Singapore hóa giải ngoại giao cưỡng chế của Bắc Kinh

Báo The Straits Times ngày 6.10 vừa qua đã đăng bài bình luận của tiến sĩ Feng Zhang, một học giả Trung Quốc trợ giảng tại Viện Nghiên cứu quốc gia Trung Quốc về Biển Đông (NISCSS), có nhận định Trung Quốc bắt đầu chính sách ngoại giao cưỡng chế đối với Singapore vì lập trường của đảo quốc này trong vấn đề Biển Đông.

Thủ tướng Lý Hiển Long thăm Mỹ hồi tháng 8.2016, một chuyến đi nâng tầm cho Singapore trên trường quốc tế - Ảnh : The Straits Times

"Hiểu những đe dọa và nhận diện đúng tín hiệu từ Bắc Kinh sẽ rất quan trọng đối với hai nước, để chỉ đạo mối quan hệ ổn định và ngăn chặn nó suy giảm hơn nữa”, Feng Zhang viết.

Nguyên nhân của vấn đề xuất phát từ tranh cãi giữa Đại sứ Singapore tại Trung Quốc Stanley Loh và Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến tạo ra sự bất thường trong lịch sử quan hệ Trung Quốc - Singapore.

Trước sự kiện này, tiến sĩ Tommy Koh, Trưởng đoàn Singapore đàm phán thiết lập bang giao Singapore - Trung Quốc năm 1990, đã lên tiếng: "Nhiều người bạn Trung Quốc nhận thức nhầm lẫn Singapore là một quốc gia của người Hoa, mô tả quan hệ Singapore - Trung Quốc là quan hệ của những người thân, vì vậy Singapore phải chia sẻ với Trung Quốc không giống như những quốc gia ASEAN khác".

Có thể thấy rằng, từ sự nhầm lẫn trong nhận thức đến áp dụng ngoại giao cưỡng chế đã tạo ra một sức ép rất lớn đối với Singapore, vốn theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập tự chủ. Ngay từ ngày lập quốc, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã cố gắng đảm bảo cho Singapore miễn nhiễm với ngoại giao nước lớn, dù Singapore chỉ là một tiểu quốc với diện tích vỏn vẹn 712km 2 .

Nay Trung Nam Hải áp dụng ngoại giao cưỡng chế khiến Singapore có thể phải trả giá nếu không có biện pháp hóa giải thành công. Và cho đến lúc này, dường như những nước cờ của Thủ tướng Lý Hiển Long đã giúp cho Singapore miễn nhiễm với áp lực của ngoại giao cưỡng chế từ Trung Hoa đại lục.

Khẳng định Singapore và Trung Quốc chỉ là đối tác, không phải là người một nhà

The Straits Times ngày 21.10 đã đăng bài viết của tiến sĩ Tommy Koh, trong đó nhà ngoại giao Singapore nhắc lại rằng Singapore không phải là một "quốc gia của người Hoa", dù đa số người dân Singapore mang gốc Hoa. Vì vậy, người Trung Quốc cần phải nhận thức rõ ràng, không nên nhầm lẫn điều này.

Theo ông Koh thì phần lớn người dân Singapore là người gốc Hoa, đó là tài sản chung và tạo ra thuận lợi cho quan hệ song phương. Tuy nhiên, đó cũng là yếu tố khiến Singapore kỳ vọng Trung Quốc sẽ tôn trọng địa vị pháp lý của Singapore. Là một quốc gia có chủ quyền và ngoại giao độc lập, lợi ích của Singapore không phải lúc nào cũng giống của Trung Quốc.

Ngay từ thời lập quốc rất khó khăn, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu vẫn quyết chọn chính sách ngoại giao độc lập hoàn toàn với Trung Quốc, dù 75% dân số Singapore khi đó là người gốc Hoa. Singapore đã chọn tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến trong xã hội và phải 25 năm sau ngày độc lập (9.8.1965), quan hệ Singapore - Trung Quốc mới được thiết lập vào năm 1990.

Vậy phải chăng người Trung Quốc cố tình "nhầm lẫn"? Bởi lẽ thế giới lưỡng cực đang thành hình với sự đối trọng giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương, trong khi đó Singapore được xem là nơi cạnh tranh quyền lợi, quyền lực giữa hai "ông lớn" này. Bắc Kinh thì luôn xem Singapore nghiêng về Mỹ, làm ảnh hưởng tới những toan tính của Trung Quốc. "Một số người bạn Trung Quốc không hài lòng với mối quan hệ ấm áp mà Singapore được hưởng từ Washington. Họ đã cáo buộc Singapore là một đồng minh của Mỹ và đứng về phía Mỹ", ông Tommy Koh nhận định.

Bên cạnh đó là xung đột lợi ích giữa Trung Quốc và ASEAN. Với Singapore thì "bất kỳ nỗ lực nào phá hoại sự đoàn kết ASEAN được Singapore coi là mối đe dọa đến lợi ích quốc gia của mình. Singapore muốn ASEAN đoàn kết để có thể có tiếng nói chung về bất kỳ vấn đề quan trọng nào, bao gồm cả vấn đề Biển Đông", theo The Straits Times. Như vậy, khi Singapore là "người ngoài" thì Bắc Kinh rất bất lợi.

Do đó, Singapore phân định rạch ròi để tránh tai bay vạ gió vì "với vị thế của một nước nhỏ, để tồn tại và phát triển độc lập thì Singapore cần hỗ trợ của luật pháp quốc tế. Với nước nhỏ, luật pháp quốc tế được xem là cả lá chắn lẫn thanh gươm. Singapore mong muốn tranh chấp giữa các quốc gia cần được giải quyết theo quy định của luật pháp luật quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực", ông Tommy Koh phân tích.

Xây dựng Singapore thành bến đậu tốt nhất để mọi con thuyền lợi ích thả neo

Ngày 10.11, điều trần trước Quốc hội về chính sách an ninh và đối ngoại của Singapore thời hậu Obama, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen khẳng định: "Chính sách của Singapore phải dựa trên lợi ích riêng của mình. Chúng ta phải xem hành động và chính sách đối ngoại của các nước khác. Là một quốc gia nhỏ, chúng ta theo đuổi hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Ông Ng Eng Hen nhấn mạnh: "Chính sách đối ngoại của Singapore trước sau như một, đó là thực hiện độc lập, giữ vững chủ quyền quốc gia, tiếp tục định vị tốt nhất có thể để tồn tại và phát triển. Chúng ta tìm kiếm để có càng nhiều bạn càng tốt. Singapore khuyến khích các nước sử dụng cơ sở vật chất của mình - dù đó là căn cứ hải quân Changi hay các căn cứ không quân".

Trong khi đó, thời gian gần đây Thủ tướng Lý Hiển Long đã có nhiều chuyến ngoại giao con thoi nhằm tìm kiếm bạn mới, làm mới tình bạn cũ, giúp cho Singapore ngày càng có nhiều đối tác tin cậy và thân thiện. Phía sau mỗi chuyến đi của Thủ tướng Singapore luôn là thông điệp “Singapore muốn làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới vì lợi ích chung”. Trong đó đặc biệt là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ - sau 31 năm một lãnh đạo nhà nước Singapore tới xứ cờ hoa, kể từ chuyến thăm của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đến Washington năm 1985. Qua chuyến thăm, ông Lý Hiển Long đã giúp nâng tầm cho vị thế và vai trò của Singapore trên trường quốc tế, thậm chí vượt qua cả Nhật Bản, Úc trong quan hệ với Mỹ.

Thủ tướng Lý Hiển Long thăm tiếp Ấn Độ, làm sống dậy quan hệ Singapore - New Delhi, tạo đột phá khẩu cho chiến lược Đông tiến của Thủ tướng Modi hướng về Đông Nam Á. Thủ tướng Lý Hiển Long mở đường cho doanh nghiệp Singapore bước vào thị trường khổng lồ tại khu vực Nam Á và ngược lại, giúp Singapore nhanh chóng đón thuyền lợi ích Ấn Độ đến buông neo.

Thủ tướng Lý Hiển Long đến thăm Nhật Bản giúp Tokyo Nam tiến về ASEAN. Abenomics có nguy cơ phá sản, khiến Thủ tướng Abe phải phá rào cản, vẫy vùng và từ đó gây ra nguy hại cho đất nước mặt trời mọc từ cả đối thủ lẫn đồng minh. Việc Thủ tướng Singapore đến thăm xứ hoa anh đào đã phần nào hóa giải mối nguy đó vì Singapore chỉ có đối tác, không liên kết liên minh.

Thủ tướng Lý Hiển Long và Thủ tướng Najib Razak cũng đã quyết nâng tầm quan hệ Singapore - Malaysia, cho dù Kuala Lumpur bị xem là đang “gần Trung xa Mỹ”. Thủ tướng Lý Hiển Long và Tổng thống Joko Widodo cũng quyết nâng tầm quan hệ Singapore - Indonesia, cho dù Jakarta đang bị cho là hiềm khích với Trung Hoa.

Lợi ích của Singapore cứ cao dần qua những chuyến đi của người đứng đầu chính phủ và Singapore luôn được đảm bảo là bến đậu yên bình cho mọi con thuyền lợi ích buông neo. Cùng với đó là vị thế của Singapore không ngừng được củng cố, nâng cao và cho đến giờ này dường như Thủ tướng Lý Hiển Long đang là người đóng vai trò trung hòa thế lưỡng cực Mỹ - Trung.

Khi vị thế của người đứng đầu đất nước Singapore được các bên ghi nhận và tôn trọng thì chính là chính phủ Lý Hiển Long đã hóa giải thành công ngoại giao cưỡng chế đầy nguy hại mà Trung Nam Hải áp dụng với đảo quốc này.

Ngọc Việt

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/singapore-hoa-giai-ngoai-giao-cuong-che-cua-bac-kinh-47747.html