Sinh viên quốc tế tìm hiểu nông nghiệp Việt Nam

Sinh viên quốc tế đến từ 8 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có hai tuần tìm hiểu về nông nghiệp bền vững và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nông hộ nhỏ tại Việt Nam.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: NH

Từ ngày 25-6 đến 7-7, 26 sinh viên ngành nông nghiệp đến từ Úc, New Zealand, Campuchia, Myanmar, Nepal, Bangladesh, Hàn Quốc và Việt Nam sẽ tham gia chuyến đi thực tế tại TPHCM và ĐBSCL để tìm hiểu về sản xuất của các nông hộ nhỏ, vai trò của các bên liên quan như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong việc hỗ trợ các nông hộ nhỏ và cải thiện an ninh lương thực trong khu vực.

Đây là chương trình Kết nối sinh viên 2017 do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Tập đoàn Syngenta tổ chức. Ngoài ra, chương trình được sự hỗ trợ và hợp tác từ nhiều tổ chức khác trong ngành, như Tổ chức Winrock International, Rimfire Resources, MimosaTek và Grameen – Intel.

Theo các nhà khoa học, ĐBSCL là một trong những khu vực trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu. Vì thế, trong những năm qua, đây là khu vực nhận được sự quan tâm của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, doanh nghiệp, các nhà khoa học từ các nước đến tìm hiểu và hỗ trợ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trước chương trình nói trên, trong tháng 6 này, Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thông qua Chương trình quản lý Tổng hợp vùng ven biển (ICMP) phối hợp cùng Cục Trồng trọt, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) để giới thiệu các giống lúa chịu hạn mặn cho người dân các tỉnh ĐBSCL.

Ngoài ra, chương trình ICMP còn giới thiệu và đưa vào ứng dụng các phương thức sản xuất, canh tác khoa học nhằm góp phần ổn định sinh kế cho người dân ven biển và tiến tới phát triển mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.

Có thể trong thời gian tới, ĐBSCL sẽ nhận được nhiều hơn sự quan tâm của quốc tế trong vấn đề biến đổi khí hậu. Bằng chứng như chương trình Kết nối sinh viên được Tập đoàn Syngenta khởi động từ năm 2010, chương trình được tổ chức mỗi năm một lần tại các nước đang phát triển thuộc châu Á và trong hai năm 2016, 2017 chương trình diễn ra tại Việt Nam.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, ĐBSCL hiện là nơi cung cấp hơn 90% lượng gạo hàng hóa xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất lúa tại vùng này.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tình trạng hạn hán kéo dài (từ cuối năm 2015 đến tháng 4-2016) đã ảnh hưởng nặng nề đối với ĐBSCL với gần 209.000 héc ta bị thiệt hại. Vì thế, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2016 chỉ đạt 4,88 triệu tấn, thấp nhất trong nhiều năm qua.

Năm nay, tuy hạn hán không diễn ra khắc nghiệt nhưng Cục Trồng trọt dự báo tại các tỉnh phía Nam lũ có thể đến sớm nên lúa vụ 3 sẽ bị ảnh hưởng nếu thời điểm xuống giống không được điều chỉnh.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/161585/sinh-vien-quoc-te-tim-hieu-nong-nghiep-viet-nam.html/