được khảo sát tích vào ô sợ Tết.

Tết là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, được gìn giữ và duy trì bao đời nay. Tết là dịp mọi người được sum vầy, gặp gỡ nhau sau một năm lao động vất vả. Tết là thời khắc chúng ta đón nhận sự thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới…

Vậy tại sao ngày càng có nhiều người sợ Tết? Nhiều công nhân tích vào ô sợ Tết mạnh dạn lý giải rằng họ cám cảnh mỗi lần về quê phải chen lấn, tất bật trong dòng người đông đúc tại các bến tàu, bến xe khách. Tết tưởng là quãng thời gian được nghỉ ngơi, ấy vậy mà lại được “bổ sung” cả đống việc phải làm. Đó là dọn nhà, sắm đồ... Đối với nhiều phụ nữ, nhất là những gia đình con trưởng thì 3 ngày Tết phải tất bật, lo toan cho những bữa cỗ, mâm bát đĩa lỉnh kỉnh, chất chồng mỗi khi khách đến chơi nhà…

Tôi cũng vừa đọc được bài tập làm văn của một học sinh với chủ đề "Phát biểu cảm nghĩ của em về ngày Tết" được chia sẻ trên mạng xã hội. Bài văn chỉ gói gọn trong một trang giấy nhưng khiến nhiều bà mẹ rơi nước mắt, bởi em đã nói đúng tâm lý, nỗi lòng của nhiều phụ nữ khi Tết đến. Em học sinh ấy kể về những ngày Tết thiếu vắng tiếng cười vui chỉ vì mẹ em quá bận rộn với Tết. Mẹ tất tả từ tối cho tới khuya... Tết làm mẹ mệt mỏi nên em ghét Tết và không mong đợi Tết đến. Trẻ nhỏ thường thích Tết nhưng nếu vì Tết mà khiến mẹ em không vui và vất vả thì em không thích Tết cũng dễ hiểu.

Còn hơn 20 ngày nữa mới đến Tết Giáp Thìn nhưng những ngày qua trên mạng xã hội chia sẻ rất nhiều chuyện liên quan đến sợ Tết. Đó là gia đình một công nhân đã phải dành dụm 30 triệu đồng bằng 3 tháng lương cộng lại để mua vé máy bay khứ hồi về quê ăn Tết. Không nặng nề về tài chính nhưng người trẻ hiện nay lại chia sẻ về chứng rối loạn lo âu xã hội khi phải đối mặt với những phán xét mỗi dịp Tết về. Có không ít người chia sẻ dòng trạng thái (status) trên mạng xã hội là “đang yên đang lành lại Tết”.

Còn với những người đã tích vào ô thích Tết thì sao? Có lẽ đa số họ là những người đã biết điều chỉnh để có một cái Tết giản đơn nhưng ý nghĩa và vui vẻ.

Bạn tôi sống trong một gia đình 3 thế hệ, chồng lại là con trưởng thì chọn Tết đơn giản thực sự khó. Nhưng bạn tôi đã làm được. Bạn chia sẻ, trước kia, từ 29 Tết đã phải cỗ bàn liên miên đến mùng 3 Tết, mỗi ngày cô ấy phải làm ít nhất 2 mâm cỗ để đón khách. Những lúc không có khách lại phải lần lượt đến từng nhà trong họ chúc Tết. Thế nhưng 2 năm nay, gia đình bạn tôi đã thay đổi. Họ lên kế hoạch để được hưởng kỳ nghỉ Tết đúng nghĩa. Gia đình dành thời gian nghỉ ngơi và bên nhau, gác lại mọi lo toan công việc. Những gì giải quyết được trước Tết đều đã xử lý gọn gàng. Thay vì mời khách đến nhà ăn tất niên thì nay họ chỉ làm một mâm cơm đầm ấm gồm những thành viên trong gia đình. Mấy ngày Tết cũng không phải đi đến từng nhà như trước mà cùng nhau đi lễ chùa, uống trà, xem phim… Trẻ nhỏ được gần gũi, chơi đùa cùng ông bà, bố mẹ. Bạn tôi đã không còn sợ Tết.

Phật giáo có câu "Nhất thiết duy tâm tạo", mọi thứ đều do tâm mà có. Vì vậy, khi tâm an và chúng ta sẵn sàng vượt qua những quy định, bỏ đi những thủ tục để chọn một kỳ nghĩ lễ đầu xuân an lành, thanh nhàn đúng nghĩa thì sẽ không sợ Tết.

DƯƠNG LAN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/so-tet-371057.html