Sinh viên bị bóc lột khi làm thêm

Việc làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ đối với sinh viên. Thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh cố tình 'bóp' đồng lương của sinh viên đi làm thêm...

Friday Shop bị người lao động phản ánh có dấu hiệu sai phạm trong trả lương. Nguồn: TCCL

“Rừng” chiêu trò bóc lột

Việc làm thêm ngoài giờ học từ lâu đã không còn xa lạ đối với sinh viên để tích lũy kinh nghiệm và trang trải cuộc sống. Pháp luật đã có những quy định chặt chẽ về mức lương tối thiểu áp dụng theo các vùng, nhưng nhiều cơ sở kinh doanh vẫn “làm ngơ”. Họ lợi dụng việc sinh viên chưa đủ kỹ năng và vốn kiến thức để thực hiện sai quy định về trả lương.

Đi làm thêm ngay từ năm thứ nhất đại học, Đặng Thị Dung (21 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã có những trải nghiệm “không thể nào quên” khi làm nhân viên bán quần áo cho một thương hiệu thời trang tại đường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội.

Làm việc được 3 tháng, Dung đã xin nghỉ bởi bức xúc với “rừng” nội quy rất vô lý của cơ sở kinh doanh này. Đó là không được tính công làm thêm giờ và một loạt lý do phạt được quản lý đưa ra nhằm trừ số lương vốn đã “bèo bọt” của nhân viên.

Cũng có trải nghiệm tương tự, Đinh Hồng Hà (21 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã có kinh nghiệm trong việc ứng tuyển vị trí nhân viên bán thời gian. Hồng Hà chia sẻ, từng làm việc cho chuỗi siêu thị lớn trên địa bàn TP Hà Nội và rất ngỡ ngàng khi biết tin 2 tháng đầu tiên sẽ bị công ty giữ lương để làm tiền cọc, chỉ hoàn trả khi làm đủ 3 tháng.

Hà được hứa hẹn là “công việc nhẹ nhàng”, có khả năng thăng tiến, thế nhưng lương không thấy tăng, chỉ có khối lượng công việc là ngày một nhiều. Theo thỏa thuận ban đầu, Hà sẽ làm việc ở vị trí thu ngân.

Nhưng thực tế, bạn trẻ này phải phụ trách nhiều công việc khác như: Kiểm kho, giám sát an ninh, lau dọn, pha chế,… thậm chí còn phải thường xuyên tăng ca không công đến tận đêm muộn. Sau hơn 2 tháng làm việc, Hà chấp nhận xin nghỉ và mất số tiền cọc cho siêu thị do cảm thấy kiệt sức và không thể đáp ứng được khối lượng công việc khổng lồ.

Theo ghi nhận từ các sinh viên đi làm thêm, mức lương mà họ được nhận dao động từ 11 - 19 nghìn đồng/giờ, thấp hơn mức lương tối thiểu vùng I áp dụng theo quy định hiện hành của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

Mua sức lao động giá rẻ

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Trong vai sinh viên đi xin việc làm thêm tại cơ sở kinh doanh Friday Nguyễn Trãi và Friday Hồ Tùng Mậu, phóng viên được quản lý phổ biến về “quy định của công ty” bao gồm: Giữ số tiền 500 nghìn đồng (trừ thẳng vào lương trong 2 tháng đầu tiên, mỗi tháng 250 nghìn đồng). Người lao động chỉ được hoàn trả khi đã làm việc đủ 6 tháng.

Sau đó phóng viên tiếp tục được phổ biến sẽ phải thử việc 9 tiếng với mức lương 11 nghìn đồng/giờ, nhưng nếu không đạt thì sẽ không có lương. Quản lý cho biết đã có rất nhiều sinh viên được cho là “không phù hợp” nên đã không được nhận… lương. Như vậy, họ đã phải làm việc 2 buổi không công.

Cả 2 cơ sở thuộc thương hiệu thời trang này đều có câu trả lời chung về mức lương khởi điểm là 15 nghìn đồng/giờ, tăng dần qua các tháng, tối đa là 19 nghìn đồng/giờ. Nhận thấy phóng viên e ngại, quản lý nhiệt tình cho biết sẽ có những khoản thưởng khi nhân viên năng nổ tham gia các hoạt động do công ty tổ chức.

Về hợp đồng lao động, quản lý 2 cơ sở trên cho biết, chỉ có bản cam kết giữa người lao động và cơ sở kinh doanh. Nội dung cam kết là người lao động phải báo trước khi nghỉ việc 15 ngày, nếu vi phạm sẽ không được hoàn trả 500 nghìn đồng tiền “cọc” dù đã làm đủ thời gian 6 tháng như “thỏa thuận”.

Không chỉ Friday, phóng viên cũng ghi nhận được tình trạng giữ lương và thu tiền cọc của người lao động tại chuỗi siêu thị có cơ sở tại Khu đô thị Đại Thanh, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội.

Cũng với quy định tương tự, người lao động phải nộp tiền “cọc” đồng phục 150 nghìn đồng và “phí trách nhiệm” là 1 triệu đồng/2 tháng đầu sau khi ký hợp đồng với đơn vị sở hữu siêu thị.

Như vậy, người lao động đã không được hưởng những quyền lợi tối thiểu theo Bộ luật Lao động hiện hành mà còn phải chịu sức ép từ những quy định vô lý của các cơ sở kinh doanh. Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, khoản 2 Điều 17 bộ luật này nghiêm cấm người sử dụng lao động yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động. Người lao động có quyền tự do về việc làm nên họ có quyền nghỉ làm nếu đã tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật.

“Hơn nữa, tại khoản 1, Điều 6; khoản 2, khoản 3 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định: Doanh nghiệp sử dụng lao động buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động bị xử phạt từ 20 - 25 triệu đồng. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định như trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”, luật sư Bình phân tích.

Ngoài việc bị phạt tiền, người sử dụng lao động còn buộc phải trả lại số tiền đã giữ của người lao động với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Các doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động và không được tự ý giam lương của họ. Việc giữ lương của nhân viên là hành vi trái quy định pháp luật.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-bi-boc-lot-khi-lam-them-post679727.html