Sơ kết về mô hình phường, xã điện tử

Sở Nội vụ Đà Nẵng vừa tổ chức hội nghị sơ kết về mô hình phường, xã điện tử và luân chuyển, xác thực hồ sơ điện tử, nhằm đánh giá lại quá trình đầu tư, thực hiện mô hình phường, xã điện tử tại tất cả các địa phương trên địa bàn TP từ năm 2014 đến nay; đồng thời định hướng, xác định các nhiệm vụ, kế hoạch cần thực hiện trong thời gian đến.

Bộ phận tiếp nhận một cửa tại phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Ảnh: Ngọc Phó

Mô hình phường, xã điện tử tại Đà Nẵng chính thức bắt đầu từ năm 2014, thông qua việc triển khai Dự án DNG67 do Ngân hàng Thế giới tài trợ xây dựng “Hệ thống quận, phường điện tử”. UBND quận Liên Chiểu là đơn vị thí điểm và khai trương mô hình “phường điện tử” tại UBND các phường Hòa Khánh Bắc và Hòa Hiệp Bắc vào tháng 7/2014, sau đó nhân rộng ra tại một số phường thuộc quận Cẩm Lệ, Sơn Trà.

Đến cuối năm 2014, đã có 8 phường tại 3 quận khai trương mô hình phường điện tử. Mục tiêu của mô hình bao gồm việc cải tạo hạ tầng, trang bị cơ sở vật chất để tạo ra môi trường giao tiếp thân thiện, hiện đại giữa người dân và UBND cấp phường, xã; đồng thời thay đổi phương pháp, cách thức quản lý công việc, dữ liệu của UBND các phường, xã trên môi trường điện tử thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin và trang thiết bị điện tử.

Việc triển khai xây dựng mô hình phường, xã điện tử đã tạo ra sự thay đổi đáng kể đối với cơ sở vật chất của bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả (TN&TKQ) các phường, xã trên toàn địa bàn. 55/56 bộ phận TN&TKQ các phường, xã đã được cải tạo, nâng cấp hiện đại các trang thiết bị, vật dụng tạo ra sự thuận tiện, thoải mái hơn cho công dân đến giao dịch thông qua các tiện ích như khu vực chờ lịch sự, máy xếp hàng tự động, điều hòa nhiệt độ...

Toàn TP có 42 UBND phường, xã sử dụng sổ chứng thực điện tử thay cho sổ chứng thực giấy, giúp quản lý tốt hơn việc quản lý dữ liệu, tra cứu, sao lục các nội dung liên quan đến chứng thực của công dân đã thực hiện. 100% UBND các phường, xã thực hiện chuyển hồ sơ một cửa điện tử đối với các lĩnh vực cần liên thông đến UBND các quận, huyện trên hệ thống. Bên cạnh đó, 25/56 phường, xã thực hiện thí điểm luân chuyển, xác thực hồ sơ điện tử trên hệ thống, trong đó thực hiện tốt nhất là UBND phường Hòa Minh.

Theo thống kê trong năm 2016, 100% các phường, xã đều thực hiện tiếp nhận liên thông văn bản điện tử, trong đó thực hiện tốt nhất là UBND các phường thuộc quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang với trung bình 1.400 văn bản đến tiếp nhận liên thông điện tử mỗi phường.

Mô hình một cửa tại quận Hải Châu. Ảnh: Ngọc Phó

Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình phường, xã điện tử chưa có sự thống nhất, đồng bộ về quy chuẩn xây dựng, vật liệu sử dụng giữa các địa phương. Về ứng dụng công nghệ thông tin, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều UBND phường, xã chưa chú trọng thay đổi chất lượng, phương thức điều hành điện tử mà vẫn tập trung nhiều vào việc đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị.

Để tiếp tục hoàn thiện mô hình phường, xã điện tử, Đà Nẵng đã thống nhất cần xây dựng và ban hành chuẩn phường, xã điện tử để làm cơ sở cho các địa phương tiếp tục phấn đấu hoàn thiện mô hình này.

Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP, các địa phương đối chiếu với tiêu chuẩn phường, xã điện tử để khắc phục những nội dung, tiêu chí còn thiếu và yếu, đồng thời đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là: 100% các phường, xã phải đạt chuẩn phường, xã điện tử loại 2 trở lên. Bên cạnh việc xây dựng mô hình phường, xã điện tử cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện mô hình quận, huyện điện tử, trong đó chọn một địa phương để thực hiện thí điểm trong năm 2017.

Ngọc Phó

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/so-ket-ve-mo-hinh-phuong-xa-dien-tu_t114c1160n112675