'Siêu ủy ban' quản 5 triệu tỷ đồng: Liệu giúp được gì?

Theo chuyên gia, Việt Nam nên tận dụng tốt các cơ chế hiện có để đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN thay vì thành lập "siêu ủy ban".

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) bày tỏ một số băn khoăn của ông xung quanh đề xuất thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.

Không giúp giảm thất thoát hay kiểm soát nợ?

Sau khi đề xuất thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp được đưa ra, có ý kiến kỳ vọng rằng "siêu ủy ban" này sẽ giúp giảm thất thoát tài sản Nhà nước, đặc biệt là trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, một trong những vấn đề gây lo ngại trong thời gian qua.

Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lại không kỳ vọng vào điều này. Theo ông, việc thành lập "siêu ủy ban" không giúp cho tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp được giữ gìn tốt hơn mà quan trọng hơn, khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không thể để các doanh nghiệp cổ phần hóa một cách tự động và tự mình định giá tài sản của chính doanh nghiệp ấy. Việc định giá tài sản (đất đai, thương hiệu, nhà xưởng...) phải được thực hiện bởi các cơ quan định giá độc lập trên cơ sở giá thị trường, từ đó mới thu hồi được vốn Nhà nước.

Theo chuyên gia, điều quan trọng nhất là phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp

"Theo báo cáo mới nhất về tình hình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước của Chính phủ, đất chiếm 68% tổng giá trị toàn bộ tài sản Nhà nước. Trong quá trình cổ phần hóa, khi định giá tài sản gắn liền với đất cần phải lưu ý rằng, theo quy định của Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước và nếu trao quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp thì cũng chỉ giao trong một số năm nhất định chứ không phải vĩnh viễn.

Việc định giá tài sản Nhà nước, trong đó có đất phải được thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ qua các ủy ban định giá độc lập để đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo tính toán đầy đủ, đúng đắn giá trị của các DNNN chứ không phải cổ phần hóa một cách không suy tính, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thất thoát tài sản Nhà nước.

Một số nhóm lợi ích cứ lấy cớ rằng Nhà nước phải nắm quyền chủ đạo đối với nền sản xuất để trì hoãn cổ phần hóa. Vấn đề là phải cân nhắc, tính toán xem ngành nghề, lĩnh vực nào thực sự cần Nhà nước nắm giữ, còn lại phải chủ động đẩy mạnh cổ phần hóa, có vậy mới đạt được yêu cầu hội nhập", ông Thịnh nói.

Vị chuyên gia cũng không hy vọng "siêu ủy ban" sau khi thành lập sẽ giúp kiểm soát khối nợ của DNNN bởi việc quản lý nợ, vay nợ của các DNNN hiện nay do các cơ quan do Chính phủ chỉ định hoặc được Chính phủ bảo lãnh. Các cơ quan này nắm rất rõ doanh nghiệp nào đang có nợ nước ngoài, nợ bao nhiêu, hay được Chính phủ lảo lãnh bao nhiêu... Mặt khác, việc tham gia vào quá trình quản lý nợ của các cơ quan nói trên còn liên quan đến nhiều vấn đề do cơ chế quản lý của Việt Nam.

Theo đó, các cơ quan chủ quản, các ngành, địa phương đang là cấp trung gian đứng ra giới thiệu doanh nghiệp được vay nợ nước ngoài và đề nghị Nhà nước bảo lãnh. Việc quản lý nợ cũng được chia sẻ cho cơ quan quản lý nợ của Bộ Tài chính, NHNN, liên quan đến một phần kế hoạch của Bộ KHĐT, đàm phán vay nợ của Bộ Ngoại giao và các quy định của Bộ Tư pháp. Chính vì thế, khi Chính phủ phê duyệt vay nước ngoài hoặc phê duyệt doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh vay thì các cơ quan này nắm rất vững.

"Tuy nhiên, quá trình theo dõi việc quản lý, sử dụng vốn vay, giúp các doanh nghiệp có được hiệu quả sử dụng vốn cao nhất lại bị buông lỏng. Các chủ thể đi vay, những người sử dụng vốn vay nước ngoài hoặc được Chính phủ bảo lãnh vay nước ngoài gần như được tự quyền sử dụng vốn vay đó và các cơ quan quản lý, bảo lãnh dù có tham gia nhưng không đáng kể vào quá trình quản lý, sử dụng vốn cũng như việc đem lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Hiệu quả sử dụng vốn vay thời gian qua không như mong muốn là lỗ hổng lớn trong cơ chế quản lý và cách thức sử dụng vốn vay, vai trò quản lý của Nhà nước - người đứng ra bảo lãnh, vay hộ không được phát huy đầy đủ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Bởi thế, vị chuyên gia một lần nữa khẳng định, việc thành lập "siêu ủy ban" không giúp việc kiểm soát nguồn vốn vay tại các doanh nghiệp tốt hơn.

Thành lập "siêu ủy ban" để làm gì?

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nếu việc thành lập "siêu ủy ban" quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp có thể giúp đẩy mạnh hơn nữa quá trình cổ phần hóa, quản lý tốt hơn vốn Nhà nước thì đó cũng là điều cần thiết.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/sieu-uy-ban-quan-5-trieu-ty-dong-lieu-giup-duoc-gi-3314637/