Siêu tàu sân bay lớp Ford của Mỹ chậm tiến độ 18 tháng

Hàng không mẫu hạm USS Enterprise thuộc lớp tàu sân bay Ford của Mỹ bị lùi thời gian bàn giao thêm 18 tháng do chậm trễ trong cung cấp nguyên liệu và vấn đề về chuỗi cung ứng.

Công bố ngân sách năm tài khóa 2025 của hải quân Mỹ công bố vào ngày 18/3 cho biết, siêu tàu sân bay USS Enterprise thuộc lớp Ford sẽ được bàn giao vào tháng 9/2029, muộn hơn 18 tháng so với lịch bàn giao dự kiến trước đó là tháng 3/2028. Lý do của sự chậm trễ là do bị gián đoạn trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu chế tạo.

Ngoài lùi thời gian bàn giao siêu tàu sân bay USS Enterprise, hải quân Mỹ còn hoãn đặt mua tàu sân bay thứ 5 thuộc lớp Ford, vốn dự kiến thay thế tàu USS Theodore Roosevelt. Thương vụ này ban đầu được lên kế hoạch diễn ra vào năm tài khóa 2028, nhưng bị lùi sang năm 2030.

Hải quân Mỹ năm ngoái cân nhắc quyết định hoãn mua tàu sân bay lớp Ford với mã CVN-82 và CVN-83, do quân đội nước này muốn ký hợp đồng mua theo lô để không phải bổ sung tùy chọn hợp đồng sau mỗi năm. Ngoài ra, lý do khác đến từ việc tàu sân bay Enterprise trễ hẹn bàn giao.

Tàu sân bay USS Enterprise đang được chế tạo tại nhà máy Newport News, bang Virginia, Mỹ

USS Enterprise là siêu tàu sân bay thứ ba thuộc lớp Ford. Chiếc đầu tiên thuộc lớp này là USS Gerald R. Ford, được bàn giao tháng 4/2017 và biên chế sau đó hai tháng. Tàu sân bay lớp Ford thứ hai là USS John F. Kennedy, đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến bàn giao vào năm sau.

Tàu sân bay Ford có giá khoảng 13 tỷ USD vào thời điểm bàn giao, vượt ngân sách dự kiến 2,4 tỷ USD và trở thành chiến hạm đắt nhất trong lịch sử hải quân Mỹ. Hàng không mẫu hạm này được trang bị nhiều công nghệ mới, song chúng gặp nhiều vấn đề liên quan tới độ tin cậy.

Siêu tàu sân bay lớp Ford sẽ giúp hải quân Mỹ duy trì ưu thế

Tàu sân bay lớp Ford có thể mang theo trên 90 máy bay các loại, bao gồm cả máy máy cánh cố định và trực thăng với đủ chủng loại cảnh báo sớm, tác chiến chống ngầm, tác chiến điện tử… Đặc biệt, nó được trang bị “cặp song sát” là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35C và máy bay trinh sát/tấn công không người lái tàng hình (UCAV) X-47B. Hai loại máy bay chiến đấu tàng hình có và không người lái này sẽ giúp tàu sân bay lớp Ford có khả năng xuyên phá qua mọi hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới.

Bảo đảm được tần suất và số lượt chiếc máy bay xuất kích ngày càng gia tăng trong tác chiến hiện đại là mục tiêu then chốt của bất cứ tàu sân bay nào. Được trang bị hệ thống máy phóng và thiết bị hãm điện từ, tàu sân bay lớp Ford sẽ phóng máy bay ra khỏi sàn tàu một cách nhẹ nhàng và thu hồi máy bay hạ cánh an toàn hơn sử dụng máy phóng hơi nước và thiết bị hãm đà kiểu cũ. Vì thế hiệu suất cũng cao hơn 25% so với các tàu sân bay lớp Nimitz.

Tính đa dạng trong tác chiến của hàng không mẫu hạm sử dụng máy phóng điện từ chính là khả năng bảo đảm hoạt động bình thường cho tất cả các loại máy bay mà nó mang theo. Với cường độ tác chiến mức cao nhất, siêu tàu sân bay này có thể duy trì mật độ mỗi ngày đêm xuất động 220 lần chiếc tiêm kích hạm, tác chiến liên tục trong 5 - 7 ngày. Trong cường độ tác chiến mức độ trung bình, mỗi ngày nó có thể huy động 180 lượt máy bay, tấn công 1.500 mục tiêu trong thời gian 1 tháng liền.

Do thiết kế tối ưu và áp dụng các công nghệ cao nên siêu tàu sân bay lớp Ford có trình độ tự động hóa cao hơn hẳn so với các tàu sân bay lớp Nimitz. Tàu sân bay lớp Ford chỉ cần 4.660 thủy thủ, ít hơn so với tàu sân bay lớp Nimitz 700 người, nó cũng chỉ cần đến 3 thang máy nâng, hạ tiêm kích hạm so với 4 của các tàu sân bay kiểu cũ.

Tàu sân bay còn được áp dụng một số công nghệ đỉnh cao như radar mảng pha điện tử thế hệ mới nhất, hệ thống phòng thủ laser trên hạm, hệ thống thông tin dạng lưới đa cực. Giới chuyên gia cho rằng Nga và Trung Quốc sẽ mất vài thập niên nếu muốn chế tạo được một sản phẩm tương tự như Mỹ.

Theo USNI, AFP, Reuters

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sieu-tau-san-bay-lop-ford-cua-my-cham-tien-do-18-thang-post570463.antd