SIFE: "Hô biến những sợi rơm"

SV- Khoảng thời gian 3 tháng thành lập, cũng là ngần ấy thời gian, các thành viên trong đội SIFE trường ĐH Ngân hàng TP. HCM tạo nên những bước đi đầu tiên cho dự án “Chế tạo những sản phẩm mỹ nghệ từ rơm”. Dự án này được các bạn thực hiện nhằm hỗ trợ những người dân có thu nhập thấp và những trẻ em có hoàn cảnh cơ nhỡ.

Sản phẩm “độc” từ rơm

Chỉ cần một chút khéo léo, từ những sợi rơm và những vật dụng hỗ trợ khác như keo dán, giấy cáctông, kéo, giấy màu… là có thể tạo nên những sản phẩm vô cùng đẹp mắt. Bạn Văn Hưng Quyền (Trưởng dự án), chia sẻ: “Rơm là một phế phẩm sau những vụ mùa thu hoạch lúa. Một số ít được đem về làm thức ăn cho gia súc.

Một số sản phẩm do đội SIFE và các bạn cộng tác viên thực hiện...

Phần lớn còn lại sẽ được phơi khô và đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Với suy nghĩ, tại sao chúng ta không tận dụng nguồn nguyên liệu này để tạo ra những sản phẩm hand–made có giá trị? Nhóm đã mạnh dạn bắt tay vào dự án”. Sau khi tiến hành những đợt khảo sát, các thành viên trong CLB vui mừng nhận ra tính khả thi của dự án. Quyền cho biết: “Tuy những sản phẩm hand–made không phải là mới trên thị trường nhưng đa số chưa có thương hiệu. Sản phẩm làm từ rơm thì tương đối hiếm nên vấn đề đầu ra cho sản phẩm được đảm bảo”.

Bạn Nguyên (Trưởng Ban truyền thông), cho biết: “Về vật liệu, tụi mình không phải lo lắng nhiều vì những địa điểm được chọn để thực hiện dự án đều là khu vực có trồng lúa. Nếu sau này mở rộng dự án ở nội thành thì nhóm sẽ tính đến khâu vận chuyển. Điề u băn khoăn nhất của nhóm là kinh phí để thực hiện dự án. Hầu như tất cả các hoạt động đều lấy từ quỹ của CLB do các thành viên đóng góp”. Để có kinh phí hoạt động, Nguyên dự tính: “Theo kế hoạch, vào cuối tháng 10, CLB sẽ tổ chức hội thảo về kinh tế. Tụi mình sẽ mời những chuyên gia về kinh tế tham gia sinh hoạt với các bạn sinh viên. Học phí thu được từ buổi hội thảo sẽ được đầu tư cho dự án. Tụi mình cũng hy vọng thông qua đây, nhiều người biết đến dự án và cùng nhóm thực hiện”.

Để những sản phẩm làm ra luôn đảm bảo chất lượng, đa dạng về kiểu dáng, nhóm đã tiến hành tuyển cộng tác viên cho dự án, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước.

Tương lai hứa hẹn

Văn Hưng Quyền chia sẻ, nhóm mong muốn dự án sẽ giúp được những trẻ em có hoàn cảnh cơ nhỡ tự tin hơn. Quyền kể: “Trong những lần đi tình nguyện, mình thường nghe những em nhỏ tâm sự, các em sợ mình sẽ trở thành gánh nặng cho những người xung quanh. Điều này luôn khiến mình trăn trở, nghĩ cách giúp các em không còn mặc cảm”.

Giờ đây, mọi việc đã được “lên dây cót”. Hiện tại, nhóm đang hoàn thành bảng mẫu sản phẩm, xem đây như một giáo trình chính để hướng dẫn những đối tượng của dự án thực hiện. Nhóm đã liên hệ với Trung tâm Trẻ em mồ côi thị trấn Củ Chi để cùng triển khai thực hiện dự án.

Không chỉ dừng lại ở đó, đối tượng của dự án còn được mở rộng cho những người dân có thu nhập thấp ở vùng có trồng nhiều lúa nước. Địa điểm được các bạn lựa chọn là xã Tân Lập, huyện Cần Đước, tỉnh Long An và thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, TP. HCM. Bạn Nguyên cho biết: “Để người dân tham gia vào dự án này, nhóm cần phải chứng minh được tính khả thi và khả năng sinh lời của dự án cho bà con thấy. Chính vì vậy, nhóm đang nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài 3 địa điểm chính tại nơi thực hiện dự án, nhóm cũng sẽ liên hệ để mở thêm kênh phân phối tại những địa điểm du lịch, hợp tác với những người bán quà lưu niệm tại đây”.

Các thành viên đội SIFE trường ĐH Ngân hàng TP.HCM

Nguyên tâm sự: “Dẫu có khó khăn nhưng tất cả các thành viên, các bạn cộng tác viên của dự án đều rất nhiệt tình. Nhóm chỉ mong dự án có thể được hoàn thành một cách tốt nhất. Đó như là cách để tụi mình góp một phần công sức nhỏ bé giúp ích cho cộng đồng”.

Minh Vương

Nguồn SVVN: http://www.svvn.vn/vn/news/doisong/3950.svvn