Siêu phi công tiêm kích VN: 'Đánh nhanh, thọc sâu', hạ 8 máy bay!

Tại vùng trời Văn Yên, biên đội tiêm kích Nguyễn Hồng Nhị và Nguyễn Đăng Kính đã có trận thắng đầu tiên của MiG-21 bằng chiến thuật” đánh nhanh thọc sâu”, bắn rơi 1 F-4 và 1 F-105.

Siêu phi công tiêm kích VN: "Đánh nhanh, thọc sâu", hạ 8 máy bay!

Sau hiệp định Genève, Nguyễn Hồng Nhị chia tay gia đình, tập kết ra Bắc trên chuyến tầu cuối cùng từ cảng Quy Nhơn ra bến Sầm Sơn, Thanh Hóa, được điều về sư đoàn 324, tham gia huấn luyện tại Nghệ An.

Sau đó, ông cùng đơn vị hành quân sang chiến đấu giúp bạn Lào đánh phỉ Vàng Pao. Năm 1960, ông được trên cho đi học trường sĩ quan lục quân. Tại đây, ông đã trúng tuyển đi học lái máy bay ở Liên Xô.

Đoàn đi học năm ấy cả thợ máy và phi công hơn 100 người, là đoàn đầu tiên học máy bay phản lực chiến đấu. Đi cùng đoàn ông, sau này có những bạn chiến đấu trên bầu trời cũng trở thành Anh hùng lực lượng như Hà Văn Chúc, Đặng Ngọc Ngự, Nguyễn Văn Cốc, Phạm Thanh Ngân, Mai Cương…

Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Hồng Nhị, quê ở Hoài Sơn, Hoài Nhơn (ngồi thứ 2 từ phải sang) cùng các cựu sĩ quan Quân chủng Phòng không - Không quân đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào mùa xuân năm 2007. Ảnh: Gia đình Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Hồng Nhị cung cấp.

Những trận không chiến để đời

Cuối năm 1965, Nguyễn Hồng Nhị trở về nước và được bổ nhiệm đại đội phó đại đội bay, thuộc trung đoàn không quân 921, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Lúc này không quân Mỹ đã leo thang, đánh phá ra miền Bắc.

14 giờ ngày 4 tháng 3 năm 1966, đơn vị radar cảnh giới bắt được tín hiệu máy bay trinh sát không người lái của địch hoạt động tại vùng Đông Bắc. Trung đoàn phó trung đoàn 921 Trần Hanh trực tiếp ở Sở chỉ huy không quân lệnh cho Nguyễn Hồng Nhị xuất kích.

Sau 19 phút bay ở độ cao 16km trên vùng trời Quảng Ninh, Nguyễn Hồng Nhị báo cáo đã phát hiện mục tiêu cách 15km, độ cao 18km. Máy bay không người lái của địch có ký hiệu BQM34, bay ở độ cao 18km, là độ cao mà máy bay MiG-21 muốn đạt được phải có tốc độ vượt hơn âm thanh.

Trên độ cao đó, không khí loãng, lực nâng máy bay ít đòi hỏi phi công phải xử lý các động tác rất chuẩn xác, nếu cơ động không khéo thì máy bay dễ bị thất tốc, rơi xuống ngay.

Máy bay địch tốc độ khoảng 800km/giờ, máy bay ta tốc độ tới 1.800km/giờ, do đó khi tiếp cận mục tiêu không kịp bắn thì sẽ bị vọt qua máy bay địch và không thể quay lại để công kích. Nguyễn Hồng Nhị đã bình tĩnh, tự tin đưa máy bay địch vào vòng ngắm rồi ấn nút phóng tên lửa.

Chiếc máy bay không người lái trúng tên lửa, tan thành từng mảnh vụn trong không trung đem theo cả những tấm bản đồ vừa chụp được xuống lòng đất.

Giữa năm 1966, Nguyễn Hồng Nhị cùng Đồng Văn Song bay biên đội lên phía Bắc chặn đánh máy bay gây nhiễu RB-66 của địch. Thật không may cho ông, chưa gặp được mục tiêu thì đã phải đối đầu với máy bay F4. Hàng chục chiếc F4 quây lại phóng tên lửa, làm máy bay của ông bị thương nặng.

Nguyễn Hồng Nhị phải nhẩy dù, rơi xuống huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Vì ông nói tiếng miền Nam, nên dân quân du kích tưởng là phi công ngụy quyền Sài Gòn, liền trói gô lại giải về xã. May mà Bộ Quốc phòng điện lên kịp, lúc đó bà con cởi trói, chăm sóc ông tận tình.

Tuy nhiên ông phải nằm viện mất ba tháng vì bị chấn thương cột sống. Ông trở thành thương binh 1/4, và đến giờ mỗi khi trái gió trở trời, cái u sau lưng lại đau nhức.

Cuối năm 1966, sức khỏe bình phục, Nguyễn Hồng Nhị tiếp tục trở về trực ban chiến đấu. Trong một trận đánh chặn máy bay địch đi từ hướng Tây vào đánh Hà Nội, ông bay biên đội với Nguyễn Đăng Kính, đã không chiến chống lại hàng chục máy bay F105 và F4 của địch.

Đây là loại máy bay ném bom, khi gặp máy bay MiG của ta, chúng vứt bom cơ động chiến đấu như máy bay tiêm kích . Được sự yểm trợ của Nguyễn Đăng Kính, từ trên cao Nguyễn Hồng Nhị đã lao vào đội hình địch, bắn tên lửa ở cự ly chừng 1,5km.

Chiếc máy bay Thần Sấm (F105) bị nổ tung, rơi xuống đất, bọn còn lại bị bất ngờ hoảng loạn, ném bom lung tung. Biên đội ta nhanh chóng cơ động thoát ly về hạ cánh an toàn.

Vào năm 1967, địch đánh dồn dập vào Hà Nội và các vùng lân cận. Thủ đoạn của chúng thường cho máy bay trinh sát mục tiêu trước, rồi mới tiến hành trận đánh. Biên đội Nguyễn Hồng Nhị được lệnh Sở chỉ huy cất cánh tiêu diệt máy bay trinh sát của địch.

Những tên phi công lái máy bay trinh sát thường là những tên sừng sỏ, có nhiều kinh nghiệm. Ngày 31 tháng 8 năm 1967, khi máy bay Nguyễn Hồng Nhị vào công kích chiếc máy bay trinh sát RF101 trên bầu trời Phú Thọ, địch phát hiện được liền lợi dụng tốc độ lớn, khả năng cơ động nhanh hạ thấp độ cao để chạy thoát.

Ông đã mưu trí, linh hoạt không lao xuống thấp theo địch vì biết rằng với tốc độ lớn nhất định địch sẽ ngóc lên, nên bám địch ở phía trên, khi địch ngóc lên ở cự ly gần, lọt vào vòng ngắm, ông bắn luôn sau đó đuổi theo bắn thêm phát thứ hai, máy bay địch rơi ngay tại chỗ.

Ta rút được kinh nghiệm cách đánh máy bay trinh sát. Ngay sau đó sang tháng 9, Nguyễn Hồng Nhị lại tiêu diệt thêm một chiếc RF101 trên vùng trời Sơn La.

Cũng trong tháng 9, Nguyễn Hồng Nhị lại lập tiếp chiến công bắn rơi chiếc máy bay thứ 5 là chiếc F4, được mệnh danh Con ma của không lực Hoa Kỳ, chuyên dùng không chiến với máy bay MiG của ta.

Ngày 9 tháng 10 năm 1967, trên vùng trời Chiêm Hóa (Tuyên Quang) phát hiện địch từ xa, mặc dù địch có tới 16 máy bay F-4, Nguyễn Hồng Nhị vẫn cùng đồng chí số 2 yểm hộ cho nhau chặt chẽ, tạo thế thuận lợi, mưu trí và dũng cảm xông thẳng vào đội hình máy bay địch, kịp thời nổ súng bắn rơi 2 chiếc (Nguyễn Hồng Nhị bắn rơi 1 chiếc). Máy bay địch hoảng sợ vứt bom bừa bãi tháo chạy.

Ông nhớ rất sâu sắc trận đánh bắn rơi chiếc máy bay thứ bẩy của mình, là trận đánh kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Nga, vào ngày 7 tháng 11 năm 1967.

Trước đó địch đã dùng không quân phá hủy đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài, không quân ta không thể hoạt động được trên sân bay này, phải về sân bay Gia Lâm trực chiến. Đêm 6 tháng 11, nhân dân vùng Sóc Sơn đã cùng bộ đội san lấp hố bom, sửa chữa gấp rút đường lăn sân bay Nội Bài.

Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân quyết định dùng tương kế tựu kế. Khi kẻ địch nghĩ rằng ta không thể nào xuất kích từ sân bay đổ nát, thì chính từ đó không quân ta bay lên vít cổ chúng xuống.

Do xuất kích trên đường lăn, nên biên đội không cùng cất cánh một lúc được, Nguyễn Hồng Nhị cất cánh trước, Nguyễn Đăng Kính cất cánh sau. Hai phi công tập hợp biên đội, gặp địch trên vùng trời Văn Yên thuộc tỉnh Nghĩa Lộ.

Địch có 20 chiếc máy bay F-4 và F-105 yểm hộ chặt chẽ cho nhau. Nguyễn Hồng Nhị bình tĩnh phán đoán, nhanh chóng tìm chỗ yếu của chúng, dũng cảm dẫn đầu biên đội đánh cắt đội hình phía sau của địch.

Tốp máy bay F4 quay lại đối phó, ông nhanh trí phóng một quả tên lửa làm rối loạn đội hình tốp này, rồi xông thẳng vào đánh tốp máy bay F-105 đi đầu hạ ngay một chiếc.

Kết thúc trận đánh biên đội đã bắn rơi 2 chiếc: một F4 và một F105. Đây là trận thắng đầu tiên của MiG-21 áp dụng chiến thuật” đánh nhanh thọc sâu”, đã giúp cho đơn vị rút được nhiều kinh nghiệm cho những trận đánh tiếp theo.

Mùa khô năm 1968, không quân ta cơ động tới sân bay Thọ Xuân để làm nhiệm vụ bảo vệ hành lang vận chuyển hàng từ khu 4 vào miền Nam. Nguyễn Hồng Nhị lúc này là Chủ nhiệm bay trung đoàn.

Vào buổi sáng ngày 1 tháng 8, trong điều kiện thời tiết phức tạp biên đội ba chiếc MiG-21 gồm Nguyễn Đăng Kính(số1), Nguyễn Mạo (số 2) và Nguyễn Hồng Nhị (số 3) đánh một trận ác liệt trên vùng trời Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn (thuộc tỉnh Nghệ An).

Từ xa 15km, biên đội đã phát hiện mục tiêu. Nhưng do trời nhiều mây, số 1 và 2 bay thấp nên không nhìn thấy địch, Sở chỉ huy cho lệnh quay về. Nguyễn Hồng Nhị bay trên cao hơn, nên phát hiện được địch, Sở chỉ huy cho phép vào công kích.

Ông bám theo một tốp 2 chiếc F8. Đến cự ly 1.000m, máy bay địch nghiêng 60 độ, máy bay của ông ở độ nghiêng 45 độ. Với ý định buộc phi công địch phải cải hướng, Nguyễn Hồng Nhị đã ấn nút phóng một quả tên lửa tạo thời cơ chuẩn bị bắn quả thứ hai.

Nhưng ngay quả thứ nhất chiếc Thập tự quân (F8) đã bốc cháy. Chiếc F8 thứ hai vòng phải kịp thời quay lại bám theo chiếc MiG ở cự ly khoảng 2.500m. Nguyễn Hồng Nhị bật tăng lực, vòng phải và kéo máy bay lên cao. Nhưng do hệ thống tăng lực bị hỏng, việc điều khiển máy bay rất khó khăn.

Thực ra ông đã phát hiện hệ thống tăng lực làm việc không bình thường từ lúc cất cánh, nhưng ông không báo cáo, vì sợ không được tham gia trận đánh. Phát hiện địch vẫn bám sát góc 30 độ, ông nghiêng máy bay sang phải, tránh được loạt đạn thứ hai. Tên địch nhào sang phải đuổi theo.

Nhưng đến loạt đạn thứ ba hắn vẫn bắn trượt. Ông kịp quay lại đưa chiếc F8 vào vòng ngắm. ấn nút phóng, nhưng tên lửa không ra do hệ thống điện bị hỏng. Đúng lúc ấy, hai chiếc F8 từ cửa Sót bay vào phóng hai quả tên lửa. Máy bay của ông bị trúng tên lửa địch, bốc cháy.

Ông phải nhảy dù, rơi xuống đỉnh núi khu vực lâm trường Thanh Sơn, Nghệ An. Nguyễn Hồng Nhị bình tĩnh gỡ dù, đi xuống núi. Trên đường đi ông thấy một con gấu to đang ăn mật ong. Ông dừng lại rút súng lục định bắn để lấy mật gấu xoa bóp vết đau.

Nhưng rồi sợ lỡ không giết được gấu, thì sẽ bị nó vồ lại, nên ông đi vòng tránh nó thì hơn. Vừa xuống chân núi thì đã gặp anh em trong lâm trường đi tìm. Họ đưa ông về lán, lấy mật gấu xoa bóp chỗ đau, nhờ vậy lần này ông sớm bình phục, trở về tiếp tục chiến đấu.

Sau đó ít lâu ông được bổ nhiệm là trung đoàn trưởng trung đoàn không quân 927. Trung đoàn mới ra đời, đa số phi công trẻ mới ra trường được bổ sung.

NHưng với kinh nghiệm đã chiến đấu dày dạn của ông, cùng các trung đoàn phó như Nguyễn Nhật Chiêu, Nguyễn Đăng Kính đã truyền đạt, huấn luyện cho lớp phi công trẻ của trung đoàn, trưởng thành nhanh chóng.

Năm 1972, không quân Mỹ trở lại đánh phá miền Bắc vô cùng ác liệt, kể cả dùng B52 đánh phá thủ đô Hà Nội trái tim của Tổ quốc. Trung đoàn 927 đã góp phần xứng đáng đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đối với miền Bắc nước ta.

iêng trung đoàn của ông trong 6 tháng cuối năm 1972 đã bắn rơi 42 máy bay hiện đại của không quân Mỹ trong đó có một chiếc B52.

Được Bác Hồ tặng 8 chiếc huy hiệu và một chiếc đồng hồ nữ

Để động viên và khen thưởng chiến công bắn rơi máy bay Mỹ của bộ đội không quân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tặng mỗi phi công một huy hiệu của Người và phần thưởng ngôi sao đỏ sơn trên máy bay sau mỗi lần phi công bắn rơi một máy bay Mỹ.

Nhân dịp kỷ niệm một năm không quân ta đánh thắng trận đầu, Bác Hồ cho gọi những phi công có thành tích đặc biệt của không quân lên để Bác gặp mặt động viên.

Nguyễn Hồng Nhị vừa lập chiến công bắn rơi máy bay không người lái ở độ cao 18 km, nên được cùng đi với các phi công Trần Hanh, Lâm Văn Lích, Nguyễn Nhật Chiêu, Ngô Đức Mai, Phan Như Cẩn lên gặp Bác.

Trong lần ấy Bác Hồ đã hỏi chuyện quê hương và động viên: “Quê chú gần vùng dừa Tam Quan phải không? đồng bào và chiến sĩ miền Nam ta trong đó chiến đấu rất dũng cảm, anh hùng.

Ở miền Bắc chú đã thi đua với đồng bào, đồng chí quê hương mình đánh giặc trên trời giỏi như vậy là đã thiết thực chia lửa và phát huy truyền thống của quê hương”.

Sau lần bị thương do nhảy dù, Nguyễn Hồng Nhị được trên cho đi nghỉ an dưỡng ở Tam Đảo. Ở đây, ông đã làm quen được với y sĩ Nguyễn Thị Thanh Dậu, một cô gái nông thôn quê miền Bắc, hiền lành, chịu thương chịu khó.

Ấy thế nhưng khi máy bay Mỹ bị bắn rơi vùng trời Tam Đảo, thì cô cũng mang súng đi truy tìm bắt tên phi công suốt ba ngày ba đêm, cuối cùng tổ của cô đã lập công tóm gọn tên giặc lái. Tình yêu giữa ông và cô y sĩ trạm an dưỡng đã nảy nở, và cuối năm 1967 họ kết nên duyên vợ chồng.

Dù có duyên mới, nhưng ông vẫn hăng say chiến đấu lập công, năm 1967 là năm ông bắn rơi đến 5 chiếc máy bay địch.

Ngoài những tấm huy chương của Bác Hồ gửi tặng, không ngờ đúng ngày 22 tháng 12 năm 1967, chính ủy trung đoàn Chu Duy Kính đã chuyển cho ông món quà vô giá là chiếc đồng hồ nữ mạ vàng xinh xắn của Bác Hồ tặng.

Chính ủy Kính nhắc lại lời của Bác: “Bác gửi tặng chú Nguyễn Hồng Nhị chiếc đồng hồ này. Mong chú Nhị cố gắng hơn nữa, luôn xứng đáng là Chiến sĩ thành đồng Tổ quốc”.

Chính ủy còn nói thêm: “Bác biết cậu đã xây dựng gia đình nên tặng đồng hồ nữ và Bác đã đồng ý cho phép cậu tặng cho cô Dậu dùng chiếc đồng hồ này”.

Nguyễn Hồng Nhị lặng đi vì xúc động, Ông giơ hai bàn tay đỡ lấy chiếc đồng hồ như đang nhận vật quý vô giá từ bàn bay và đôi mắt ấm áp, hiền từ của Bác. Đã từ lâu, trong mỗi trận không chiến ác liệt thì hình ảnh của Bác luôn là nguồn sức mạnh tiếp sức cho ông bay lên chiến thắng kẻ thù.

Kể đến đây ông như lặng người, nhớ lại cái giây phút đâu thương nhất trong đời. Đó là sáng ngày 9 tháng 9 năm 1969, ông dẫn đầu biên đội 12 chiếc MiG-21 bay qua Ba Đình tiễn Bác Hồ đi xa!

Với thành tích xuất sắc, bắn rơi 8 máy bay Mỹ, Nguyễn Hồng Nhị đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 18 tháng 6 năm 1969.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với các anh hùng phi công tại sân bay Nội Bài sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, tháng 12-1972. Từ phải sang: Các anh hùng Phạm Tuân, Nguyễn Đức Soát, Đỗ Văn Lanh, Ngô Duy Thư, Nguyễn Hồng Nhị.

Ông đã trưởng thành từ người chiến sĩ lên đại đội phó, đại đội trưởng, trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng rồi Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân.

Năm 1988 ông chuyển sang làm Tổng Cục phó rồi Tổng cục trưởng, Cục trưởng cục Hàng không dân dụng Việt Nam.

Con trai và con gái của ông đã có gia đình và tiếp tục công tác trong ngành hàng không, Chiếc đồng hồ quý giá Bác Hồ tặng cho người phi công tiêm kích xuất sắc ngày ấy, được vợ chồng ông nâng niu trân trọng như một bảo vật.

Chỉ một lần bà Dậu đeo khi về thăm quê ông ở Hoài Nhơn, Bình Định sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Theo lời kêu gọi của bảo tàng Quân chủng PK-KQ, ông bà đã trao lại chiếc đồng hồ nữ quý giá cho Bảo tàng của Quân chủng để những thế hệ chiến sĩ trẻ và khách thăm quan đến bảo tàng sẽ hiểu được thêm tấm lòng bao la trời biển của Bác Hồ kính yêu đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước.

theo Thế giới trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/sieu-phi-cong-tiem-kich-vn-danh-nhanh-thoc-sau-ha-8-may-bay-2016050411170889.htm