Sơ kết Chương trình xây dựng nông thôn mới

(VOV) - Đến nay đã có 7/11 xã đạt được từ 10 tiêu chí trở lên trong tổng số 19 tiêu chí

Sáng 22/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tổ chức Hội nghị “Sơ kết Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới năm 2010, kế hoạch năm 2011”. Các ông: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình; Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Ban chỉ đạo; Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị còn có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; các địa phương thực hiện thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Đến hết năm 2010, Chương trình thí điểm mô hình nông thôn mới đã thành công bước đầu và đạt được một số kết quả quan trọng. Đến nay đã có 7/11 xã đạt được từ 10 tiêu chí trở lên trong tổng số 19 tiêu chí. Đó là xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội; xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang; xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; xã Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh; xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM; xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh; xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Qua thực hiện thí điểm tại 11 xã đã có những mô hình tốt trên các mặt: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, huy động nguồn lực; phát triển sản xuất gắn với quy hoạch ruộng đồng và cơ sở hạ tầng; phong trào cải thiện điều kiện sống của các hộ dân cư; mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn. Qua thực tiễn các mô hình đã phát huy tốt hiểu quả và đang được lan tỏa, nhân rộng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Hồ Xuân Hùng nêu rõ: “Việc triển khai và kết quả bước đầu của chương trình đã có tác động làm chuyển biến nhận thức trong cán bộ và người dân nông thôn, tạo cho họ niềm tin về sự đổi đời trong tương lai. Vì thế, người dân đã tham gia nhiều hơn trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới, quan tâm hơn đến công việc của cộng đồng và tự giác thực hiện tại gia đình mình; là cơ sở để hình thành và phát triển được các phong trào xây dựng nông thôn mới. Không chỉ có người dân mà cả các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cũng đã có sự thay đổi trong nhận thức về vai trò nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc triển khai chương trình cũng đưa ra được kinh nghiệm bước đầu về cách làm, cơ chế, triển vọng để thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp - nông dân - nông thôn”. Kinh nghiệm quan trọng nhất rút ra sau thời gian thực hiện thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới tại 11 xã điểm của cả nước là, quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời cần có sự cân đối đầu tư sản xuất, tăng thu nhập cho người dân và xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn. Tham luận của các đại biểu dự Hội nghị nêu những hạn chế của Chương trình xây dựng nông thôn mới như: Trong công tác chỉ đạo chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, chưa thực hiện việc ưu tiên, lồng ghép các chương trình, dự án để tăng năng lực cho xây dựng điểm… Việc xây dựng cơ chế, chính sách, hướng dẫn nội dung xây dựng nông thôn mới còn chậm, do đó các xã đều lúng túng trong cơ chế huy động nội lực, cơ chế lồng ghép các nguồn vốn, trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong tiếp cận và giải ngân các nguồn vốn ngân sách cấp; Tiến độ triển khai một số nội dung công việc còn chậm so với kế hoạch. Trong thực hiện các nội dung, mới chú trọng nhiều đến các xây dựng cơ sở hạ tầng, ít quan tâm đến các hoạt động phát triển sản xuất, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, với mục tiêu thử nghiệm các nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách; đồng thời xây dựng 11 xã thành các mô hình trên thực tiễn về nông thôn mới để rút kinh nghiệm cho việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên diện rộng./.

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/so-ket-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi/20111/165179.vov