Siêu dự án VTCC: nỗi ám ảnh của người Hà Nội

Theo quy hoạch phát triển giao thông đô thị, đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 9 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT), 8 tuyến buýt nhanh (BRT) để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, tăng khả năng vận tải công cộng của Thủ đô. Nhưng do chậm tiến độ, nên thay vì giải quyết vấn nạn tắc đường, các siêu dự án đang làm gia tăng tình trạng ùn ứ, khiến người dân Hà Nội thêm ngán ngẩm mỗi khi tham gia giao thông.

Những “siêu” dự án nhiều lần lỡ hẹn

Hai tuyến ĐSĐT là Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 2B) và Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3) cùng tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa được thành phố Hà Nội đầu tư phát triển mạnh trong hai năm 2015-2016 với mục địch hạn chế, giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông. Đây cũng là các dự án của chương trình mục tiêu phát triển Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội giai đoạn 2011-2015.

Cụ thể: tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đã khởi công tháng 10/2011 được kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” cho vận tải công cộng của Thủ đô. Theo quy hoạch, khi đi vào hoạt động, tuyến ĐSĐT này sẽ chuyên chở 900-1.300 hành khách/lượt. Trước đó, lãnh đạo Bộ GTVT từng khẳng định: “Khi đi vào hoạt động đầu năm 2015, cùng với xe buýt nhanh, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đáp ứng được 35 - 45% nhu cầu đi lại bằng VTCC của nhân dân và giải quyết cơ bản vấn đề tắc nghẽn giao thông ở Thủ đô”.

Theo quy hoạch GTVT, Hà Nội sẽ có thêm 7 tuyến ĐSĐT vào năm 2030

Song tiếc là sau khoảng 5 năm thi công với 8 lần điều chỉnh tiến độ, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Dự án chậm tiến độ, công trường thi công vẫn ngổn ngang không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân cũng như tác động xấu đến môi trường sống của người dân trong khu vực lân cận mà còn thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước.

Đến nay, dự án này đã bị đội giá 62% so với mức tổng đầu tư ban đầu. Nghĩa là ngoài vốn đầu tư 552 triệu USD (khoảng 8.700 tỷ đồng), giờ phải chi thêm 399 triệu USD (khoảng 7.144 tỷ đồng) cho dự án này. Trong khi đó, theo lần điều chỉnh tiến độ mới nhất, dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành vào tháng 9/2017. Hiện tại, người dân Hà Nội, nhất là những người đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc chậm tiến độ của dự án này hy vọng đây là lần điều chỉnh cuối cùng để tinh thần “Nói phải đi đôi với làm” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không trở nên vô nghĩa.

Còn dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội chắc không thể hoàn thành trong năm 2016 như theo kế hoạch đã định, cho dù đã khởi công được 6 năm. Hiện tại, dự án này còn chưa xong hạng mục đổ trụ xà mũ (trụ đường ray) và các nhà ga.

Dự án xe buýt nhanh Hà Nội BRT tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa có vốn đầu tư 49 triệu USD, khởi công tháng 3/2013 được cho là bước đi quan trọng trong tiến trình hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị. Theo kế hoạch, tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ được đưa vào khai thác vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, người dân Hà Nội một lần nữa phải thất vọng vì dự án này lại trễ hẹn. Đến nay, nhiều hạng mục của dự án như: mặt đường, nhà chờ… xây rồi bỏ đó. Nguyên nhân là do phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội năm 2008; quá trình thi công khó khăn do đường hẹp, mật độ lưu lượng giao thông lớn, thời gian thi công chủ yếu vào ban đêm nên gặp một số trở ngại nhất định…

38% ùn tắc do các siêu dự án giao thông

Với mục tiêu giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông đô thị cho thành phố Hà Nội, nhưng các siêu dự án hiện tại là nguyên nhân chính gây tắc nghẽn giao thông, đặc biệt ở các đầu mút giao thông quan trọng như: Cầu Giấy, Láng, Trường Chinh, Xã Đàn… Đường bị rào lại để dành chỗ cho công trường thi công càng khiến tình trạng ùn tắc trở nên nghiêm trọng, chẳng khác nào lưu lượng giao thông lớn phải di chuyển qua cái thắt cổ chai.

Tắc đường ở gần khu vực thi công tuyến ĐSĐT Nhổn – ga Hà Nội. Ảnh: Zing

Thực tế, trục đường Cầu Giấy nối lên Láng hoặc ra Đê La Thành khoảng 2 năm nay không khi nào hết tắc, bất chấp có phải là giờ cao điểm hay không. Đoạn Cầu Giấy - Nhổn thì lòng đường bị chiếm dụng khoảng 2/3 diện tích để dành cho các công trường thi công tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội. Vì thế, tình trạng ùn ứ xảy ra như cơm bữa, khiến việc đi lại rất khó khăn, gây tâm lý bức xúc cho người dân.

Tình trạng tắc đường, kẹt cứng ở Cầu Giấy diễn ra hàng ngày trong khoảng 2 năm qua

Trả lời trên báo Tiền Phong, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận: Kể từ đầu năm 2016, 17/44 điểm ùn tắc giao thông là do các công trình thi công trên đường, chiếm 38%. Chỉ riêng dự án tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông đã gây ra 8 điểm ùn tắc.

Không chỉ gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, các siêu dự án chậm tiến độ, thi công gần khu dân cư, trục đường giao thông chính, lại không đảm bảo an toàn còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm cho người dân khi tham gia giao thông. Đến nay, 6 vụ tai nạn đã được ghi nhận ở khu vực công trường thi công các dự án giao thông đô thị Hà Nội, làm hai người chết, 5 người bị thương.

Nói về dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT - thừa nhận năng lực và tính chuyên nghiệp của Tổng thầu EPC Trung Quốc (đơn vị triển khai) yếu kém, nên đã để xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng thời gian qua, tiến độ thi công cũng không đảm bảo.

Trong khi các siêu dự án chưa chứng tỏ được sự ưu việt trong việc điều tiết giao thông, đem lại lợi ích cho người dân, thì chúng đã trở thành nỗi ám ảnh và nỗi lo thường trực của người Hà Nội khi tham gia giao thông. Đó là nghịch lý khó có thể chấp nhận.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/sieu-du-an-vtcc-noi-am-anh-cua-nguoi-ha-noi